Thủ tướng Chính phủ: Triển khai các giải pháp nâng bậc tín nhiệm
31/05/2019 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 4512/VPCP-KTTH gửi các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc S&P nâng bậc tín nhiệm cho Việt Nam.
Theo đó, Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan trong việc triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia cũng như nỗ lực trong việc chuẩn bị tài liệu làm việc với các tổ chức đánh giá tín nhiệm.
Thủ tướng đồng ý Bộ Tài chính tổ chức tuyên truyền về việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam và tiếp tục giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành làm việc với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác gồm tổ chức Moody’s và Fitch, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao quán triệt phương châm hành động của năm 2019, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019, để củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế; giải quyết, tháo gỡ quyết liệt, thực chất các vướng mắc, khó khăn, góp phần củng cố niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp; phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tạo động lực phát triển cho các năm tiếp theo.
Vừa qua, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) nâng hệ số tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên 1 bậc, từ mức BB- lên mức BB, triển vọng "Ổn định". Đây là lần đầu tiên tổ chức này cải thiện xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam kể từ tháng 12/2010.
Theo nhận định của S&P, tăng trưởng vĩ mô vững chắc trong một thời gian dài và ổn định chính trị phản ánh cải thiện rõ rệt về nền tảng thể chế của Việt Nam. Theo đó, S&P dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam sẽ được duy trì trong thời gian tới, góp phần cải thiện hồ sơ tín dụng của nước ta. Triển vọng "Ổn định" thể hiện dự báo nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhanh, phản ánh môi trường hoạch định chính sách của nước ta dần được cải thiện.
S&P đánh giá công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ Việt Nam trong những năm gần đây đưa ra những định hướng chính sách rõ ràng, góp phần cải thiện ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát hiệu quả.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt được nhiều thành quả ấn tượng, duy trì tốc độ tăng trưởng thực bình quân 6,2%/năm kể từ năm 2012 đến nay. Những cải cách quyết liệt của Chính phủ đã góp phần giữ vững vị thế của Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn và thân thiện.
Ngoài ra, việc ký các hiệp định thương mại tự do nhiều khả năng sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh thương mại của Việt Nam và đẩy mạnh cải cách về môi trường pháp lý. Đây là những thành tựu đáng ghi nhận kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giai đoạn hệ thống ngân hàng trong nước gặp nhiều khó khăn từ đầu thập kỷ này.
Tuy là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, S&P đánh giá nền kinh tế Việt Nam có tính đa dạng cao. Nền tảng vĩ mô vững chắc tiếp tục hỗ trợ hiệu quả hoạt động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo./.
PV
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT