Đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS

29/08/2019 01:38 AM


Các địa phương đã rất nỗ lực triển khai các hoạt động Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, nhất là trong bối cảnh các đơn vị đầu mối phòng, chống HIV/AIDS đang sắp xếp lại tổ chức.

 

Đó là thông tin được PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Giám đốc Ban Quản lý các dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS cho biết tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm của Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS vừa được Ban Quản lý Dự án tổ chức tại Bình Định.

Tham dự hội nghị có đại diện Ban Quản lý các dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS; Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế; Lãnh đạo các Phòng, Văn phòng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; đại diện Lãnh đạo Cục Y tế, Bộ Công an; Lãnh đạo Ban Quản lý dự án VUSTA - Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS; đại diện Lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS của 32 tỉnh đang thực hiện dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương trong việc triển khai các hoạt động Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, nhất là các hoạt động của dự án được triển khai khá toàn diện từ can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV; tư vấn xét nghiệm HIV; chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.

Với sự nỗ lực của tất cả các tỉnh, thành phố triển khai dự án, các chỉ tiêu quốc gia cam kết với Quỹ Toàn cầu đều đạt từ 102% đến 274%. Tuy nhiên tình hình giải ngân của dự án còn rất hạn chế, mới chỉ đạt khoảng 80% kế hoạch 6 tháng.

Để đẩy mạnh các hoạt động trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh một số các lĩnh vực về tổ chức, hoạt động chuyên môn, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật như: quan tâm chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm theo hướng dẫn của Ban quản lý dự án trung ương; ưu tiên bố trí các cán bộ chuyên môn làm việc trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS để tiếp tục làm việc trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS; Kinh phí cho lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS cần được chi tiêu đúng các nội dung của chương trình. Về các hoạt động chuyên môn, cần đẩy mạnh các hoạt động xét nghiệm dựa vào cộng đồng, xét nghiệm theo dấu bạn tình, bạn chích chung; tiếp tục đẩy mạnh truyền thông và thu hút bệnh nhân vào chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và các các giải pháp giảm bỏ trị; với các tỉnh triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine cần có giải pháp tăng nhanh bệnh nhân điều trị; đẩy mạnh, khơi thông các kênh cấp phát vật dụng can thiệp giảm tác hại cũng như tập trung chuyển đổi bảo hiểm y tế cho người điều trị HIV/AIDS; tăng cường xét nghiệm tải lượng virus cho người điều trị ARV và sử dụng kinh phí BHYT để thay thế cho nguồn kinh phí dự án.

Về xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long đề nghị các địa phương phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS trong việc chuẩn bị sửa đổi Luật phòng, chống HIV/AIDS để Chính phủ trình Quốc hội vào năm 2020 cũng như xây dựng Chiến lược Kết thúc dịch AIDS vào năm 2030; xây dựng Kế hoạch 5 năm phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam bao gồm tiếp tục vận động sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu về AIDS, Lao và Sốt rét cũng như Trung tâm Kiểm soát bệnh dịch Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn tới.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã cùng trao đổi, thảo luận về: Kết quả thực hiện dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS 6 tháng đầu năm 2019; Các hướng dẫn triển khai các hoạt động can thiệp giảm hại dự phòng lây nhiễm HIV và Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine; Hướng dẫn mở rộng xét nghiệm HIV trong nhóm Nam quan hệ tình dục đồng giới; Hướng dẫn đẩy mạnh điều trị HIV/AIDS; Hướng dẫn thanh toán kinh phí hỗ trợ phần đồng chi trả thuốc kháng HIV, xét nghiệm tải lượng vi rút do Quỹ Toàn cầu hỗ trợ v.v…

 

PV