97,9% lao động phi chính thức không có BHXH
20/12/2018 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 20/12, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu về quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư tại Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo.
Phát biểu khai mạc, bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho rằng: Ở Việt Nam hiện nay, ngày càng có nhiều người dân từ nông thôn lên thành phố với hy vọng có một cuộc sống tốt hơn.
Bà Phạm Thị Hải Hà cho biết, lao động nữ di cư là lực lượng lao động tích cực trên thị trường, tham gia vào cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên họ cũng là nhóm dân số phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình làm việc và sinh sống tại nơi đến; là nhóm dân số chịu nhiều thiệt thòi và dễ bị tổn thương trong xã hội; nhưng mạng lưới an sinh xã hội từ trước đến nay chưa bao phủ nhiều đến họ, đặc biệt là nhóm đang làm ở khu vực kinh tế phi chính thức.
Trong những năm gần đây, các hiệp định tự do thương mại được Việt Nam ký kết có các yêu cầu bảo vệ lao động, đặt ra thách thức cũng như cơ hội cho Việt Nam khi các doanh nghiệp thường theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, chi phí thấp thông qua việc không đảm bảo điều kiện làm việc, thời gian làm việc dài và hạn chế người lao động tiếp cận các phúc lợi xã hội. Thêm vào đó, nhiều công nhân không hiểu về các quy định của pháp luật lao động trong nước và quốc tế, hoặc quyền lợi của họ được hưởng như BHYT, các chế độ phúc lợi khác.
Trước thực trạng trên, Quỹ Hỗ trợ Chương trình, Dự án an sinh xã hội đã đề xuất thực hiện Dự án “Thúc đẩy quyền xã hội toàn cầu cho lao động nữ di cư tại Việt Nam”, với mục tiêu là thúc đẩy quyền của lao động nữ di cư và khả năng tiếp cận các chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là lao động nữ di cư ở Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh.
Báo cáo nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam” do Cục Bảo trợ xã hội cùng AFV thực hiện vào tháng 11/2018, tập trung tìm hiểu thực trạng tiếp cận các quyền xã hội, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe, nhà ở, an sinh xã hội và trường mẫu giáo cho con cái họ. Báo cáo cho thấy di cư có xu hướng nữ hóa khi tỷ lệ nữ/tổng số người di cư từ 15- 59 tuổi là 52,4%. Báo cáo cho biết, có 34,3% gặp khó khăn về việc làm, 42,6% nữ lao động di cư gặp khó khăn về chỗ ở, và 97,9% lao động phi chính thức không có BHXH.
Người di cư chủ yếu từ nông thôn (79,1% tổng số người di cư); 2/3 người di cư không có trình độ chuyên môn. Người di cư thường làm các công việc giản đơn, thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/ tháng. Đáng chú ý, dẫn nguồn của Tổng Cục thống kê năm 2015, báo cáo cho biết hơn 1/2 người di cư đã có gia đình và có con cái, trong đó có 40% đang sống cùng con tại nơi đến.
Các đại biểu chủ trì hội thảo.
Theo báo cáo, lao động nữ di cư có hiểu biết hạn chế về các quyền và thông tin an sinh xã hội về việc làm và thu nhập, BHXH, trợ giúp xã hội và dịch vụ xã hội cơ bản. Tuy nhiên, do môi trường làm việc và chế độ làm việc khác nhau, lao động nữ di cư khu vực chính thức vẫn có hiểu biết tốt hơn lao động nữ di cư khu vực phi chính thức về các chính sách liên quan đến BHXH và tham gia tổ chức đại diện.
Do hiểu biết hạn chế về quyền an sinh xã hội của mình nên nhiều lao động nữ di cư cũng không biết cách làm thế nào để tiếp cận các quyền an sinh xã hội hay tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ để tiếp cận các quyền đó tại nơi đến, khó khăn lớn nhất mà người di cư gặp phải ở nơi đến là chỗ ở. Họ cũng bất lợi hơn lao động địa phương khi chịu chi phí sinh họat cao hơn do chủ nhà trọ áp dụng giá điện, nước kinh doanh đối với người thuê.
Báo cáo nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội của lao động nữu di cư ở Việt Nam” cũng đưa ra các khuyến nghị chính sách để đảm bảo quyền an sinh xã hội cho lao động nữ di cư. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền An sinh xã hội, ý thức chủ động trong tìm hiểu thông tin của người lao động di cư nó chung và lao động nữ di cư nói riêng; Tiếp tục phát huy vai trò của các bên liên quan trong việc hỗ trợ bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong tiếp cận các dịch vụ xã hội bình đẳng, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương nơi có nhiều lao động nữ di cư đến sinh sống và làm việc cũng như tăng cường công tác thống kê về người lao động di cư để có dữ liệu nhận diện và quản lý người lao động di cư.
Tại Hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế đã đóng góp, đề xuất các biện pháp, qua đó, phần nào giúp các nhà hoạch định chính sách và chính quyền địa phương có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về tình trạng đời sống và vấn đề phúc lợi xã hội của nhóm lao động nữ di cư cả chính thức và phi chính thức, từ đó, nhằm đưa ra và cải thiện chính sách cũng như phân bổ ngân sách một cách hợp lý hơn.
Các chuyên gia tại Hội thảo nhận định, lao động nữ di cư có hiểu biết hạn chế về các quyền và thông tin đến ASXH về việc làm và thu nhập, BHXH, trợ giúp xã hội và dịch vụ xã hội cơ bản. Tuy nhiên, do môi trường làm việc và chế độ làm việc khác nhau, lao động nữ di cư khu vực chính thức vẫn có hiểu biết tốt hơn lao động nữ di cư khu vực phi chính thức về các chính sách liên quan đến BHXH và tham gia tổ chức đại diện.
Theo BHXHVN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT