Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh: Sự hài lòng của người bệnh

03/09/2015 09:10 AM


Với sự phối hợp tích cực giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, từ đầu năm đến nay trong công tác triển khai thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo BHYT đã đạt được những kết quả tích cực. Điểm đáng ghi nhận là chất lượng khám, chữa bệnh BHYT không ngừng được nâng cao, quyền lợi của người tham gia BHYT luôn bảo đảm. Để có cái nhìn toàn diện về quá trình triển khai thực hiện Luật, PV Báo ĐBND có cuộc trao đổi với PGS. TS. LƯƠNG NGỌC KHUÊ, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế.

PV: Thưa ông, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực 1.1.2015) với nhiều điểm mới, trong đó chú trọng đa dạng hóa dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, xin ông đánh giá về những tác động của Luật tới công tác KCB BHYT thời gian qua?
lnKhue 030915.jpg

Cục trưởng Cục KCB Lương Ngọc Khuê: Trong 8 tháng qua, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành và BHXH Việt Nam tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân và Chỉ thị 05/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách BHXH và BHYT; đồng thời, tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật tại nhiều tỉnh, thành phố.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với nhiều điểm mới, tiến bộ như: bắt buộc tham gia BHYT, thực hiện BHYT theo hộ gia đình; nâng mức hưởng BHYT cho một số nhóm đối tượng như người nghèo, người thuộc diện chính sách xã hội, người thuộc hộ cận nghèo; mở rộng quyền lợi; mở thông tuyến khám, chữa bệnh... đã thay đổi không chỉ về cơ chế chính sách mà còn có tác động, làm thay đổi cả khâu tổ chức thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng KCB, thúc đẩy tiến trình thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

Các cơ sở KCB đã triển khai đồng bộ việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng KCB, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng, đặc biệt là người nghèo, dân tộc thiểu số, người dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, biển, đảo. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; từng bước đổi mới cơ chế tài chính, giảm dần chi phí của người dân trong chăm sóc sức khỏe, Quỹ BHYT được quản lý và sử dụng có hiệu quả, tiếp tục cân đối thu chi và có kết dư.

Tuy nhiên, việc thực hiện BHYT toàn dân vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Có nơi, có lúc cấp ủy, chính quyền một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. Việc triển khai thực hiện BHYT ở tuyến xã chưa đạt yêu cầu. Tỷ lệ tham gia BHYT của một số nhóm đối tượng như người lao động trong các doanh nghiệp, người thuộc hộ cận nghèo còn thấp, ảnh hưởng đến quỹ BHYT - nguồn lực để nâng cao chất KCB tuyến y tế cơ sở.

PV: Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp tích cực với BHXH và các đơn vị liên quan tập trung thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý KCB và thanh toán BHYT. Xin ông cho biết những kết quả đã đạt được?

Cục trưởng Cục KCB Lương Ngọc Khuê: Lâu nay, việc ứng dụng CNTT được thực hiện tại các cơ sở KCB nhưng chưa có sự kết nối trong cả hệ thống y tế và BHYT. Do đó trong việc lập danh sách, cấp phát thẻ BHYT còn sai sót, trùng lặp, chậm phát hành thẻ, nên chưa đạt hiệu quả cao về tính minh bạch trong công tác giám định, thanh quyết toán. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã quy định bắt buộc tham gia BHYT, mở thông tuyến khám, chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã trong cùng địa bàn cấp tỉnh kể từ 1.1.2016. Vì thế, ngay từ bây giờ việc ứng dụng CNTT phải được tiến hành gấp rút, đồng bộ và toàn diện mới thực hiện được các yêu cầu của Luật.

Nhận thức rõ điều này, Bộ Y tế đã xác định CNTT là nền tảng của việc sử dụng bằng chứng trong quản lý y tế, tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, giúp giảm tải bệnh viện. Hiện nay Bộ Y tế đang tích cực triển khai Đề án Xây dựng và triển khai thí điểm ứng dụng CNTT trong quản lý KCB và thanh toán BHYT, bước đầu đạt được một số kết quả: đã thống nhất ban hành danh mục yêu cầu đầu ra dữ liệu của phần mềm quản lý cơ sở KCB BHYT để chuẩn hóa đầu ra dữ liệu giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam; thống nhất việc mã hóa các danh mục dùng chung; triển khai chạy thử nghiệm kết nối dữ liệu giữa các cơ sở KCB liên thông từ tuyến xã, huyện, tỉnh đến Trung ương và với cơ quan BHXH tại các địa phương Thái Nguyên, Bắc Ninh, TP Hải Phòng. Việc triển khai thí điểm thành công sẽ là tiền đề mở ra giai đoạn mới cho việc quản lý KCB và thanh toán BHYT hiệu quả, công bằng và minh bạch.

PV: Thực hiện BHYT toàn dân, tỷ lệ người dân có thẻ BHYT ngày một tăng, cùng với đó là những quy định về thông tuyến KCB BHYT; đây là những thách thức đối với hệ thống cơ sở KCB. Ngành y tế đã có biện pháp gì để thực hiện tốt quy định này, nhằm nâng cao chất lượng KCB thưa ông?

Cục trưởng Cục KCB Lương Ngọc Khuê: Để nâng cao chất lượng KCB, những năm qua, Bộ Y tế đã thực hiện nhiều biện pháp đổi mới; cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Đổi mới về mặt quan điểm, lấy người bệnh làm trung tâm; đổi mới về quản lý, cách làm và phương pháp kiểm tra, đánh giá bệnh viện hằng năm. Để bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu phát triển BHYT toàn dân, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản và quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh thống nhất giữa các bệnh viện cùng hạng để thúc đẩy các bệnh viện tăng cường nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ hơn tới hệ thống y tế trong cả nước, đặc biệt là các cơ sở KCB tiếp tục thực hiện tốt Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, không chỉ cần nâng cao chất lượng về mặt chuyên môn mà cần hướng đến người bệnh tích cực hơn.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình 527 về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đáp ứng sự hài lòng của người dân; cải cách các thủ tục KCB tại khoa khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi từ 4 - 7 giờ xuống trung bình còn 2 - 4 giờ, tùy theo các hình thức và loại dịch vụ khám bệnh, giảm phiền hà và tăng sự hài lòng của người bệnh; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh với phương châm: Người bệnh đến, đón tiếp niềm nở - Người bệnh ở, chăm sóc tận tình - Người bệnh về, dặn dò chu đáo. Rà soát thủ tục khám, chữa bệnh BHYT, bố trí hệ thống đăng ký và nơi khám bệnh một cách khoa học, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý bệnh viện, quản lý BHYT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống hành vi gian lận, trục lợi Quỹ BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp trong Đề án giảm quá tải bệnh viện, tập trung nâng cao năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới thông qua các đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816, thí điểm đề án bác sĩ gia đình; thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn của người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo ĐBND