Luật BHXH sửa đổi: Đề cao tính nhân văn cao cả, vì con người

20/05/2015 08:57 AM


Nhiều điểm mới mang tính nhân văn của Luật BHXH sửa đổi đã được đề cập đến trong Chương trình Giao lưu “Luật BHXH với mục tiêu an sinh xã hội” vừa mới phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam do BHXH Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện.

Chú trọng mở rộng đối tượng

Mới đây, Chương trình Giao lưu do phối hợp thực hiện với khách mời gồm đại diện của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, BHXH Việt Nam, VCCI, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,….

Ngày 20 tháng 11 năm 2014, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật BHXH (sửa đổi). Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện tốt hơn các chế độ, chính sách BHXH, nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới về bảo đảm an sinh xã hội của nước ta; bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, tiếp cận dần đến cân đối quỹ BHXH; bảo đảm công bằng xã hội và tính khả thi, nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới sự đồng thuận của xã hội. PGS.TS Nguyễn Hữu Chí, Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết: Với tư cách là quyền con người thì mọi công dân nói chung, đặc biệt NLĐ nói riêng có quyền được hưởng chế độ an sinh xã hội. Luật BHXH sửa đổi có rất nhiều điểm mới đề cao tính nhân văn, nhân đạo, vì con người.

Một trong những điểm mới của Luật BHXH là mở rộng đối tượng tham gia BHXH và đồng nghĩa với việc thụ hưởng chính sách an sinh từ hoạt động này. Ở Việt Nam hiện nay, số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là 16 triệu người nhưng mới chỉ có 11,5 triệu người tham gia. Trong 300 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động chỉ có 150 nghìn doanh nghiệp đăng ký tham gia BHXH cho NLĐ. Riêng BHXH tự nguyện hiện tại mới chỉ chiếm 5% số người thuộc diện tham gia. Điều đó xuất phát từ những quy định đối tượng tham BHXH hiện hành đang bị bó hẹp và đã được khắc phục trong Luật BHXH sửa đổi năm 2014.

Bà Hồ Thị Kim Ngân, trưởng phòng Pháp Luật – Ban Quan hệ Lao động – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Chính sách BHXH tự nguyện trong Luật BHXH sửa đổi có rất nhiều điểm mới để phát triển đối tượng tham gia như không khống chế tuổi trần tham gia. Trước đây, theo Luật BHXH hiện hành thì người tham gia BHXH tự nguyện là người trong độ tuổi lao động còn Luật BHXH sửa đổi quy định là công dân Việt Nam, có độ tuổi từ 15 trở lên là có thể tham gia. Hay mức thu nhập để NLĐ có thể tham gia BHXH tự nguyện đã để mở, không khống chế mà phụ thuộc vào mức thu nhập của NLĐ.

Đảm bảo quyền lợi cho hưu trí

Một trong những tiêu chí của việc sửa Luật BHXH năm 2006 là nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho đối tượng lao động hưu trí. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, các nước trên thế giới không gọi là BHXH đơn thuần mà gọi là bảo hiểm cho tuổi già. Đây là quá trình bù đắp việc mất khả năng lao động của con người. BHXH thực hiện theo nguyên tắc đóng hưởng và có sự chia sẻ. BHXH có 5 chế độ, 3 chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động là ngắn hạn. Còn chế độ hưu trí và tử tuất là lâu dài. Người về hưu hưởng lương hưu đến khi qua đời. Khi người đang hưởng lương hưu qua đời thì người thân vẫn được nhận trợ cấp trong các trường hợp: bố mẹ không còn tuổi lao động, con dưới 18 tuổi. Như vậy, đây là một chính sách hết sức nhân văn.

BHXH của đất nước ta do Nhà nước quản lý. Trong Luật quy định rõ Nhà nước bảo hộ chính sách BHXH, bảo hộ quỹ BHXH. Nhà nước có trách nhiệm quản lý quỹ an toàn, có tăng trưởng, phát triển. Năm 2015, trong khi điều kiện kinh tế, xã hội hết sức khó khăn nhưng Quốc hội quyết định đồng ý để Chính phủ tăng 8% lương cho những người thuộc công chức nhà nước và lực lượng vũ trang có mức lương thấp hơn 2,34; Đồng thời điều chỉnh tăng 8% lương hưu cho hơn 2 triệu hưu trí. Đây là một chính sách hết sức nhân văn – Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.

Chế độ BHXH một lần – đảm bảo an sinh lâu dài cho người dân

Khi được hỏi, đối với chế độ hưởng BHXH 1 lần khi chưa đủ tuổi và thời gian tham gia BHXH sẽ không đảm bảo được mục tiêu là chăm sóc cho người dân lâu dài mà chỉ giải quyết tình huống trước mắt. Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Luật BHXH sửa đổi hiện hành quy định các trường hợp ốm đau, bệnh tật nặng theo quy định của Bộ Y tế thì vẫn được hưởng BHXH một lần. Luật chỉ hạn chế với một số đối tượng không làm việc nữa, nghỉ thường xuyên một năm và đóng BHXH chưa được 20 năm vì họ vẫn còn sức khỏe, vẫn có thể tham gia BHXH để được hưởng hưu trí, khắc phục rủi ro khi tuổi già. Chính sách BHXH một lần và chính sách bảo lưu BHXH ở Luật BHXH sửa đổi có tính ưu việt hơn so với Luật BHXH năm 2006. Trong thời gian bảo lưu mà NLĐ không may bị chết thì được tiền mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở. Thân nhân được hưởng tuất 1 lần hoặc tuất thường xuyên nếu còn người hết tuổi lao động hoặc dưới 18 tuổi.

Luật BHXH sửa đổi năm 2014 quy định trong thời gian bảo lưu, NLĐ có thể làm việc ở nhiều nơi khác để cộng dồn thời gian đóng BHXH lại để đủ thời gian về hưu và được hưởng lương hưu bình thường. Đây là chính sách hưu trí có lợi hơn rất nhiều cho NLĐ.

Là người làm việc cho tổ chức nước ngoài nhiều năm, có điều kiện tiếp xúc và học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới về thực hiện BHXH, bà Nguyễn Nguyệt Nga, Chuyên viên cao cấp Ngân hàng Thế giới cho biết: Các nước thực hiện rất chặt chẽ các quy định về BHXH, đặc biệt là việc trả BHXH một lần. Mục tiêu lớn nhất của các chương trình an sinh xã hội và nhất là hưu trí là tạo ra thu nhập ổn định để bảo vệ NLĐ khi bước sang tuổi già. Chính vì mục tiêu đó nên các Quỹ An sinh xã hội của các nước trên thế giới không cho phép NLĐ được rút tiền hay hưởng chế độ một lần trước khi đến tuổi nghỉ hưu.

Thực tế cho thấy, NLĐ sau khi đã hưởng chế độ BHXH một lần, lại tiếp tục đi làm công việc khác, nhiều người trong số đó muốn trả lại số tiền đã nhận nhưng các quy định trước đây không cho phép. Luật BHXH năm 2014 có quy định thu hẹp diện BHXH một lần nhưng đó chính là sự mở rộng về chính sách, tạo điều kiện cho NLĐ tiếp tục tham gia BHXH, tích lũy thời gian để hưởng lương hưu hàng tháng. Đây chính là mục tiêu an sinh mà chúng ta đang hướng tới.

Ông Dương Văn Tân, nguyên là công nhân của Công ty Cổ phần bao bì Sông Đà, sau khi thực hiện chính sách cổ phần hóa, Công ty của ông đã sắp xếp lại lao động và ông phải nghỉ việc và hưởng chế độ trợ cấp một lần với số tiền được nhận là hơn 12 triệu đồng sau 19 năm công tác. Ông Tân rất tiếc đối với khoảng thời gian của mình “Nguyện vọng lớn nhất của tôi là được nộp lại số tiền BHXH đã trả để nộp tiếp BHXH để được hưởng chế độ trợ cấp lâu dài”.

Không chỉ ông Tân, mà nhiều lao động khác cũng có cùng tâm trạng như vậy. Chị Hoàng Thị Huệ, công nhân Công ty TNHH may Tinh Lợi, Hải Dương chia sẻ: trước đây chị làm ở công ty khác và đã nhận BHXH một lần, và cũng mong muốn được nộp lại tiền để cộng thời gian đã đóng BHXH.

Mở rộng quyền lợi cho chế độ thai sản

Về các chế độ BHXH nhìn chung, những thay đổi đều hướng tới tính nhân văn nhân đạo và bảo đảm công bằng xã hội. Các thay đổi lớn và cơ bản nhất không chỉ ở chế độ hưu trí mà còn ở chế độ thai sản. Lần đầu tiên trong chính sách BHXH, nam giới được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để chăm sóc gia đình khi vợ sinh con với nhiều mức hưởng khác nhau tùy theo số con được sinh, phương thức sinh và cũng lần đầu tiên Luật quy định mang tính nguyên tắc về quyền hưởng chế độ thai sản đối với người mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ...

Về điều này,  PGS.TS Nguyễn Hữu Chí, Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết: chúng ta đã nâng mức hưởng thai sản của lao động nữ sinh con lên là 6 tháng cùng với quy định quyền lợi của lao động nam khi vợ sinh con để có thời gian nhất định để chăm sóc con. Quy định lao động nữ khi sinh con không tham gia BHXH nhưng người bố có tham gia thì vẫn được hưởng mức nhất định.

Tác động to lớn đến đời sống xã hội

Mặc dù Luật BHXH sửa đổi chưa chính thức có hiệu lực, tuy nhiên, là một văn bản có tầm ảnh hưởng rộng lớn nên ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua đã được sự đón nhận của đông đảo NLĐ.

Khi xây dựng Luật BHXH sửa đổi, các nhà làm luật đã tuân thủ nguyên tắc đóng – hưởng và bảo vệ Quỹ BHXH nhưng trên hết là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên tham gia BHXH. Những điểm mới của luật BHXH liên quan trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ cũng như đối với giới chủ (doanh nghiệp). Ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) cho biết: Giới sử dụng lao động cơ bản hoàn toàn nhất trí và muốn tham gia vào quá trình này. BHXH khác với các loại hình bảo hiểm khác. Ở đây có sự tham gia của giới chủ sử dụng lao động, Nhà nước và một phần của NLĐ. Do đó, đặc thù này khác với các loại BH thông thường. Nếu các chủ sử dụng lao động khuyến khích và ủng hộ NLĐ tham gia BHXH, thì họ sẽ có hậu phương bền vững và như thế  mới đảm bảo được nguồn lực lao động thường xuyên, hài hòa.

Trao đổi tại buổi Giao lưu, ông  Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá những nội dung sửa đổi của Luật BHXH sửa đổi đã đáp ứng và rất sát với nhu cầu thực tiễn.

So với Luật BHXH năm 2006, Luật BHXH được sửa đổi năm 2014 đã quy định theo hướng mở rộng hơn đối tượng tham gia BHXH cũng như nâng cao chất lượng chính sách BHXH, tiếp tục tạo cơ hội mạnh mẽ hơn cho nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức được tiếp cận chính sách, bảo đảm an sinh cho mình và xã hội; hoàn thiện nguyên tắc đóng - hưởng BHXH, mang ý nghĩa đoàn kết chia sẻ trong cộng đồng, là sự bảo đảm thay thế cho NLĐ nhằm giải quyết những rủi ro trong cuộc sống khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm cũng như khi đến tuổi già không còn khả năng lao động./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn