Bảo vệ quyền của người chưa thành niên trong lao động
23/04/2019 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 23/4, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Quyền của người chưa thành niên trong Bộ luật Lao động (sửa đổi)".
Quang cảnh hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, thực tiễn Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực liên quan đến việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em (LĐTE) như hoàn thiện luật pháp, chính sách đến triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên vấn đề phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ LĐTE trái qui định của pháp luật còn nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề nghèo đói vẫn được xem là nguyên nhân chính dẫn đến trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế và từ đó dẫn đến nguy cơ LĐTE trái qui định của pháp luật.
Quyền của người chưa thành niên trong sửa đổi Bộ luật Lao động là một trong những nội dung quan trọng được Bộ luật Lao động quy định thành một chương riêng (chương 11 những quy định riêng đối với lao động chưa thành niên và một số lao động khác). Nội dung dự thảo Bộ luật Lao động hiện vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lao động và yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cũng như đặt ra các quy định nhằm nghiêm cấm lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh 4 nội dung cần sửa đổi nhóm điều luật liên quan đến trẻ em và người chưa thành niên: Xác định độ tuổi lao động tối thiểu; đưa ra nguyên tắc tuyển dụng và sử dụng lao động chưa thành niên; xác định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi hợp lý; xác định công việc và địa điểm làm việc phù hợp.
Tại hội thảo, bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam cho biết, trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, kể cả Bộ luật Lao động chưa có định nghĩa chính thức rõ ràng về “lao động trẻ em”. Chính vì vậy, Bộ luật Lao động sửa đổi cần bổ sung định nghĩa chuẩn, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.
Về sự cần thiết cũng như mục đích của việc sửa đổi Bộ luật Lao động, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, sửa đổi Bộ luật Lao động lần này sẽ là sửa cơ bản, toàn diện nhằm góp phần thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam. Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Về nội dung sửa đổi liên quan đến người chưa thành niên, ông Mai Đức Thiện nêu rõ: Bảo vệ quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc của Công dân (Điều 35 Hiến pháp); Nghiêm cấm sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu; Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; Nghiêm cấm lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em; Người chưa thành niên, trẻ em khi tham gia lao động với tư cách là người lao động thì ngoài việc phải tuân thủ các quyền, nghĩa vụ cơ bản về điều kiện lao động (hợp đồng lao động, đào tạo nghề, tiền lương, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động, kỷ luật lao động trách nhiệm vật chất…) thì còn phải tuân thủ các quy định riêng cho lao động chưa thành niên.
Các đại biểu tham gia hội thảo đã chia sẻ về những rào cản, khó khăn của nhóm lao động yếu thế, đặc biệt là người chưa thành niên khi đi làm và đều cho rằng, cần cụ thể hóa một số điều trong Bộ Luật lao động bằng văn bản hướng dẫn, tăng cường vai trò của nhà nước và các tổ chức xã hội, bổ sung nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với nhóm yếu thế. Trong Bộ luật Lao động sửa đổi cần qui định rõ ràng độ tuổi lao động làm việc tối thiểu và các trường hợp ngoại lệ; Cần cụ thể hóa một số điều trong Bộ luật Lao động, Luật người khuyết tật bằng văn bản hướng dẫn, tránh chung chung; Cần xây dựng hướng dẫn cách làm việc, đối xử với người yếu thế, giúp hòa nhập tại doanh nghiệp…
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu tập hợp và gửi về Ban soạn thảo chỉnh sửa Bộ luật Lao động để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 diễn ra vào tháng 6/2019./.
PV
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT