ATVSLĐ phải là ý thức và đòi hỏi tự thân của từng NLĐ
10/05/2019 01:36 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) phải là yêu cầu, đòi hỏi tự thân của từng NLĐ, bởi đó chính là sinh mạng, sức khỏe, quyền lợi, hạnh phúc của bản thân và gia đình; giúp CNLĐ vững về chuyên môn, khỏe về thể chất, có năng suất làm việc cao và giúp cho DN xây dựng được thương hiệu mạnh…
Bà Nguyễn Thị Tuyến- Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác ATVSLĐ năm 2018 và phát động Tháng hành động ATVSLĐ năm 2019 trong CNLĐ Thủ đô, vừa mới diễn ra.
Theo thống kê, trong năm 2018, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 179 vụ TNLĐ với 188 người bị nạn (đều có HĐLĐ). Trong đó, có 25 vụ nghiêm trọng làm 25 người chết, 6 người bị thương nặng. Đáng nói, chỉ có 6 vụ TNLĐ (6 người chết), nạn nhân được hưởng chế độ trợ cấp TNLĐ. Các vụ TNLĐ nghiêm trọng tập trung trong ngành xây dựng với 16 vụ (bằng 64%)- phần lớn do ngã từ trên cao, bị vật nặng đổ đè, điện giật… Điều đau lòng, đó là hầu hết nạn nhân là lao động phổ thông, chỉ ký HĐLĐ thời vụ dưới 1 tháng và không được tham gia BHXH, BHYT, nên không được hưởng chế độ trợ cấp khi TNLĐ xảy ra.
“Trên thực tế, số vụ TNLĐ và số người bị thương, bị chết do TNLĐ có thể còn lớn hơn nhiều số liệu thống kê, vì toàn thành phố chỉ có từ 5% đến 7% DN báo cáo về tình hình ATVSLĐ”- ông Nguyễn Hồng Dân- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết thêm.
Tại hội nghị, chị Hoàng Thị Luyến- công nhân Cơ sở may Yên Lạc (Xí nghiệp may Minh Hà, huyện Hoài Đức) ân hận chia sẻ: Tháng 4/2018, chỉ vì một chút lơ đãng trong lúc làm việc, chị đã bị máy dập làm tổn thương bàn tay, để lại hậu quả là 3 ngón tay bị rút gân. Chị đã phải nghỉ làm nhiều tháng để điều trị, khá tốn kém. Đến nay, hậu quả của vụ TNLĐ đã ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe và khả năng lao động của chị cũng như cuộc sống gia đình.
Do thiếu tập trung khi làm việc, anh Hoàng Xuân Thắng (huyện Đông Anh)- kỹ thuật viên vận hành máy ép nhựa (Công ty TNHH Tenma Việt Nam) đã bị cuốn vào máy ép, dẫn tới tử vong. Đến nay, mỗi lần nhắc lại, gia đình anh vẫn cảm thấy ám ảnh, xót xa với nỗi đau mất người thân…
Chính vì vậy, thời gian qua, LĐLĐ Hà Nội đã tích cực vào cuộc triển khai kế hoạch thực hiện công tác ATVSLĐ, phát động và hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ tới tất cả các cấp Công đoàn. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách; đẩy mạnh tuyên truyền, huấn luyện hoặc tổ chức cuộc thi về ATVSLĐ nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho NLĐ và người SDLĐ...
Đáng chú ý, trong năm 2018, LĐLĐ Thành phố đã tham gia 70 đoàn kiểm tra, giám sát đơn vị, DN, làng nghề về thực hiện công tác ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ. Công tác kiểm tra tập trung vào việc vận hành, quản lý các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Qua kiểm tra, đã có 765 kiến nghị khắc phục thiếu sót, tồn tại; yêu cầu đình chỉ 17 máy, thiết bị vi phạm quy định về ATVSLĐ; đề nghị xử phạt vi phạm hành chính 422 triệu đồng.
Các Công đoàn cấp trên cơ sở cũng đã phối hợp kiểm tra 828 đơn vị, DN; phát hiện 1.235 vi phạm. Ở cấp cơ sở, 3.415 Công đoàn cơ sở đã tự kiểm tra về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ. Qua đó, đã có 6.012 kiến nghị với người SDLĐ về nguy cơ rủi ro, mất ATLĐ và góp ý bổ sung 1.035 nội quy, quy trình làm việc an toàn...
Để NLĐ Thủ đô được làm việc trong môi trường an toàn, chủ động phòng chống và hạn chế thấp nhất TNLĐ, bà Nguyễn Thị Tuyến cho biết, tổ chức Công đoàn sẽ phối hợp, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử phạt nghiêm và công khai danh tính những cơ sở để xảy ra TNLĐ và không báo cáo đầy đủ, trung thực với cơ quan chức năng. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện nội quy lao động, nhất là đối với lao động trẻ.
Thảo Linh
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT