BHYT cho người nhiễm HIV: Nguồn kinh phí bền vững

20/08/2015 07:54 AM


Ngày 18/8, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, VPCP, Tổng LĐLĐ Việt Nam… về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2011- 2015 và đề xuất chính sách giai đoạn 2016- 2020.

Tiền viện trợ chi cho thuốc ARV sắp hết

Bộ Y tế cho biết, số người nhiễm HIV phát hiện mới có xu hướng giảm trong 8 năm gần đây nhưng vẫn ở mức cao. Đến tháng 6/2015, toàn quốc có 227.114 trường hợp nhiễm HIV (trong đó số bệnh nhân chuyển sang AIDS là 71.115 người). HIV là 1 trong 6 nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng chi phí y tế ở Việt Nam.

Theo TS.Nguyễn Hoàng Long- Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), thời gian qua, kinh phí trong phòng chống HIV/AIDS được sử dụng hiệu quả. Giai đoạn 2011- 2015 đã có 400.000 ca nhiễm HIV được dự phòng. Việc can thiệp, phòng chống HIV/AIDS làm giảm số ca nhiễm ở tất cả các quần thể có nguy cơ cao. Riêng việc mở rộng dịch vụ xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng góp phần làm giảm số ca nhiễm mới ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Ước tính năm 2013 đã can thiệp bảo vệ được 1.850 trẻ sơ sinh khỏi bị nhiễm HIV.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện cả nước có hơn 98.000 người có HIV đang được điều trị miễn phí thuốc ARV (tương đương 420 tỉ đồng/năm), phần lớn đều do các tổ chức quốc tế viện trợ miễn phí. Với xu hướng các nhà tài trợ cắt giảm hỗ trợ do Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng nước nghèo, từ năm 2015, Nhà nước đã phải tăng kinh phí mua thuốc ARV lên 85 tỉ đồng. Mặc dù so với số chi từ NSNN chỉ khoảng 20 tỷ đồng cho ARV của các năm trước, số tiền này đã cao hơn nhiều nhưng “không thấm vào đâu” so với tiền thuốc trên thực tế. Mỗi tháng, Việt Nam lại có khoảng 800-1.000 bệnh nhân HIV mới cần được điều trị ARV. Tuy nhiên, từ ngày 1/4, các tổ chức quốc tế đã chấm dứt chi tiền cho các bệnh nhân mới. Theo kế hoạch, đến hết năm 2017, tiền viện trợ chi cho thuốc ARV sẽ chấm dứt hoàn toàn. Đây sẽ là khó khăn lớn cho công tác phòng chống HIV/AIDS…

Tìm nguồn lực lâu dài

Để đảm bảo tính bền vững trong công tác phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2016- 2020, TS.Nguyễn Hoàng Long cho rằng, cần tăng cường đầu tư từ NSNN cho các hoạt động thiết yếu, có hiệu quả. Cùng với đó, phát huy vai trò chủ động và trách nhiệm của các địa phương, đơn vị trong đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS ở địa phương; huy động sự tham gia đóng góp kinh phí của các DN cho hoạt động phòng chống HIV; tăng cường chi trả các dịch vụ phòng chống HIV bằng nguồn đóng góp của người sử dụng dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Đồng thời, xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS theo hướng đẩy mạnh tham gia BHYT đối với các dịch vụ được cung cấp.

Theo đại diện VPCP, hiện Chính phủ đã có Nghị quyết về các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phòng chống HIV nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia y tế- dân số với kinh phí khoảng 64.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ ngày 15/8, nhiều dịch vụ y tế liên quan đến người nhiễm HIV sẽ được quỹ BHYT chi trả theo Thông tư 15/2015/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện KCB BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS. Theo đó, các dịch vụ do BHYT chi trả cho người có HIV khá rộng gồm: thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của Quỹ; phí xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai, sinh con theo yêu cầu chuyên môn nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai có HIV; khám bệnh; xét nghiệm HIV; thuốc ARV và các dịch vụ KCB HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ có HIV.

Tuy nhiên, dù cơ quan BHXH sẵn sàng thanh toán chi phí cho người nhiễm HIV, nhưng làm thế nào để tất cả người nhiễm HIV có thẻ BHYT lại là một vấn đề cần quan tâm bởi dù tỷ lệ bao phủ BHYT cả nước hiện đã đạt 72%, nhưng đa phần người nhiễm HIV lại không có thẻ BHYT.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo cho biết: Từ khi có Luật BHYT, các cơ quan đã thẩm định kế hoạch đảm bảo nguồn tài chính cho người nhiễm HIV/AIDS và hiện đã chi một số dịch vụ cho nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, hiện mới có 30% số người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT. Bên cạnh đó, việc cung ứng thuốc ARV về tận xã, các cơ quan liên quan phải có văn bản chỉ đạo thì cơ quan BHXH sẽ thực hiện thanh toán. “Nếu Quỹ BHYT được cho phép chi trả 100% chi phí điều trị người nhiễm HIV/AIDS thì năm 2016 kinh phí sẽ ở mức khoảng 47 tỉ đồng…”- ông Thảo dự tính.

Tại cuộc họp, nhiều thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, Luật BHYT đã quy định thanh toán 80% chi phí điều trị cho người nhiễm HIV nên cơ quan BHXH rất khó chi trả 100% chi phí cho nhóm đối tượng này (dù có hướng dẫn mới). Do đó, nên chăng Nhà nước cùng thực hiện chi trả phần còn lại và đến khi sửa đổi Luật BHYT lần tới sẽ quy định Quỹ BHYT chi trả 100%.

Còn theo ông Đặng Thuần Phong- Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, để giảm thiểu người mắc HIV/AIDS và đạt mục tiêu đề ra cần phải có nguồn lực kinh tế cũng như công tác tuyên truyền phòng bệnh tích cực. Đồng thời, tất cả người nhiễm HIV đều được cấp thẻ BHYT miễn phí (dù họ không có nơi cư trú) để giảm chi phí từ nguồn NSNN. Đặc biệt, cần có hướng dẫn cụ thể để cơ quan BHXH có cơ sở thanh toán BHYT cho người nhiễm HIV. Nếu Quỹ BHYT không được phép chi trả 100% chi phí điều trị bệnh nhân HIV thì phần còn lại Nhà nước sẽ hỗ trợ. Tuy nhiên, việc đấu thầu thuốc ARV phải được thực hiện trên phạm vi quốc gia, không để các địa phương tự tổ chức như hiện nay.

Nguồn baobaohiemxahoi.vn