Thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong phòng, chống HIV/AIDS

01/09/2019 05:00 PM


Ngày 30/8/2019, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo Sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình Phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận và đưa ra định hướng chiến lược, hành động thực tiễn nhằm đẩy mạnh hợp tác của khu vực tư nhân với mục tiêu “Kết thúc dịch AIDS vào năm 2030”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, trong 20 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm triển khai rất nhiều biện pháp để phòng, chống HIV/AIDS. Hơn 200 văn bản pháp quy đã được ban hành trong đó có Luật Phòng, chống HIV/AIDS; nhiều Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế giúp hoàn thiện hành lang pháp lý để triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, hệ thống phòng, chống HIV/AIDS được tổ chức rộng khắp, đặc biệt là có sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân và các tổ chức cộng đồng. Nhờ đó, tình hình dịch HIV tại Việt Nam đã giảm mạnh trong 10 năm qua.

Hiện nay HIV/AIDS vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng lo ngại ở Việt Nam. Mỗi năm vẫn có khoảng 10.000 người nhiễm HIV mới được phát hiện. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và nhóm nghiện chích ma túy tăng nhanh; độ bao phủ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế; kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS dựa nhiều vào nguồn viện trợ nước ngoài đang bị cắt giảm nhanh.

Trong bối cảnh đó, ngày 15/10/2013, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Theo đó, ngân sách Nhà nước từ Trung ương và các địa phương cho phòng, chống HIV/AIDS trong những năm qua đã tăng nhanh. Đặc biệt, từ năm 2019, BHYT bắt đầu tham gia chi trả thuốc AVR cho bệnh nhân HIV/AIDS. Qua 6 tháng triển khai, đến nay đã có gần 40.000 bệnh nhân đang nhận thuốc AVR từ nguồn BHYT…

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo

Bà Caryn R. McClelland, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: PEPFAR là một chương trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hoạt động dưới sự chỉ đạo của Văn phòng Điều phối AIDS Toàn cầu. Ở Việt Nam, PEPFAR bao gồm tất cả chương trình liên quan đến HIV/AIDS được Hoa Kỳ hỗ trợ và hoạt động dưới sự chỉ đạo của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trong thời gian qua, PEPFAR là nhà tài trợ lớn, toàn diện nhất cho chương trình phòng chống HIV/AIDS, từ chương trình điều trị ARV, chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, tư vấn xét nghiệm HIV, tăng cường năng lực hệ thống ...

Thông qua PEPFAR, Chính phủ Hoa Kỳ làm việc chặt chẽ với Bộ Y tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các đối tác khác bao gồm dự án USAID/PATH Healthy Markets để xây dựng Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS bền vững. Các phòng khám tư nhân, doanh nghiệp xã hội và tổ chức cộng đồng là những người tiên phong mở đường cho con đường tự chủ tài chính trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS. Những bài học có được trong 5 năm qua là tiền đề rất quan trọng định hướng cho việc cần phải làm gì tiếp theo để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và thể hiện định hướng này trong Chiến lược tiến tới “Kết thúc dịch AIDS vào năm 2030” của Chính phủ Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế)  cho biết: Bên cạnh việc huy động các nguồn lực từ Nhà nước, những năm qua, khu vực tư nhân tham gia khá sâu rộng vào công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, giúp tăng khả năng tiếp cận của người sử dụng đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng tham gia tích cực vào việc cung ứng thuốc, sinh phẩm xét nghiệm và vật dụng phòng, chống HIV/AIDS.

“Theo ước tính có khoảng 10.000 bệnh nhân đang điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế tư nhân, trong đó có cả những cơ sở y tế tư nhân điều trị HIV/AIDS sử dụng thuốc AVR nguồn BHYT. Sự tham gia của y tế tư nhân đã góp phần tăng sự lựa chọn cho người bệnh, đồng thời giúp mở rộng điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam” - ông Nguyễn Hoàng Long cho biết./.

 

PV