Lao động Việt Nam trước thềm AEC: Làm ít khó hưởng nhiều

19/08/2015 08:14 AM


Mặc dù thời điểm gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã cận kề, trong đó có việc mở cửa thị trường lao động, thì sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng; thái độ và tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN của lao động Việt Nam vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Chỉ xét về đào tạo ngoại ngữ ở Việt Nam, kể cả các thành phố lớn, rất ít lao động Việt Nam chịu học ngôn ngữ của các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia... Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam cũng thấp hơn so với nhiều nước khác. Về khả năng sử dụng tiếng Anh, thí sinh Việt Nam có điểm trung bình 5,78 (theo thang điểm từ 0 - 9), thuộc nhóm trung bình thấp; đứng sau Malaysia (6,64), Philippines (6,53), Indonesia (5,97).

Dĩ nhiên, chỉ giỏi tiếng Anh không thôi cũng chưa đủ. Một nhà quan sát chỉ ra rằng, dù khả năng sử dụng tiếng Anh không khác biệt đáng kể, lại cùng được tiếp cận với văn minh Anh – Mỹ nhiều thập kỷ, nhưng theo hãng tin CNN, khoảng 5,5 triệu người Singapore đang tạo ra GDP gần 300 tỷ USD (quy đổi) mỗi năm, trong khi 100 triệu người Philippines chỉ tạo ra khoảng 200 tỷ USD. (với 90 triệu dân, GDP của Việt Nam năm 2014 ước khoảng 187 tỷ USD).

Các kỹ năng lao động cộng với tinh thần, ý thức kỷ luật lao động là những yếu tố khác không thể không tính đến. Tính chung, về chất lượng nguồn nhân lực, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm; xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB. Trong khi đó, Hàn Quốc đạt 6,91; Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan lần lượt đạt 5,76; 5,59 và 4,94...

Những hạn chế của nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Năm 2011, Việt Nam xếp thứ 65/141 nền kinh tế được xếp hạng, nhưng đến năm 2014 đã tụt xuống vị trí thứ 70/148. Số lượng việc làm tạo thêm ở Việt Nam khá cao (ước tính năm 2025 có thể tạo ra thêm 6 triệu việc làm), nhưng chất lượng việc làm thấp. Đến nay, 47% lực lượng lao động Việt Nam vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, với năng suất và thu nhập thấp. Khoảng 3/5 lao động Việt Nam đang làm các công việc ít tính bền vững.

Rất dễ hiểu là với năng suất lao động thấp, thù lao được trả của lao động Việt Nam không thể cao. Nhận xét cho rằng, trong khi người cao tuổi Singapore sau khi nghỉ hưu đã tích lũy được một khoản tiền đáng kể, cộng với lương hưu hậu hĩnh nên ung dung đi du lịch khắp thế giới thì nhiều người cao tuổi ở Philippines vẫn phải vất vả mưu sinh trên những cánh đồng chuối, dứa… xem ra cũng đúng cả với lao động Việt Nam.

Theo VN Economy