Triển khai BHYT HSSV năm học 2015- 2016: Hiểu đúng để thực hiện tốt
16/09/2015 02:33 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 16/9, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về việc triển khai BHYT HSSV. Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh chủ trì cuộc họp và cùng lãnh đạo các ban nghiệp vụ đã trả lời, giải đáp những vấn đề đang được báo chí quan tâm khi thực hiện BHYT HSSV trong năm học 2015- 2016, năm đầu tiên thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh chủ trì họp báo
Địa phương lựa chọn phương thức thu
Thông tin về tình hình triển khai thực hiện BHYT HSSV theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, ông Phạm Lương Sơn- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: Việc thực hiện chính sách BHYT đối với nhóm HSSV có 2 điểm mới quan trọng. Đó là, điều chỉnh mức đóng như đối với các nhóm đối tượng khác là từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở theo quy định hiện hành của nhà nước; đồng thời, thay đổi phương thức thu từ theo năm học (tháng 9 năm trước đến hết tháng 9 năm sau) sang thu theo năm tài chính (từ ngày 1/1 đến 31/12 hằng năm).
Theo ông Sơn, việc quy định mới này đã dẫn tới tình trạng các địa phương triển khai phương thức thu khác nhau trong giai đoạn chuyển tiếp: Năm học 2015- 2016 còn 3 tháng cuối năm 2015 và 12 tháng của năm 2016.
Ông Sơn cũng khẳng định: Năm học 2015- 2016, toàn quốc có 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn phương thức thu BHYT HSSV theo năm tài chính, còn 5 tỉnh vẫn thực hiện thu theo năm học. Trong 58 địa phương thu BHYT HSSV theo năm tài chính, chỉ có 8 tỉnh, thành phố thực hiện thu gộp một lần 15 tháng gồm: Bến Tre, Bình Định, Bình Phước, Hải Phòng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Trị, TP.HCM.
Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn trả lời câu hỏi của các PV
Tuy nhiên, trước phản ánh về tình trạng khó khăn của người dân khi thực hiện phương thức thu này, vừa qua, BHXH TP.HCM đã thống nhất với ngành GD-ĐT quyết định điều chỉnh thu BHYT HSSV thành hai đợt. Theo đó, đợt 1 thu 6 tháng: từ ngày 1/10/2015- 31/3/2016 là 127.350 đồng (ngân sách đã hỗ trợ 30%); Đợt 2 thu 9 tháng: từ ngày 1/4- 31/12/2016 là 326.025 đồng (ngân sách đã hỗ trợ 30%).
Như vậy, hiện cả nước đang có 51 tỉnh, thành phố kết hợp nhiều phương thức thu (6 tháng và 9 tháng; 9 tháng và 6 tháng hoặc 7 tháng và 8 tháng), một số tỉnh, thành phố thu 3 đợt (3 tháng năm 2015, 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm 2016) tùy theo điều kiện địa phương.
Giải thích rõ hơn về các phương thức đóng này, ông Trần Đình Liệu- Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) khẳng định: BHXH Việt Nam không ấn định phương án thu gộp hay phân kỳ cụ thể cho bất kỳ địa phương nào. Trong Thông tư liên tịch 41/2014, Bộ Y tế, Bộ Tài chính đã quy định rõ: “Cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HSSV 6 tháng hoặc 1 năm một lần nộp vào Quỹ BHYT”. Do đó, BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở GD-ĐT tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh để thống nhất phương án thu phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế của địa phương. Sau đó, Sở GD-ĐT và BHXH tỉnh ký kết liên ngành trong việc hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện BHYT HSSV đến các cơ sở giáo dục đúng quy định.
Riêng về mức phí BHYT HSSV tăng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở, Thứ trưởng, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh cho biết: Đây là quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và được hướng dẫn rõ trong các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật. Tỉ lệ đóng này được thực hiện chung cho tất cả các đối tượng tham gia BHYT nhằm đảm bảo sự công bằng khi quyền lợi cũng được mở rộng cho tất cả các đối tượng tham gia. Tăng phí BHYT mới có thêm điều kiện nâng cao chất lượng KCB, đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người dân KCB BHYT.
Điều quan trọng hơn, theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã có cơ chế tháo gỡ khó khăn, đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT cho các nhóm đối tượng yếu thế như con em gia đình nghèo, đối tượng cận nghèo sinh sống ở vùng khó khăn được NSNN hỗ trợ 100%; HSSV thuộc hộ cận nghèo còn lại được hỗ trợ 70%, con em sĩ quan quân đội, sĩ quan công an cũng được cấp thẻ BHYT miễn phí… Các đối tượng HSSV còn lại khi tham gia BHYT cũng được NSNN hỗ trợ 30%.
Tuy nhiên, trước những khó khăn trong việc thu BHYT HSSV vừa qua, để phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương và đảm bảo quyền lựa chọn phương thức đóng của HSSV, phù hợp với quy định của Luật BHYT, BHXH Việt Nam đề nghị liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 41/2014/TTLT- BTC-BYT ngày 24/11/2014 theo hướng cho phép thực hiện các hình thức thu linh hoạt theo năm tài chính hoặc năm học, khóa học thay vì chỉ cố định theo năm tài chính. Đồng thời, tăng mức hộ trợ của Nhà nước đảm bảo không có sự chênh lệch giữa các nhóm đối tượng và cho phép gia đình có 2 HSSV tham gia BHYT được giảm mức đóng như đối tượng tham gia theo hộ gia đình.
BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp, chỉ đạo Sở GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở GD-ĐT phối hợp cùng ngành BHXH tăng cường thực hiện BHYT cho HSSV, các nhà trường khắc phục khó khăn để thu BHYT làm nhiều đợt giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh HSSV vào đầu năm học mới.
Ngành GD-ĐT không “thu hộ”
Tại cuộc họp báo, phản hồi ý kiến cho rằng, ngành GD-ĐT đang “thu hộ” BHYT HSSV cho ngành BHXH, ông Phạm Lương Sơn nhấn mạnh: Bên cạnh xác định mục tiêu BHYT toàn dân, Luật sửa, đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT cũng đưa ra giải pháp quan trọng về mặt cơ chế là quy định toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc thực hiện chính sách BHYT.
Trưởng ban Thu Trần Đình Liệu giải đáp những vấn đề báo chí quan tâm
Đối với ngành GD-ĐT, Luật đã quy định rõ: Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện đối với đối tượng thuộc ngành quản lý; lập danh sách tham gia BHYT cho đối tượng do Bộ GD-ĐT quản lý. Theo Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHYT, các bộ ngành có liên quan trong phạm vị chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn thi hành các quy định này. Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT BTC ngày 24/11/2014 hướng dẫn thực hiện BHYT của liên Bộ Y tế- Bộ Tài chính cũng quy định cơ sở giáo dục có trách nhiệm thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HSSV 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần.
Về phía Ngành, BHXH Việt Nam đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện Luật BHYT, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn của liên Bộ Y tế, Tài chính…; tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, đảm bảo quyền lợi KCB của nhân dân. BHXH Việt Nam cũng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT đến người dân, chỉ đạo BHXH địa phương tổ chức thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn theo quy định. Ông Sơn cho biết: Công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT không chỉ được đẩy mạnh khi triển khai thực hiện Luật mới mà cũng là nhiệm vụ thường kỳ được thực hiện liên tục hàng năm của cơ quan BHXH…
Năm 2014, cả nước có 15 triệu HSSV tham gia BHYT (chiếm 88,5% tổng số HSSV), trong đó chi chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) là 582 tỷ đồng; số lượt KCB BHYT HSSV là 8.799.937 lượt với tổng số tiền 1.237 tỷ đồng; số liệu tương ứng ước trong 6 tháng đầu năm 2015 là 285 tỷ và 602 tỷ đồng. Theo ông Sơn, để đảm bảo việc sử dụng nguồn kinh phí CSSKBĐ hiệu quả, đúng mục đích, kịp thời CSSKBĐ cho HSSV, đề nghị liên Bộ Y tế- Tài chính sửa đổi Thông tư 41 theo hướng: Đối với trường học không đủ điều kiện trích chuyển kinh phí CSSKBĐ thì được ký hợp đồng với cơ sở y tế đủ điều kiện KCB BHYT để thực hiện CSSKBĐ của HSSV.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh: Phần kết dư của nhóm HSSV trực tiếp và gián tiếp đều phục vụ chăm sóc sức khỏe cho các em vì một trong những nguyên lý của các quỹ BHXH nói chung, quỹ BHYT nói riêng là tính cộng đồng, nhằm tăng cường, mở rộng quyền lợi cho mọi nhóm đối tượng tham gia.
Thứ trưởng, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh cảm ơn sự vào cuộc của các cơ quan báo chí
Phát biểu kết thúc cuộc họp báo, Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh bày tỏ: Để xảy ra các ý kiến bức xúc của phụ huynh khi thu BHYT gộp 15 tháng vào đầu năm học mới, là do cơ quan BHXH và Sở GD-ĐT một số địa phương chưa lường hết khó khăn, chưa sâu sát tâm tư, nguyện vọng của người dân để có thể lựa chọn phương án thu BHYT HSSV phù hợp hơn. Do đó, nếu các phụ huynh có nguyện vọng tham gia BHYT cho con em theo phương án đóng nhiều kỳ, cơ quan BHXH và ngành Y tế, GD-ĐT sẵn sàng đáp ứng nguyện vọng của người dân.
BHXH Việt Nam cảm ơn sự vào cuộc của các cơ quan thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền, cũng như phản ánh kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng hết mức để tuyên truyền sâu rộng hơn đến người dân. Để làm được điều này, cũng cần có sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị, tất cả các bộ, ngành, cũng như trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục tuyên truyền chính sách BHYT phù với với các quy định hiện hành để định hướng phụ huynh HSSV hiểu và tham gia BHYT theo quy định.
Nguồn baobaohiemxahoi.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT