Hoạt động Bộ, Ngành liên quan Hỗ trợ chi trả BHXH, BHYT cho NLĐ là người dân tộc thiểu số
11/07/2017 03:26 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 58/2017/TT-BTC hướng dẫn một số chính sách hỗ trợ tài chính cho các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Thông tư này hướng dẫn chính sách hỗ trợ tài chính về chi trả BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đào tạo nghề ngắn hạn, tiền thuê đất cho các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định 42/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 64/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg.
Đối tượng áp dụng gồm: Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm, thủy sản do nhà nước làm chủ sở hữu; Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ; Hợp tác xã; Các DN ngoài Nhà nước (bao gồm cả DN có vốn đầu tư nước ngoài); Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan việc thực hiện hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Thông tư quy định rõ về chính sách hỗ trợ về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ nộp thay cho các đơn vị sử dụng lao động tối đa 05 năm đối với một NLĐ.
Việc hỗ trợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được thực hiện đối với lao động là người dân tộc thiểu số được đơn vị sử dụng lao động ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn. Về hỗ trợ chi phí đào tạo: Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, mức hỗ trợ tối đa 04 triệu đồng/người/khóa học; người dân tộc thiểu số, mức hỗ trợ tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học.
Đồng thời, hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học. Hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/ người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.
Riêng đối với người học là người dân tộc thiểu số cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.
Về kinh phí thực hiện, Thông tư cũng quy định rõ: Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí về đào tạo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, BH thất nghiệp cho lao động là người dân tộc thiểu số.
Các địa phương chủ động bố trí ngân sách địa phương để cùng với ngân sách trung ương hỗ trợ triển khai có hiệu quả chính sách đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng cho lao động là người dân tộc thiểu số.
Nguồn Website BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT