Hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động phù hợp công ước quốc tế
13/11/2018 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 12/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này yêu cầu tất cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO về Các nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động trong pháp luật, thể chế và thông lệ của họ. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn ba công ước cơ bản (Công ước số 87, 98 và 105) liên quan đến quyền tự do liên kết, quyền thương lượng tập thể và xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Hiện hồ sơ đề xuất trình phê chuẩn Công ước số 98 của ILO đã được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành có liên quan. Dự kiến, tháng 5/2019, sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua việc gia nhập Công ước này.
Phóng viên Báo Lao động và Xã hội đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xung quanh vấn đề này.
- Phóng viên: Với những bước đi như hiện nay, theo ông các bên liên quan cần có ý kiến như thế nào để Việt Nam sớm gia nhập được Công ước số 98 của ILO?
+ Ông Lê Đình Quảng: Công ước số 98 của ILO là một Công ước cơ bản về đảm bảo quyền tự do công đoàn và thương lượng tập thể. Trong bối cảnh hiện nay, việc phê chuẩn Công ước số 87 và 98 của ILO tại Việt Nam là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng nội tại của đất nước, tổ chức công đoàn và người lao động.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc gia nhập Công ước số 98 chúng ta cũng phải xem xét ở các góc độ: Thứ nhất,hoàn thiện chính sách pháp luật để phù hợp khi gia nhập. Thứ hai, xem xét điều kiện hoàn cảnh kinh tế của chúng ta trong đó có đối tác 03 bên là: Cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức công đoàn và giới chủ sử dụng lao động.
Trong 03 nguyên tắc cơ bản của Công ước số 98 là bảo vệ quyền của người lao động trong việc gia nhập hoạt động công đoàn, các tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người lao động không bị can thiệp thao túng. Ở các nước Châu Âu, quan hệ lao động phát triển nhưng hầu như ở các doanh nghiệp mối quan hệ lao động cũng chưa thực sự tốt. Cùng một nguyên tắc, cùng một tiêu chuẩn nhưng khi áp dụng với điều kiện nước này sẽ khác với nước khác. Chúng ta phải tính đến phương án phát sinh khi Công ước số 98 được phê chuẩn vì không phải cứ phê chuẩn Công ước rồi sẽ giải quyết được tất cả các tranh chấp trong quan hệ lao động, đình công trái pháp luật.
Vì vậy, cần tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước để làm sao khi chúng ta phê chuẩn thì tinh thần và các nguyên tắc cơ bản của Công ước số 98 phải đi vào cuộc sống giúp quan hệ lao động ở doanh nghiệp hài hòa, ổn định, tích cực.
- Phóng viên: Vậy cái khó khăn nhất trong thời điểm hiện nay để có thể tiến tới phê chuẩn Công ước này là gì thưa ông?
+ Ông Lê Đình Quảng: Tôi nghĩ khó khăn nhất hiện nay là hệ thống chính sách pháp luật phải đồng bộ. Thực ra nếu chỉ phê chuẩn Công ước số 98 không thôi thì sẽ không phát huy đầy đủ vai trò, ý nghĩa của nó mà phải phê chuẩn thêm Công ước số 87. Bên cạnh đó, chúng ta phải đặc biệt nâng cao nhận thức của các cấp công đoàn của người lao động và người sử dụng lao động.
Tổ chức công đoàn hoàn toàn ủng hộ chủ trương gia nhập Công ước số 98. Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất 2 vấn đề: Thứ nhất, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền thông tin về Công ước số 98 để cho người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan quản lý Nhà nước. Thứ 2, bên cạnh việc phê chuẩn này, chúng ta phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lao động trong đó có cả quản lý Nhà nước về công tác tự do thương lượng và tự do của tổ chức công đoàn.
- Phóng viên: Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, từ năm 1995 đến cuối năm 2017, Việt Nam có hơn 6.000 cuộc đình công xảy ra trên toàn quốc, điều khác biệt là những cuộc đình công này không phải do Công đoàn khởi xướng mà do người lao động tự phát. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
+ Ông Lê Đình Quảng: Phải khẳng định rằng, từ khi Bộ Luật lao động cho phép chế định đình công được thực hiện ở Việt Nam, từ năm 1995 đến nay các vụ đình công, ngừng việc tập thể đều không đúng trình tự và không do công đoàn tổ chức. Việc đó do nhiều nguyên nhân, trong đó vấn đề thương lượng tập thể chỉ là một trong những yếu tố. Đúng ra, trong quy định của pháp luật khi thương lượng không thành công thì mới tổ chức đình công, nhưng ở Việt Nam các cuộc đình công xảy ra rồi thì khi đó các yêu sách mới được thương lượng giải quyết.
Để xảy ra tình trạng này còn phụ thuộc vào quy định của pháp luật, trình độ của quan hệ lao động, năng lực, vai trò của tổ chức công đoàn và việc thực thi pháp luật của người sử dụng lao động. Lâu nay, các cuộc đình công là để phản đối những vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động.
- Phóng viên: Nghị quyết số 27- NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp đề cao như thế nào về vai trò của thương lượng tập thể thưa ông?
+ Ông Lê Đình Quảng: Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN.
Theo đó, đối với khu vực DN, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của DN để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Các DN được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể NLĐ; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN. Thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong DN nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của DN đến năm 2025 và tiến tới giao khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của DN vào năm 2030.
Tôi nghĩ rằng việc phê chuẩn Công ước số 98 trong bối cảnh chúng ta đã có Nghị quyết số 27 về tiền lương là hoàn toàn phù hợp. Việc gia nhập Công ước số 98 sẽ tăng cường vai trò của thương lượng tập thể. Hiện nay Nhà nước đã có quy định về tiền lương tối thiểu vùng, nhưng đây chỉ là cái “sàn” bảo vệ người lao động, còn để người lao động có được tiền lương đảm bảo cuộc sống, điều quan trọng là công tác thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động với sự hỗ trợ của tổ chức công đoàn. Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định đây là bước đi đặc biệt quan trọng trong hoạt động của công đoàn vì chỉ thương lượng tập thể thành công mới đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
*** Công ước số 98 được ILO thông qua năm 1949, có hiệu lực từ năm 1951. Nội dung cơ bản của Công ước là bảo vệ người lao động và Công đoàn không bị phân biệt đối xử, không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động, để từ đó, Công đoàn có thể tiến hành thương lượng tập thể một cách hiệu quả nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền và lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động. Công ước 98 cũng đưa ra những yêu cầu đối với Nhà nước trong việc thúc đẩy thương lượng tập thể được thực hiện một cách tự nguyện, có thiện chí giữa các bên quan hệ lao động trên thực tế./.
Theo Báo LĐ&XH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT