Tăng tuổi hưu là xu thế tất yếu
07/05/2018 02:29 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Điều chỉnh tăng tuổi hưu là vấn đề được Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công đề cập tại Đề án cải cách chính sách BHXH trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII).
Đề án đặt vấn đề cải cách chế độ hưu trí, hạn chế chế độ nghỉ hưu trước tuổi và điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình với 2 phương án để Trung ương xác quyết. Phương án một là điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ 1/1/2021 và theo lộ trình đối với người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường tăng thêm mỗi năm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án hai là điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ 1/1/2021 và theo lộ trình đối với người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường tăng thêm mỗi năm 4 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Theo Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Trường Giang, việc điều chỉnh tuổi hưu phải được thực hiện có lộ trình nhưng phải quyết định mau lẹ, tránh ảnh hưởng tới thị trường lao động trong tương lai. Vụ trưởng Vụ BHXH cho rằng tăng trưởng kinh tế là yếu tố quan trọng nhất giúp việc tăng tuổi hưu không gặp “sốc” về việc làm, giúp cho không chỉ lao động trẻ mà cả lao động cao tuổi cũng có cơ hội việc làm. Bên cạnh đó, xu thế và loại hình việc làm của lao động trẻ có thể rất khác với lao động cao tuổi nên không có tính loại trừ, chưa kể một số ngành thậm chí còn trở nên thiếu hụt lao động khi lao động nghỉ hưu hàng loạt (nhất là trong những ngành cần lao động có trình độ, kỹ năng như giáo dục, y tế, chế tạo…).
Theo đồng chí Phạm Trường Giang, tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam tương đối thấp (tuổi thọ sau tuổi 60 đối với nam, sau 55 tuổi đối với nữ) trong khi lại có kỳ vọng sống tương đương các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Kỳ vọng sống của Việt Nam bình quân là 22,5 năm; Indonesia là 16,6 năm, Trung Quốc 19,7 năm, Thái Lan 21 năm, Pháp 25,7 năm, Đức 23,7 năm, Bồ Đào Nha là 24,1 năm… Trong khi nhiều quốc gia có kỳ vọng sống thấp hơn Việt Nam nhưng đều đã có kế hoạch điều chỉnh tuổi nghỉ hưu như Indonesia đạt tuổi nghỉ hưu 65 vào năm 2043, Hàn Quốc đạt tuổi nghỉ hưu 65 vào năm 2034, Malaysia đạt tuổi nghỉ hưu 65 sau năm 2040… Năng lực làm việc của người lao động được cải thiện nên có thể làm việc lâu hơn trước. Hơn nữa, điều kiện làm việc được cải thiện nên các rủi ro từ công việc sau tuổi nghỉ hưu truyền thống giảm đáng kể.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ BHXH, tăng tuổi nghỉ hưu để phù hợp với sự thay đổi về nhân khẩu học khi tỷ lệ sinh ở Việt Nam đang giảm (những năm 1960, một phụ nữ thường sinh 6 con, thì tới năm 2010, một phụ nữ bình quân chỉ sinh 2 con). Do vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu (cùng với các chính sách khác) không chỉ giúp nâng cao chất lượng hưu trí cho người thụ hưởng mà còn giúp chia sẻ gánh nặng đóng góp cho quỹ hưu trí với lực lượng lao động trẻ sau này.
Theo Tổng cục Thống kê, số người già (trên tuổi 60) ở nước ta sẽ tăng từ 9,2 triệu người năm 2015 lên 30 triệu người năm 2057. Ngược lại, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động so với dân số già sẽ giảm rất nhanh, từ 6,6% xuống còn 2,1% trong vòng 40 năm tới. Đặc biệt, lực lượng bước vào thị trường lao động có xu hướng ngày càng giảm, giai đoạn 2010-2015, bình quân mỗi năm có khoảng 1,2 triệu lao động mới tham gia thị trường lao động, tới giai đoạn 2015-2020, bình quân chỉ còn khoảng 0,8-1 triệu; còn giai đoạn 2020-2025 chỉ còn khoảng dưới 0,8 triệu người/năm.
“Dân số già nhanh và lực lượng lao động có xu hướng bắt đầu giảm trong hai thập kỷ tới nên việc tăng dần tuổi hưu một cách phù hợp là để duy trì sự ổn định của thị trường lao động. Nhật Bản, Italy là những ví dụ cụ thể của việc thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động thay thế khi dân số già quá nhanh trong khi chính sách điều chỉnh tuổi hưu được xem xét quá chậm. Mặc dù hiện nay Trung Quốc đang thặng dư 150 triệu lao động, nhưng từ năm 2025 quốc gia này cũng sẽ bắt đầu thiếu hụt lao động”, đồng chí Phạm Trường Giang cho biết.
Bên cạnh đó, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tác động tích cực tới bình đẳng giới. Tới năm 2040 hầu hết các quốc gia ở Châu Âu sẽ có tuổi nghỉ hưu bình đẳng giữa nam và nữ. Tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á (trừ Lào và Việt Nam) đều đã có tuổi nghỉ hưu bình đẳng giữa nam và nữ. Phụ nữ sống lâu hơn và dễ rơi vào tình trạng nghèo đói do lương hưu thấp nên nâng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ sẽ làm giảm khoảng cách về giới trong cách tính đầy đủ về lương hưu.
Đồng chí Phạm Trường Giang khẳng định, việc tăng tuổi hưu là xu hướng chung của tất cả các nước có cơ cấu dân số già để phù hợp với các điều kiện kinh tế-xã hội, nhân khẩu, sức khỏe, trình độ kỹ thuật và công nghệ áp dụng vào sản xuất, số lượng và cơ cấu dân số, tuổi thọ bình quân, xu hướng già hoá dân số, cân đối quỹ BHXH trong dài hạn… chứ không phải chỉ là để tránh vỡ quỹ hưu trí. Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ đẩy lùi thời gian mất cân đối quỹ này và cùng với các cải cách BHXH khác sẽ góp phần bảo đảm an toàn quỹ BHXH, trong đó có quỹ hưu trí./.
Theo Tạp chí BHXH
Vừa qua tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ tháng 4/2018, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cũng cho biết Ngành đang tính toán thời điểm mất cân đối thu chi quỹ hưu trí (nếu không thực hiện cải cách BHXH) và khẳng định không có chuyện đến năm 2025 là mất cân đối quỹ này.
Tại một phiên họp của Hội đồng Lý luận Trung ương hồi tháng 3/2018, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan- thành viên Hội đồng- cho rằng đây là cơ hội cuối cùng để Việt Nam quyết định việc điều chỉnh nâng tuổi hưu. Trong khi đó, TS. Changhee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam cũng cho rằng Việt Nam phải nhanh chóng và quyết đoán điều chỉnh lương hưu ngay lúc này./.
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT