Quốc hội thống nhất việc kéo dài thời hạn thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử
06/11/2018 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 5/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường xem xét Báo cáo về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh quochoi.vn
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2016/QH14 là chủ trương đúng đắn. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết đã đạt được các mục tiêu mà Quốc hội đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần tích cực vào công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của nước ta hiện nay.
Sau thời gian 2 năm thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị quyết số 30/2016/QH14 ngày 22/11/2016 của Quốc hội và cơ sở kết quả tổng kết thực hiện thí điểm, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện chính sách này. Bởi việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã đạt được các yêu cầu mà Quốc hội đề ra, khẳng định việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2016/QH14 là đúng đắn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước, phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, kết quả tổng kết cho thấy, về kinh tế - xã hội, chính sách cấp thị thực điện tử đã góp phần tiếp tục thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch; về đối ngoại, nhiều cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam đánh giá cao chính sách cấp thị thực điện tử của Việt Nam, góp phần tạo thuận lợi trong việc xây dựng các mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các quốc gia trong giai đoạn hội nhập; an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Về góc độ đối ngoại, việc tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử thể hiện quan điểm nhất quán chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế, nhất là phát triển du lịch; cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành. Không chỉ vậy, về góc độ kinh tế - xã hội, nếu không tiếp tục thực hiện cấp thị thực điện tử sẽ gây lãng phí trong quản lý vì không tận dụng nguồn lực về công nghệ thông tin, đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến các cơ quan, tổ chức đã đăng ký tài khoản để thực hiện thủ tục cấp thị thực điện tử.
Trên cơ sở tổng kết, Chính phủ xác định cần phải tiếp tục thực hiện thí điểm nhằm tổng kết, đánh giá một cách toàn diện hơn nữa tác động của chính sách này đối với các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Chính phủ đề nghị xem xét, cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thêm 2 năm, kể từ ngày 1/2/2019.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, trên cơ sở xem xét, đánh giá Báo cáo số 518/BC-CP ngày 22/10/2018 của Chính phủ tổng kết thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 ngày 22/11/2016 của Quốc hội (Nghị quyết), Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đã thể hiện khá đầy đủ quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, nêu rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân; có số liệu cụ thể, chi tiết về kết quả thực hiện Nghị quyết; đồng thời kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thêm 2 năm kể từ ngày 1/2/2019.
UBQPAN nhận thấy, ngay sau khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, Chính phủ đã khẩn trương và tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng xây dựng Nghị định quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; bố trí nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm để kịp thời thi hành Nghị quyết theo đúng thời gian Quốc hội giao.
UBQPAN đánh giá cao việc tổ chức triển khai và kết quả thi hành Nghị quyết, trong đó Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 07/2017/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử phù hợp và bám sát yêu cầu thực tế, không chỉ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, mà còn xác định cụ thể các nước có công dân thuộc diện thực hiện thí điểm, danh sách các cửa khẩu cho phép nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử phù hợp với quy định của Nghị quyết, bảo đảm việc thực hiện thí điểm có hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh quochoi.vn
Tuy nhiên, UBQPAN cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ về những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. UBQPAN đề nghị phân tích, làm rõ thêm một số nội là: Đánh giá rõ hơn hiệu quả về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Đánh giá rõ những tồn tại và nguy cơ tiềm ẩn trong hoạt động nhập cảnh của người nước ngoài bằng thị thực điện tử đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của nước ta và định hướng giải pháp xử lý. Đánh giá làm rõ hơn những nguyên nhân tồn tại, trong đó tập trung làm rõ lý do đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thí điểm...
Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử, UBQPAN cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ đã nêu trong Báo cáo, đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 trong thời gian 2 năm kể từ ngày 1/2/2019 để có thêm thời gian kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá một cách toàn diện tác động của chính sách này; trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trước thời gian kết thúc việc thí điểm. Nội dung này đề nghị Quốc hội cho quy định trong Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 6.
Trong thời gian tiếp tục thực hiện thí điểm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành hữu quan đề xuất điều chỉnh danh sách các nước có công dân thuộc diện thực hiện thí điểm, danh sách các cửa khẩu cho phép nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử bảo đảm phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của việc thí điểm; sớm xử lý, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện thí điểm, bảo đảm việc thực hiện thí điểm có hiệu quả thiết thực.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết 30/2016/QH14 ngày 22/11/2016 của Quốc hội “về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam” và đồng tình với kiến nghị tiếp tục thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam của Chính phủ.Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội thống nhất không ra Nghị quyết riêng về nội dung này, mà đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc cấp thị thực điện tử thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực và lợi ích to lớn cho Việt Nam; góp phần tiếp tục thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch. Để giải quyết những hạn chế và giúp chính sách này đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, triển khai mạnh mẽ, có phương án đa dạng hóa công tác tuyên truyền về chính sách cấp thị thực điện tử tới công dân các nước một cách rộng rãi, bởi rất nhiều khách nước ngoài còn chưa biết đến quy định này. Đồng thời, tăng cường các giải pháp công nghệ nhằm nâng cấp hệ thống quản lý thị thực điện tử để đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt, đáp ứng nhu cầu hồ sơ ngày càng tăng. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn chỉnh Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để có thể sớm triển khai trên diện rộng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu kết luận nội dung làm việc. Ảnh quochoi.vn
Khẳng định hiệu quả kinh tế mà chính sách cấp thị thực điện tử mang lại, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, qua tổng kết cho thấy phí thu được từ cấp thị thực điện tử là gần 200 tỷ đồng, nếu tiếp tục triển khai, số thu sẽ tăng thêm. Mặt khác, việc tiếp tục cấp thị thực sẽ thu hút hơn nữa khách du lịch đến Việt Nam du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư, phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Chính phủ sẽ có quy định về các nước cấp thị thực, cân nhắc trên cơ sở cấp thận trọng, thực hiện từng bước, vừa đáp ứng yêu cầu đối ngoại, vừa bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự xã hội.
Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, trong thời gian tiếp tục thực hiện thí điểm, Chính phủ khẩn trương chuẩn bị Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để có thể báo cáo Quốc hội xem xét. Đồng thời đề nghị Chính phủ lưu ý tiếp tục rà soát, đánh giá thật kỹ toàn bộ các danh mục, các nước được áp dụng, các cửa khẩu được nhập cảnh bằng thị thực điện tử để đảm bảo chặt chẽ hiệu quả. Cùng với đó, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội về công tác tuyên truyền, vấn đề phối kết hợp giữa các bộ, ngành để đảm bảo áp dụng hiệu quả trong thời gian tới./.
Theo BHXH VN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT