Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương: Động lực để NLĐ cống hiến và sáng tạo
25/06/2018 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đánh giá về những cải cách của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, TS.Vũ Minh Tiến - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, trả lương căn cứ theo vị trí việc làm và năng suất lao động sẽ là động lực để kích thích người lao động cống hiến, sáng tạo, nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.
TS.Vũ Minh Tiến - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam).
Xóa bỏ tâm lý “sống lâu lên lão làng”
- Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, do lương không đủ sống nên mới phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
+ TS.Vũ Minh Tiến - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam): Nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức là một thực tế đã được báo chí, dư luận và người dân phản ánh thời gian qua. Đây là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm chế độ công vụ… Những hành vi này đáng lên án, cần được loại bỏ để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Theo khảo sát cuối năm 2017 của Viện Công nhân và Công đoàn, có tới 27-34% cán bộ, công chức, viên chức phải làm thêm các công việc khác để trang trải cuộc sống. Đây là những khó khăn chung mà cán bộ, công chức, viên chức đã và đang phải đối diện khi mà chính sách tiền lương chưa có sự cải cách, đột phá.
Tuy vậy, tôi cho rằng, không thể bao biện cho hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực bởi bất kỳ lý do gì, trong đó có “lương không đủ sống”. Bởi lẽ, việc nhũng nhiễu, tiêu cực hoàn toàn phụ thuộc vào đạo đức, phẩm chất và tư cách của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Những người này đã được hưởng lương từ những đồng thuế của người dân, doanh nghiệp đóng góp, cùng nhiều đãi ngộ khác từ phía Nhà nước. Do vậy, cán bộ, công chức, viên chức phải phục vụ Nhà nước, người dân tốt hơn chứ không phải là nghĩ cách để làm khó cho người dân và doanh nghiệp. Để giảm tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, chúng ta cần có chính sách cải cách tiền lương và tăng cường cơ chế kiểm soát, giám sát tốt hơn đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Xử lý “mạnh tay”, loại bỏ khỏi bộ máy những trường hợp vi phạm đạo đức công vụ.
- Phóng viên: Một trong những nội dung cải cách về chính sách tiền lương của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, là trả lương trên cơ sở năng suất lao động và vị trí việc làm. Ông đánh giá như thế nào về nội dung cải cách này?
+ TS.Vũ Minh Tiến - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam): Trả lương theo năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp và trả lương theo vị trí việc làm trong khu vực công là một trong những nội dung quan trọng trong cải cách tiền lương hiện nay. Tôi cho rằng, cải cách này là hết sức cần thiết, để đánh giá đúng sức lao động, tránh sự cào bằng. Đồng thời, sẽ khắc phục tâm lý “sống lâu lên lão làng”, “có vào mà không có ra” khỏi biên chế của không ít cán bộ, công chức, viên chức. Đây là tâm lý gây lực cản rất lớn cho sự vận hành hiệu quả của bộ máy. Cải cách tiền lương sẽ là động lực để kích thích người lao động cống hiến, sáng tạo, nâng cao chất lượng lao động.
Trả lương đúng với sức lao động là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động. Việc xác định tính toán tiền lương của người lao động dựa trên nhiều nguyên tắc trong đó tiền lương phải bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình của họ. Để trả lương cho người lao động phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác như: Lương tối thiểu, cung cầu thị trường lao động, bảo đảm mối quan hệ hài hòa - tiến bộ, nguồn lực của Nhà nước và khả năng chi trả của doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế - xã hội đất nước, thành quả công cuộc đổi mới… Do vậy, để thực hiện nội dung cải cách này, cần có thời gian chuyển đổi, từng bước, bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, tránh tác động gây “sốc” không mong muốn đối với xã hội. Có như vậy, mới góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Quyết liệt tinh giản biên chế
- Phóng viên: Trả lương trên cơ sở vị trí việc làm và năng suất lao động, điều này đòi hỏi phải đánh giá rất sát chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đây sẽ là khó khăn khi mà việc đánh giá của chúng ta thời gian qua bị coi là hình thức vì vướng tâm lý “nể nang”, thưa ông?
+ TS.Vũ Minh Tiến - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam): Nguyên tắc, quan điểm cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức là: Trả lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo, phù hợp ngân sách, mặt bằng tiền lương xã hội, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp… Do đó, khâu quan trọng để thực hiện việc trả lương theo vị trí việc làm có liên quan chặt chẽ tới việc xây dựng được các vị trí việc làm và đánh giá, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức đảm nhận các vị trí việc làm đó. Bên cạnh đó, định kỳ hoặc đột xuất cần rà soát, đánh giá để điều chỉnh vị trí việc làm, tăng lương, thưởng… Điều này đòi hỏi vai trò rất lớn của người đứng đầu trong quá trình đánh giá đối với mỗi vị trí việc làm.
Khảo sát gần đây của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy, nhiều cán bộ, công chức, viên chức chưa hài lòng việc các cơ quan, đơn vị đánh giá năng lực cán bộ, công chức, viên chức. Không ít trường hợp cho rằng, việc đánh giá chưa khách quan, chưa có sự đánh giá từ đối tượng được phục vụ - đánh giá người dân và doanh nghiệp. Việc đánh giá dựa nhiều vào ý chí chủ quan, dựa vào quan hệ ngoài công vụ. Vẫn còn có sự nể nang, né tránh trong quá trình đánh giá.
- Phóng viên: Việc tăng lương sẽ là thách thức khi mà ngân sách của chúng ta còn hạn chế. Theo ông, giải pháp nào để tăng lương mà không ảnh hưởng đến ngân sách?
+ TS.Vũ Minh Tiến - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam): Nguồn chi trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức đến từ nhiều nguồn khác nhau như: Nguồn tự chủ và nguồn thu khác, nhưng hiện nay và thời gian tới thì ngân sách Nhà nước vẫn là nguồn chi trả chính. Do vậy, cần có lộ trình từng bước điều chỉnh để giảm hợp lý ngân sách Nhà nước cho chi trả lương. Muốn vậy, cần quyết tâm, quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc, trách nhiệm và đạo đức công vụ. Ngoài ra, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công, từng bước chuyển dần một số dịch vụ công sang khu vực tư nhân đảm nhận. Nếu làm tốt được việc này thì số người phải trả lương sẽ giảm đi nhưng chất lượng công vụ nâng lên, vẫn bảo đảm được hiệu quả hoạt động của bộ máy vận hành thông suốt.
- Phóng viên: Để đưa Nghị quyết số 27 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII vào cuộc sống, cần có giải pháp gì, thưa ông?
+ TS.Vũ Minh Tiến - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam): Để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức hiểu đúng nội dung, tinh thần, quan điểm của chủ trương đúng đắn và cấp thiết của nghị quyết. Qua đó, tạo sự đồng thuận, ủng hộ và quyết tâm chính trị cao của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị và của mọi cán bộ, công chức, viên chức - những đối tượng có thể bị ảnh hưởng đến vị trí việc làm, tiền lương.
Điều quan trọng là sớm hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực hiệu quả công vụ, chế độ tiền lương mới, nguồn lực và điều kiện kèm theo thực hiện. Các bộ, ngành và từng cơ quan, đơn vị cụ thể hóa chủ trương này, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức thực hiện nghiêm túc và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, công minh. Bên cạnh đó, cần có chính sách để hỗ trợ cho những người không đáp ứng yêu cầu khi ra khỏi bộ máy. Ngoài ra, như tôi đã nói ở trên là cần đẩy mạnh thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và chuyển một số dịch vụ công sang khu vực tư nhân để giảm gánh nặng từ ngân sách nhà nước.
- Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
*** Qua cuộc khảo sát năm 2017 với cán bộ, công chức, viên chức, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng. Đó là, nếu việc sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế thực hiện không có sự công tâm, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thì sẽ dẫn tới mất người giỏi, giữ lại những người “gọi dạ bảo vâng”. Tôi cho rằng, đây là vấn đề chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm. Để giải tỏa lo lắng này, cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, tránh tình trạng tinh giản dựa theo mối quan hệ thân hữu, hay cảm tính của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
TS. Vũ Minh Tiến - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam./.
Theo ĐBND
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT