Đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới
07/08/2019 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 07/8, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 14, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về "việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới". Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh quochoi.vn
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH), thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020. Sau 1 năm, đã có 10 Bộ, ngành và trên 50 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ LĐ-TBXH đã và đang phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đang tiến hành đánh giá độc lập về 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới để có bằng chứng thực tiễn đối với việc thực thi từng điều khoản của Luật và gợi ý một số nội dung về tăng cường lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật bình đẳng giới. Trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động thì Bộ luật được sửa bổi bổ sung theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới và quyền, lợi ích hợp pháp của lao động nữ, có quy định riêng đối với lao động nữ, thúc đẩy bình đẳng giới. Bộ Nội vụ cũng đang phối hợp với các bộ, ngành khác đẩy mạnh triển khai Đề án thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng Đề án về tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo ở các cấp hoạch định chính sách.
Cũng theo báo cáo của Bộ LĐ-TBXH về tình hình thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, có 8 chỉ tiêu thống kê được đến thời điểm tháng 6/2019 đã tiệm cận đạt, đạt và vượt so với yêu cầu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020.
Theo đó, tỷ lệ tạo việc làm mới cho lao động nữ vẫn đạt ở mức 48%; tỷ lệ biết chữ của nữ trong độ tuổi từ 15 - 60 là 97,37%, tỷ lệ dân tộc thiểu số biết chữ là 92,75% (vượt 2,75%); cơ bản 100% hệ thống thông tin cơ sở tại các xã/phường/thị trấn đều dành thời lượng phát sóng cho các nội dung liên quan đến bình đẳng giới; 100% Đài phát thanh và đài truyền hình ở trung ương và địa phương có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà báo cáo tại phiên họp.
Bố trí đủ cán bộ làm công tác bình đẳng giới; hình thành đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. 100% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, các ngành được tập huấn nghiệp vụ ít nhất một lần. 100% thành viên các Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới được tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới.
Ngoài ra, 100% số nạn nhân bị mua bán trở về thông qua trao trả và được giải cứu, số nạn nhân bị mua bán tự trở về được phát hiện, được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, đối với chỉ tiêu tỷ lệ Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chỉ đạt 47%, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, chỉ tiêu này chưa đạt nhưng có tiến bộ mới. Tính đến tháng 4/2019, có 14/128 nữ Phó Bí thư, 8/63 Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, 31 nữ Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 18 nữ Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Và đến nay có 7/63 nữ Bí thư Tỉnh uỷ.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu ghi nhận những tiến bộ đã đạt được trong thời gian qua nhưng báo cáo cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được nhìn nhận đánh giá rõ hơn. Các đại biểu lưu ý Ủy ban cần có tiếng nói mạnh mẽ về các nội dung này và đề xuất có báo cáo trước Quốc hội.
Các đại biểu cũng đề nghị tăng cường việc giám sát thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; cần có đánh giá tổng thể về công tác bình đẳng giới, việc bố trí kinh phí, tổng kết thực hiện các chiến lược; có chỉ tiêu về giới trong bổ nhiệm cán bộ; hàng năm hoặc nhiệm kỳ các địa phương, bộ ngành phải có tổng kết thực hiện bình đẳng giới; làm tốt công tác tư vấn cho phụ nữ định hướng vươn lên; cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để cho nhiệm kỳ tới thực hiện được mục tiêu tỷ lệ nữ trong đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các Bộ, ngành, địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh kết luận phiên họp. Ảnh quochoi.vn
Về các giải pháp, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương ban hành kế hoạch hành động, hoàn thiện pháp luật, lồng ghép thực hiện bình đẳng giới trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục quan tâm rà soát nguồn cán bộ nữ, đẩy mạnh đề án đào tạo lao động nữ đáp ứng cách mạng công nghiệp. Đối với Mặt trận Tổ quốc tiếp tục tuyên truyền tăng cường giám sát, phản biện xã hội, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền thực hiện pháp luật, nâng cao nhận thức trong thực hiện bình đẳng giới.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh mong muốn các đại biểu tiếp tục quan tâm, ủng hộ tích cực cho công tác bình đẳng giới. Ghi nhận các ý kiến phát biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất đưa nội dung báo cáo bình đẳng giới được trình bày và thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội tới./.
PV
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT