Xử lý nợ BHXH, BHYT: Còn lắm gian nan

31/08/2015 04:18 AM


Mặc dù cơ quan BHXH đã sử dụng nhiều giải pháp, nhưng tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT vẫn được xem là “căn bệnh trầm kha”. Vì vậy, để xử lý dứt điểm tình trạng này, bên cạnh việc cơ quan BHXH được trao chức năng thanh tra, hình sự hóa tội trốn đóng BHXH thì cũng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Căn bệnh trầm kha

Nửa đầu năm 2015, tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT diễn ra ở nhiều DN và xảy ra ở tất cả các địa phương dẫn đến số nợ BHXH, BHYT tiếp tục tăng cao. Số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cả nước là 10.837 tỉ đồng, bằng 5,79% số phải thu, tăng 457,9 tỉ đồng (4,4%) so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, số nợ BHXH là 7.897 tỉ đồng (3.593 tỉ đồng nợ dưới 6 tháng, nợ trên 6 tháng là 3.222 tỉ đồng); nợ BH thất nghiệp là 540 tỉ đồng (ngân sách địa phương nợ 114,6 tỉ đồng); nợ BHYT 2.399 tỉ đồng (NSNN nợ 894,3 tỉ đồng). Đáng chú ý, có 22/63 tỉnh, thành tỷ lệ nợ BHXH cao hơn so với tỉ lệ chung toàn Ngành.

Cán bộ BHXH kiểm tra công tác đóng, nộp BHXH tại DN

Nhận định về số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Xuân Dự- Trưởng phòng Thu (BHXH tỉnh) cho biết: Hết quý II/2015 tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp toàn tỉnh là 195,9 tỉ đồng, giảm 57,9 tỉ đồng (22,8%) so với cùng kỳ 2014, bằng 4,39% dự toán được giao (dự toán giao 4.464.639 triệu đồng). Trong đó nợ BHXH 151,3 tỉ đồng (nợ trên 6 tháng 77,8 tỉ đồng). Dù các đơn vị HCSN nợ BHXH đã giảm so với năm 2014 nhưng vẫn còn 81 đơn vị nợ từ 1 tháng trở lên với số tiền 2,8 tỉ đồng; 747 đơn vị sản xuất kinh doanh nợ từ 3 tháng trở lên với trên 121 tỉ đồng (trong đó có 119 đơn vị nợ từ 6 tháng trở lên với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên, bằng 90 tỉ đồng). Một số đơn vị nợ BHXH với số tiền lớn như: Công ty CP xây dựng HANCORP 2 nợ gần 14 tỉ đồng, Công ty CP Licogi 15 nợ gần 9 tỉ đồng, Công ty CP xây dựng số 5 Thanh Hóa nợ trên 7 tỉ đồng… “Vấn đề các DN nợ đọng, thậm chí là trốn đóng BHXH cho NLĐ nhiều năm liền là do ngành BHXH chỉ được giao thu tiền BHXH và phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, chứ không có quyền xử phạt DN. Cùng với đó, theo quy định của pháp luật, mức phạt hiện tại đối với DN là quá thấp, không đủ sức “răn đe” các DN. Trong khi đó các ngành chức năng chưa có sự phối hợp đồng bộ nên nợ đọng BHXH ngày càng trở thành “căn bệnh trầm kha”- ông Dự chia sẻ.

Một thống kê khác tại tỉnh Hòa Bình cho thấy, trong 2.689 đơn vị tham gia BHXH bắt buộc (1.062 DN và 1.627 đơn vị HCSN) có 419 đơn vị nợ đọng BHXH từ 3 tháng trở lên (chiếm 16% số đơn vị) với khoảng 60 tỉ đồng. Trong đó, có 373 DN, hộ kinh doanh nợ BHXH và 46 đơn vị HCSN (156 đơn vị nợ BHXH từ 12 tháng trở lên, 106 đơn vị nợ từ 6- 12 tháng).

Còn tại Bắc Ninh, hiện số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là trên 201 tỉ đồng, tăng hơn 13 tỉ đồng so với tháng trước và chiếm 5,8% so với số phải thu. Trong đó, có 64,6 tỉ đồng tiền nợ BHXH trên 6 tháng. Dù cơ quan BHXH đã tiến hành khởi kiện 24 đơn vị, nhưng đến nay số tiền thu hồi được sau khởi kiện mới đạt trên 120 triệu đồng.

Tăng cường phối hợp

Để xảy ra tình trạng trên, theo ông Phạm Đăng Hồng- Trưởng phòng Thu (BHXH tỉnh Bắc Ninh), là còn do một số cấp ủy, chính quyền ở địa phương chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện; tính tuân thủ pháp luật trong việc tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ở DN vẫn còn chưa cao. Ngoài ra, việc khởi kiện với những đơn vị nợ cũng gặp khó khăn. Đó là khi cơ quan BHXH chuyển hồ sơ của đơn vị sang tòa án thì các đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT chủ động đến gặp để hòa giải và cam kết trả nợ nhưng sau không trả hoặc trả không đủ; một số đơn vị đã đưa ra khởi kiện nhưng thi hành án không được; đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT không chịu hợp tác trong quá trình tiến hành khởi kiện, không có khả năng trả nợ.

Nhận định về tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH hiện nay, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Nợ BHXH, BHYT dẫn đến tình trạng chiếm đóng, nợ đóng có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan là DN Việt Nam vẫn gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là  DN muốn chiếm dụng tiền BHXH để bổ sung vào vốn phát triển sản xuất và không muốn mở rộng đối tượng lao động đóng BHXH nên mới có tình trạng DN chỉ ký HĐLĐ theo chuỗi (dưới 3 tháng) để trốn đóng BHXH cho NLĐ. Tuy nhiên, tồn tại của tình trạng nợ BHXH chính là cơ chế xử lý, chế tài xử lý, pháp luật chưa đủ tính răn đe. Chính vì vậy Quốc hội mới đề xuất đưa tội danh trốn đóng BHXH vào bộ luật hình sự. “Quan trọng nhất đó là cơ quan Nhà nước chưa làm tròn chức năng của mình. Chúng ta không có thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn cho chủ SDLĐ và NLĐ về thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Chính vì vậy, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Các đoàn thể phải can thiệp, lên tiếng bảo vệ quyền lợi khi hội viên của mình không được tham gia BHXH, BHYT”- ông Lợi khẳng định.

Cũng theo ông Lợi, Nhà nước phải có chế tài xử lý nghiêm minh tình trạng nợ đóng BHXH, kể cả hình sự hóa việc đó. Nếu DN không tham gia BHXH có thể bị đình chỉ sản xuất, ngừng hoạt động và thu hồi giấy phép. “Luật BHXH (sửa đổi) đã giao chức năng thanh tra đóng BHXH, BHYT cho cơ quan BHXH. Bởi chỉ có cơ quan BHXH mới biết DN nợ đóng, chậm đóng BHXH như thế nào và sẽ xử lý vấn đề này nhanh nhất. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ BHXH trải rộng từ huyện đến tỉnh nên sẽ thực thi việc này nhanh hơn rất nhiều so với thanh tra lao động”- ông Lợi khẳng định.

Nguồn baobaohiemxahoi.vn