“Cánh cửa” mới cho người bệnh
29/11/2017 12:44 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Từ năm 2017, nguồn viện trợ thuốc điều trị kháng virus (ARV) cho người nhiễm HIV từ các dự án quốc tế sẽ bị cắt giảm, với người bị HIV/AIDS, đây là một thách thức không nhỏ vì gánh nặng về kinh tế. Tuy nhiên, theo thống kê của cơ quan BHXH Việt Nam, hiện tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT mới chỉ đạt 40%. Không có thẻ BHYT, không có nguồn viện trợ thuốc, gần 60% đối tượng mắc HIV/AIDS sẽ phải loay hoay để tự chi trả thuốc điều trị ARV khi việc điều trị đòi hỏi “dài hơi” và rất tốn kém. Chính vì vậy, quy định từ ngày 1.1.2019, Quỹ BHYT sẽ thanh toán đầy đủ các dịch vụ.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, tại một số tỉnh, thành phố độ bao phủ BHYT cho đối tượng này còn thấp do tâm lý sợ lộ thông tin của người bị bệnh. Nhiều người nhiễm HIV/AIDS có tâm lý lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không muốn cung cấp thông tin để tham gia BHYT. Đặc biệt, có một số bệnh nhân tuy có thẻ BHYT nhưng sẵn sàng bỏ tiền ra khám chữa bệnh, hoặc đến nơi không được hưởng BHYT để che giấu tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người nhiễm HIV chưa sẵn sàng mua thẻ BHYT do còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các dự án.
Tăng cường truyền thông
Theo thống kê của Bộ Y tế trong 9 tháng năm 2017, cả nước phát hiện trên 6.800 trường hợp nhiễm HIV (giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái), gần 3.500 bệnh nhân AIDS (giảm 39% so với cùng kỳ năm 2016). Số người nhiễm HIV đã tử vong là 1.260 trường hợp (giảm 35%). Phần lớn người nhiễm HIV được phát hiện muộn trong quá trình khám, chữa bệnh... Nguy cơ lây chính là từ các nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nhóm quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM).
Theo phân tích của các chuyên gia y tế, hiện chi phí thấp nhất cho việc điều trị thuốc của bệnh nhân HIV/AIDS khoảng hơn 4 triệu đồng/năm/người đối với bệnh nhân theo phác đồ 1. Nhưng đối với bệnh nhân kháng thuốc, phải điều trị phác đồ 2 thì chi phí điều trị tăng lên gấp 7 - 8 lần. Điều đáng nói, tỷ lệ kháng thuốc đang có xu hướng tăng, chiếm khoảng 4,5% bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị. Như vậy, nếu không có thẻ BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải bỏ ra một số tiền khá lớn để điều trị bằng thuốc ARV.
Để khuyến khích người nhiễm HIV tham gia BHYT, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội Lê Nhân Tuấn cho biết, những người nhiễm HIV không đủ điều kiện mua BHYT theo hộ gia đình có thể trực tiếp đến Trung tâm y tế các quận, huyện hoặc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội để báo cáo. Những trường hợp này sẽ được lập danh sách riêng để gửi BHXH Hà Nội xem xét và tạo điều kiện mua BHYT tự nguyện mà không nhất thiết phải mua theo hộ gia đình. Cũng theo ông Tuấn, hiện Hà Nội có 21 cơ sở điều trị HIV, trong đó 6 cơ sở đã được Sở Y tế Hà Nội đề xuất BHXH Hà Nội ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV và 11 trung tâm y tế sẽ tiếp tục được đề xuất ký hợp đồng khám, chữa bệnh cho người nhiễm HIV.
Được biết, nhằm tạo điều kiện cho người bị HIV/AIDS tham gia BHYT, những giấy tờ, hồ sơ sẽ được Bộ Y tế mã hóa, bảo đảm bảo mật bệnh tật của người bệnh; bảo đảm thông tin về HIV không tiết lộ ra ngoài, chỉ hạn chế trong các cơ sở điều trị và cơ quan BHYT. Bên cạnh đó Bộ Y tế sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ y tá, bác sĩ tại các trung tâm y tế, bệnh viện các tuyến có chức năng khám, chữa bệnh cho người bệnh HIV/AIDS.
Theo daibieunhandan.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT