Công nhân ở các khu công nghiệp: Lương cao chỉ là đồn thổi

24/08/2015 07:43 AM


Đa số mức thu nhập mà các công nhân tại các khu công nghiệp được hưởng khoảng trên 3 triệu đồng; còn mức lương gần 10 triệu/ tháng là nhờ tăng ca lên tới 16 tiếng/ngày.

Hầu hết các doanh nghiệp FDI từ các doanh nghiệp kỹ thuật cao đến các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại các khu công nghiệp này đều chịu tác động của suy thoái kinh tế ở các cấp độ khác nhau. Có những bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đường như chịu ảnh hưởng nhiều hơn. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã đẩy các nhà đầu tư trong các khu công nghiệp này vào tình trạng khó khăn . Các nhà máy phải cắt giảm sản xuất, chỉ có một hoặc hai nhà máy vẫn duy trì được sản xuất. Cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra từ tháng 11/12 năm 2008, do các nhà máy này đều định hướng xuất khẩu, nên sản lượng của các nhà máy ở hai khu công nghiệp Thăng Long và Quang Minh đều bị giảm đáng kể, đặc biệt là các nhà máy sản xuất đồ điện tử, ô tô, và các hợp đồng nhỏ khác. Ví dụ, tình hình sản xuất khó khăn ở khu công nghiệp Thăng Long thể hiện rõ qua việc lượng nước công nghiệp trong khu công nghiệp này đã giảm khoảng 30-40%.

Một trong những đặc điểm dễ nhận thấy của công nhân khu công nghiệp chính là luồng lao động di cư từ những tỉnh thành khác tới, chiếm phần lớn trong đó là các tỉnh phía bắc như Vĩnh Phúc, Sơn La, Nghệ An, Bắc Giang, Ninh Bình, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Hà Tây… Trong số 737.500 công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Hà Nội, 70% là người lao động nhập cư. Xuất phát điểm của họ thường từ những hộ làm ruộng thiếu đất hoặc có thu nhập thấp ở khu vực nông thôn. Phần lớn công nhân lao động nhập cư thuê nhà ở trọ. Một mặt do không phải công ty nào cũng có ký túc xá cho công nhân. Mặt khác, thời gian ca kíp cũng khiến công nhân không cảm thấy thoải mái với nội quy trong ký túc xá. 2 hoặc 3 công nhân chung nhau phòng trọ khoảng 8-10m2.

Theo khảo sát của chúng tôi tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), vì mức lương tối thiểu hiện nay quá thấp nên hầu hết công nhân coi việc làm thêm là cái phao để đảm bảo cuộc sống. Anh Nguyễn Minh, một công nhân có thâm niên tại Công ty TNHH Ogino Việt Nam, có vợ cũng là công nhân tại Công ty Canon Việt Nam, nằm cùng khu công nghiệp. Ngoài khoản lương cố định được trả theo mức lương tối thiểu, nhờ chịu khó làm thêm ngoài giờ nên bình quân mỗi tháng, mỗi người cũng thu nhập được khoảng 5 triệu đồng. Thế nhưng, suốt mấy tháng gần đây, công ty ít việc, công nhân được phân giờ làm thêm rất ít nên thu nhập của công nhân giảm hẳn. Từ khi khủng hoảng lan truyền đến khu công nghiệp, không có đơn hàng khiến công nhân không làm ca kíp, làm thêm, mức lương của họ chỉ dừng lại ở lương cơ bản, dao động khoảng hơn 2 triệu/ tháng. Và trong tình trạng nghỉ chờ việc hưởng 70% lương cho những ngày nghỉ. Mặt khác, với giá cả leo thang, với tiền ăn ở rồi các chi phí sinh hoạt tối thiểu khác, mức lương thấp không thể giúp họ trụ lại được khu công nghiệp.

Một công nhân tại KCN Bắc Thăng Long cho biết: “So với mức lương tối thiểu vùng năm nay (vùng 1 là 3,1 triệu đồng/ người/ tháng) thì hiện Công ty Ogino Việt Nam trả khởi điểm là 3,4 triệu đồng/người/tháng. Những công nhân có thâm niên được tính theo điểm bình xét hàng tháng nên lương cao hơn chút nữa nhưng “kịch trần” cũng chỉ khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Tiền thuê nhà đã hết khoảng 1 triệu đồng/phòng/ tháng, rồi đủ loại tiền khác cho điện, nước, ăn uống, đi lại, gửi con… Nếu lương tối thiểu cứ thấp như hiện nay, rất khó để chúng tôi yên tâm gắn bó lâu dài với công việc”. Kết quả cuộc khảo sát về đời sống công nhân do Viện Công nhân - Công đoàn vừa tiến hành tại 10 tỉnh/thành phố trên cả nước đã chỉ ra rất rõ thực trạng này. Theo đó, mức lương trung bình của công nhân được trả hiện nay là 3,817 triệu đồng/người/tháng. Dù đã cải thiện khoảng 10% so với năm 2014 song mức lương này mới chỉ đáp ứng được 78-83% nhu cầu chi tiêu cơ bản của người lao động như: ăn, mặc, thuê nhà trọ, đóng bảo hiểm xã hội, phương tiện đi lại và một số nhu cầu thiết yếu khác. Khảo sát còn chỉ ra nguyên nhân chính của các tranh chấp lao động và đình công trong các doanh nghiệp là do tiền lương và thu nhập của công nhân quá thấp (chiếm 71,8% số ý kiến của công nhân); 43% cho rằng tiền lương tối thiểu lạc hậu…

Theo NLĐO