Hoàn thiện danh mục vật tư y tế trong thanh toán BHYT

26/08/2015 03:25 AM


Ngày 26/8/2055, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách BHYT liên quan đến lựa chọn, sử dụng và thanh toán vật tư y tế (VTYT).

Hoi thao 250815.jpg

Hội thảo nhằm thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế về xây dựng danh mục VTYT thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, tồn tại và thách thức hiện nay tại Việt Nam; Tình hình chi trả chi phí VTYT của quỹ BHYT và Dự thảo Thông tư ban hành danh mục VTYT và tỷ lệ, điều kiện thanh toán BHYT.

Đảm bảo quyền lợi của người khám chữa bệnh BHYT

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ BHYT Tống Thị Song Hương cho biết, đây là một trong chuỗi hoạt động để hoàn thiện thông tư ban hành danh mục VTYT thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Danh mục VTYT hiện nay đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh và đảm bảo chuyên môn. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu để đảm bảo việc khám chữa bệnh và quyền lợi của người bệnh khi thụ hưởng chính sách BHYT. Việt Nam đã có 23 năm thực hiện chính sách BHYT với nhiều thay đổi về cơ chế chính sách; Vấn đề đặt ra hiện nay là cần học tập kinh nghiệm của các quốc gia đã đi trước về chính sách y tế.

Theo đại diện Vụ BHYT, Bộ Y tế, hiện nay quỹ BHYT đang chi trả cho VTYT theo hai hình thức: chi trả trực tiếp chiếm 4 – 5% tổng quỹ BHYT; chi trả VTYT bao gồm trong giá của các dịch vụ kỹ thuật (DVKT),  xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, chiếm 30% tổng quỹ BHYT. Từ năm 2003 đến nay, danh mục VTYT đã qua ba lần sửa đổi, bổ sung. Từ giai đoạn 2013 đến nay, thực hiện theo Thông từ 27/2013/TT-BYT gồm 227 loại VTYT. Việc chi cho VTYT đang có xu hướng tăng dần.

Với mục tiêu đảm bảo sử dụng hợp lý, an toàn, hiệu quả để đáp ứng nhu cầu điều trị, đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT trong khi đó phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ BHYT và phù hợp với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; Bộ Y tế đang xin ý kiến về Dự thảo Thông tư ban hành danh mục VTYT thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Danh mục VTYT ban hành kèm thèo Thông tư là cơ sở để quỹ BHYT thanh toán chi phí VTYT sử dụng cho người bệnh có thẻ BHYT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo dự thảo Thông tư, căn cứ danh mục VTYT quy định tại Thông tư , căn cứ vào nhu cầu điều trị, năng lực chuyên môn, trang thiết bị y tế và danh mục dịch vụ kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế, của cơ sở khám chữa bệnh xây dựng danh mục VTYT sử dụng tại đơn vị để mua sắm theo quy định.

Việc lựa chọn VTYT để mua sắm, sử dụng cho người bệnh thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm yêu cầu chuyên môn kỹ thuật và chất lượng dịch vụ; có chi phí giá thành hợp lý. Quỹ BHYT thanh toán chi phí VTYT theoo số lượng thực tế sử dụng cho người bệnh, theo đơn vị tính của từng loại VTYT quy định trong danh mục VTYT và giá mua vào của cơ sở KCB theo quy định của pháp luật về đấu thầu mua sắm VTYT, phù hợp phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Trường hợp các cơ sở y tế ngoài công lập không chọn áp dụng theo quy định của pháp luật về mua sắm VTYT thì quỹ BHYT sẽ thanh toán theo mặt hàng và đơn giá VTYT đã trúng thầu theo của các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh trên cùng một địa bàn. Trường hợp cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh trên cùng một địa bàn không tổ chức đấu thầu loại VTYT đó thì thanh toán theo giá thấp nhất của các tỉnh lân cận đã tổ chức đấu thầu mua sắm VTYT theo đúng quy định. Trường hợp các tỉnh lân cận không tổ chức đấu thầu loại VTYT đó thì thanh toán theo giá thấp nhất trong toàn quốc.

Quỹ BHYT áp dụng thanh toán riêng theo nguyên tắc trên cho cả những VTYT đã được kết cấu và tính vào giá của các dịch vụ kỹ thuật, giá ngày giường điều trị hoặc giá thu trọn gói theo ca bệnh. Trường hợp các loại VTYT được xếp theo chuyên khoa này nếu được sử dụng trong chuyên khoa khác thì vẫn được quỹ bHYT thanh toán. Quỹ BHYT không thanh toán riêng đối với các loại VTYT đã được kết cấu và tính vào giá của dịch vụ kỹ thuật, giá ngày giường điều trị hoặc giá thu trọn gói theo ca bệnh theo quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Quỹ BHYT không thanh toán đối với các loại VTYT có trong danh mục y tế trong các trường hợp: đã được nguồn tài chính khác chi trả; được sử dụng trong các dịch vụ kỹ thuật không thuộc phạm vi quyền lợi BHYT theo quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHYT.

Có nên tái sử sụng VTYT?

Theo Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, thanh toán VTYT đang được BHXH Việt Nam và Bộ Y tế rất quan tâm. Tính phức tạp, nhạy cảm của VTYT, đặc biệt là VTYT thay thế đòi hỏi phải phải có sự nghiên cứu, xem xét kỹ càng để thống nhất trong việc xây dựng chính sách, đảm bảo quyền lợi của người bệnh có BHYT.

Thông tư 27/2013/TT-BYT đã đưa ra nguyên tắc cho phép tái sử dụng đối với một số VTYT. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, có một số khó khăn trong việc xác định, thống nhất số lần tái sử dụng, cũng như thanh toán VTYT tái sử dụng giữa cơ sở khám chữa bệnh với cơ quan BHXH. Hiện nay, một số bệnh viện có thực hiện tái sử dụng đối với một số VTYT.

Trao đổi tại Hội thảo, đa số các đại biểu thống nhất với việc tái sử dụng VTYT để giảm bớt chi phí cho người bệnh. Tuy nhiên, VTYT có nhiều chủng loại, tái sử dụng thì mức giá thì quy định như thế nào, tái sử dụng bao nhiêu lần, căn cứ pháp lý của việc tái sử dụng,… cũng được các đại biểu đưa ra bàn thảo.

Theo đại diện củaViện Tim mạch Việt Nam, việc tái sử dụng những VTYT có thể tái sử dụng để giảm chi phí cho bệnh nhân, giảm lãng phí là điều nên làm. Việc tái sử dụng phải đảm bảo mức an toàn cho người bệnh. Tuy nhiên, việc tái sử dụng là cần thiết nhưng vẫn phải ban hành văn bản pháp lý để đảm bảo pháp lý cho người bệnh.

Đại diện của Sở Y tế Ninh Bình cho biết, chất lượng VTYT hiện nay rất khác nhau và giá cả cũng khác nhau. Nên chăng có mức chung cho vấn đề này bằng cách đưa các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại VTYT. Từ đó, người dân có thể tự lựa chọn VTYT cho  mình và tự kiểm soát được chi phí của mình. Việc tái sử dụng VTYT là rất cần thiết và phải quy định rõ số lần sử dụng lại vào ngay Thông tư.

Còn theo đại diện của bệnh viện Đa khoa Thái Bình, quan điểm coi VTYT là hoàng hóa thông thường gây khó khăn cho các địa phương. VTYT không phải là hàng hóa thông thường vì liên quan đến tính mạng người bệnh. Trong Thông tư càng quy định được rõ thì càng tốt. Đối với VTYT tiêu hao có giá trị lớn, có thể tái sử dụng thì cần quy định trần đối ta để cơ sở KCB không lạm dụng.

Còn theo ông Kieran Murphy, chuyên gia quốc tế về đánh giá công nghệ y tế thì thế giới đã áp dụng tái sử dụng và tái chế VTYT. Việc tái sử dụng phải đảm bảo an toàn cho người bệnh và tiết kiệm chi phí./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn