Đối tượng đóng - Mức đóng - Quyền lợi hưởng - Mức hưởng

14/10/2020 10:50 AM


Đối tượng đóng - Mức đóng

1. Đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình từ 01/01/2015:

a) Toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu (trừ đối tượng quy định theo Luật BHYT thuộc đối tượng đã tham gia BHYT theo các nhóm khác và người đã khai báo tạm vắng).

b) Toàn bộ những người có tên trong sổ tạm trú (trừ đối tượng quy định theo Luật BHYT thuộc đối tượng đã tham gia BHYT theo các nhóm khác).

Ví dụ: Gia đình ông B có 05 người có tên trong sổ hộ khẩu, trong đó có 01 người hưởng lương hưu, 01 người là công chức; ngoài ra, có 01 người ở địa phương khác đến đăng ký tạm trú. Số người tham gia BHYT theo hộ gia đình ông B là 4 người (gồm 3 người có tên trong sổ hộ khẩu và 1 người tạm trú chưa tham gia BHYT ở các nhóm khác).

2. Nguyên tắc đóng, mức đóng:

- Nguyên tắc: Khi tham gia, bắt buộc phải tham gia đối với 100% thành viên hộ gia đình.

- Mức đóng: 4,5% mức lương cơ sở/tháng. Giảm trừ mức đóng của các thành viên trong cùng hộ như sau:

+ Người thứ nhất: Đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở;

+ Người thứ 2: Đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất;

+ Người thứ 3: Đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất;

+ Người thứ 4: Đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất;

+ Người thứ 5 trở đi: Đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

 (Đối với hộ gia đình được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng thì không áp dụng giảm trừ mức đóng như trên, theo điểm Điểm g, Khoản 1 Điều  2 Nghị định 105/2014/NĐ-CP)

3. Thủ tục gia hạn thẻ, đăng ký tham gia:

a) Đối với các trường hợp đã tự nguyện tham gia BHYT năm 2014 có thẻ BHYT hết hạn sử dụng từ 31/01/2015 trở đi:

- Người có thẻ cần gia hạn lập Tờ khai tham gia BHXH, BHYT (TK01-TS) và Danh sách đăng ký tham gia BHYT (D01-HGD). Việc kê khai danh sách đăng ký tham gia BHYT (mẫu D01-HGD) chỉ cần đại diện hộ gia đình (không nhất thiết là chủ hộ). Người kê khai phải chịu trách nhiệm về nội dung kê khai đó, nếu kê khai sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi hoàn chi phí khám chữa bệnh (nếu có phát sinh).

+ Đối với các trường hợp đang tham gia BHYT, khi kê khai Danh sách đăng ký tham gia (mẫu D01-HGĐ), tại  cột (số 5) chỉ cần ghi có thẻ thuộc đối tượng nào. Ví dụ: Nếu có thẻ BHYT theo diện Hưu trí, học sinh sinh viên , người lao động đang làm việc,  thì tại cột (số 5) ghi  “hưu trí”, “học sinh sinh viên”, “đang làm việc”.

+ Đối với người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT nên chưa được cấp thẻ thì tại cột ghi chú (số 8) ghi rõ “do đơn vị nợ chưa được cấp thẻ BHYT”.

- Khi đến nộp thủ tục tại các Đại lý thu BHYT, cần mang theo: Bản chính sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (để đối chiếu và được trả lại ngay).

Việc sao chụp thẻ BHYT để nộp kèm theo Danh sách đăng ký tham gia BHYT  trong trường hợp 100% thành viên hộ gia đình đều tham gia BHYT là cơ sở để xác định ngay việc giảm trừ mức đóng BHYT theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ.

- Thời hạn của thẻ BHYT có giá trị sử dụng kể từ ngày đầu tháng sau nếu lập danh sách và nộp tiền trước ngày 20 của tháng trước. Thời hạn sử dụng thẻ và mức đóng tiền BHYT căn cứ vào thời hạn sử dụng sau cùng của thẻ BHYT đã cấp, đang còn hạn sử dụng của thành viên tham gia BHYT trong hộ.

b) Đối với các trường hợp mới bắt đầu tham gia BHYT theo Hộ gia đình từ ngày 01/01/2015 và trường hợp tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính:

- Thủ tục như trên.

- Thẻ BHYT được cấp có giá trị sau 30 ngày kể từ ngày lập thủ tục và nộp tiền theo quy định.

c) Gia hạn thẻ:

- Nếu gián đoạn từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính: Đóng lại từ đầu (thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày).

- Nếu gián đoạn dưới 3 tháng: Phải nộp tiền (ở đại lý) trước ngày 20 của tháng thứ 2 (sau tháng gián đoạn) và thẻ có giá trị ngay tháng sau.

VD: Thẻ hết hạn từ 31/12/2014, nếu nộp tiền trước ngày 20/02/2015 thì sẽ được cấp thẻ để sử dụng từ 01/3/2015.

Khi tính thời gian tham BHYT liên tục 5 năm (để không đồng chi trả khi có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở), là thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng thẻ lần trước (trong trường hợp thời gian gián đoạn không quá 03 tháng)

4. Đăng ký khám, chữa bệnh:

- Có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hướng dẫn của cơ quan Bảo hiểm xã hội.

- Được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý (đăng ký trước ngày 20 của tháng cuối của quý trước).

- Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu được ghi trong thẻ bảo hiểm y tế.

5. Thủ tục khám, chữa bệnh:

 Khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế với giấy tờ (có ảnh) chứng minh về nhân thân của người đó.

- Trường hợp cấp cứu, được khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ tủy thân có ảnh trước khi ra viện.

- Trường hợp chuyển tuyến điều trị, phải có hồ sơ chuyển viện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

 

Quyền lợi hưởng - Mức hưởng

 

 6. Phạm vi được hưởng:

* Được quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí sau đây:

- Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con.

- Thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế  trong danh mục của Bộ Y  tế.

* Mức hưởng:

a) Khi đi khám, chữa bệnh đúng quy định (đúng nơi đăng ký KCB ban đầu, cấp cứu, hoặc được chuyển tuyến) thì được thanh toán như sau:

- 100% chi phí khám, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 175.500  đồng; và khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã.

- 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.

- 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các trường hợp khác.

b) Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến được thanh toán theo tỷ lệ sau:

- Tại bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú.

- Tại bệnh viện tuyến tỉnh: 60% chi phí điều trị nội trú từ 01/01/2015 đến ngày 31/12/2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/ 01/2021 trong phạm vi cả nước.

- Tại bệnh viện tuyến huyện: 70% chi phí khám, chữa bệnh từ 01/01/2015 đến ngày 31/12/2015; 100% chi phí khám, chữa bệnh (cả nội trú lẫn ngoại trú) từ ngày 01/01/2016.

c) Từ ngày 01/01/2016, người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã/phòng khám đa khoa/bệnh viện tuyến huyện được quyền khám, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã/phòng khám đa khoa/bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh có mức hưởng như trên.

d) Từ ngày 01/01/2021, quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú như khoản a cho người tham gia bảo hiểm y tế khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.

e) Trường hợp KCB tại cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB BHYT được cơ quan BHXH thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT (trừ trường hợp cấp cứu) nhưng tối đa cho 1 đợt điều trị  không vượt quá:

 

Loại hình KCB

Tuyến chuyên môn kỹ thuật

Mức thanh toán trực tiếp

Ngoại trú

Tuyến huyện và tương đương

0,15 lần mức lương cơ sở

Nội trú

Tuyến huyện và tương đương

0,5 lần mức lương cơ sở

Tuyến tỉnh và tương đương

1,0 lần mức lương cơ sở

Tuyến trung ương

2,5 lần mức lương cơ sở

 

   

g) Trường hợp người có thẻ đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh nhưng thẻ BHYT hết hạn: Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo chế độ quy định cho đến khi ra viện hoặc hết đợt điều trị ngoại trú./.

 

 

  • TIN BÀI LIÊN QUAN