Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Chưa bám sát thực tế!
05/01/2013 07:00 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Dạy nghề cho lao động nông thôn đang là một vấn đề nóng, bởi sự không đồng thuận về nghề, chất lượng dạy, học giữa lao động nông thôn (LĐNT) với cơ quan tổ chức đang khá lớn. Khó khăn lớn nhất là chưa thay đổi được nhận thức và ý thức học nghề của người lao động.
Dạy nghề làm gốm tại Hải Dương. Ảnh: Dương Hà
82% số lao động sau đào tạo tự tìm được việc làm
Đề án 1956 với tổng kinh phí 25.980 tỉ đồng kéo dài từ 2010-2020 với mục tiêu mỗi năm đào tạo khoảng 1 triệu LĐNT với mong muốn mở ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ ở khu vực nông thôn, tuy nhiên sau 2 năm triển khai đã phải hạ thấp chỉ tiêu đào tạo xuống với nhiều lý do.
Theo kế hoạch, năm 2012 cả nước sẽ tổ chức dạy nghề cho 594.925 LĐNT và theo thống kê 6 tháng đầu năm 2012, mới tổ chức đào tạo nghề cho 135.397 LĐNT (đạt 28,4% kế hoạch), 75.039/91.486 người đã học xong nghề đã tìm được việc làm. Trong tổng số LĐ có việc làm, LĐ tự có việc làm chiếm 70,1% và được các DN tuyển dụng chiếm 19,5%. Cũng theo thống kê của Bộ LĐTBXH, trong những tháng đầu năm 2012, cả nước có 91.486 người đã học xong, số người tìm được việc làm đạt 82%, trong đó 14.656 người được các DN tuyển dụng (đạt 19,5%), số tự tạo việc làm, học xong làm nghề nông nghiệp chiếm 54%, còn lại là tạo việc làm bằng các hình thức khác.
Qua thực tế, sau gần 3 năm thực hiện “Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức được 714 lớp dạy nghề cho gần 20.000 LĐNT, trong đó gần 19.000 người đạt yêu cầu, có 15,8% LĐNT là người dân tộc thiểu số, 13,9% LĐNT thuộc diện hộ nghèo; tỉ lệ có việc làm sau đào tạo trong 2 năm 2010, 2011 là trên 80%. Đối với các nghề nông nghiệp, LĐNT sau học nghề đã bước đầu áp dụng được kiến thức, kỹ năng được học vào thực tế. Đối với các nghề phi nông nghiệp, sau học nghề, lao động nông thôn đã tận dụng được thời gian nông nhàn nhận gia công, sản xuất cho các HTX, DN để tăng thu nhập, một số LĐNT sau học nghề đã thành lập được DN, tổ sản xuất...
Cần bám sát với thực tế
Chủ trương dạy nghề cho LĐNT là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc giúp LĐNT có tay nghề đáp ứng được nhu cầu phát triển của CNH-HĐH. Nhưng chính những người được hưởng lại không tích cực tham gia. Nguyên nhân do việc dạy nghề và học nghề chưa sát thực tế và định hướng phát triển KTXH mỗi địa phương. Nhiều học viên học xong không được làm việc đúng với nghề đã học và bản thân học viên cũng chưa đủ sức tự tạo được việc làm cho mình. Nhiều học viên đến ghi tên, nhận kinh phí rồi nghỉ. Ngoài ra, việc tổ chức lớp còn mang tính chất hô hào, hình thức... do vậy đã không thu hút được học viên cộng với ý thức của người học không cao, còn mang tâm lý vay tiền học nghề, nên đã không tiếp cận với các nguồn vốn vay hỗ trợ đào tạo nghề. Một số lớp dạy nghề chưa hiệu quả, nhất là các nghề thủ công mỹ nghệ; giáo án, giáo trình viết không sát thực tế...
Một ví dụ điển hình của việc bất cập trong việc thiếu thầy thiếu trò là tại huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) có hai trung tâm dạy nghề được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại nhưng khi triển khai, tổ chức dạy nghề thì thiếu giáo viên, do vậy đành phải đóng cửa. Cùng đó, gần 20 trung tâm học tập cộng đồng với phòng ốc và thiết bị nhưng cũng phải bỏ không vì thiếu giáo viên. Thậm chí, khi thuê được thầy dạy thì không có học viên theo học với lý do học xong cũng khó tìm được việc làm và cũng chỉ được trả mức lương như lao động phổ thông. Như vậy, họ đi làm phu hồ để có thu nhập 120.000đ/ngày công còn hơn là bỏ thời gian và tiền bạc đi học nghề rồi về vẫn ở mức thu nhập đó.
Theo Báo Lao Động
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT