“KHỞI SẮC” TỪ LUẬT VIỆC LÀM

05/08/2015 08:59 AM


Luật Việc làm có hiệu lực từ ngày 1.1.2015 đã đưa quy định về chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thành một chương của luật này thay cho việc quy định chế độ này trong Luật Bảo hiểm xã hội. Nhờ sự thay đổi này, việc triển khai và thực thi chế độ BHTN đã có nhiều khởi sắc.

“Khởi sắc” từ Luật Việc làm

Nhiều hỗ trợ cho người lao động

Theo Luật Việc làm, đối tượng tham gia BHTN đã được mở rộng cho người lao động làm việc theo mùa vụ từ đủ 3 tháng trở lên và không phụ thuộc vào quy mô lao động. Cách tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) được thay đổi; bổ sung thêm chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; mở rộng điều kiện người lao động được hỗ trợ học nghề.

Chỉ trong quý I/2015, số người thất nghiệp có quyết định hưởng TCTN là 84.988 người, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2014. Số người được tư vấn - giới thiệu việc làm là 73.274 người, bằng 83,3% số người có quyết định hưởng TCTN hằng tháng. Số người có quyết định hỗ trợ học nghề là 4.959 người, tương đương 5,8% số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 112,6% (2.626 người) so với cùng kỳ năm 2014.

Cũng trong quý I/2015, 64 trung tâm dịch vụ việ lcàm do ngành LĐTBXH quản lý tổ chức được 260 phiên giao dịch việc làm. Nhờ đó, có hơn 410.000 lượt lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm, trong đó có 172.000 lượt người tìm được việc, chiếm 42%. So với cùng kỳ năm 2014, con số này tăng 30.000 lượt.

Những triển vọng

Theo các chuyên gia, năm 2015 nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục phục hồi, đặc biệt là ngành công nghiệp, chế tạo. Trong đó, các ngành có dự báo sản xuất kinh doanh khả quan là: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học; sản xuất thuốc lá; sản xuất trang phục; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu. Theo đó, nhu cầu lao động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng theo xu thế của quý I/2015 với 86,4% doanh nghiệp trong ngành này ổn định và tăng quy mô lao động trong các quý tiếp theo năm 2015. Cụ thể, nhu cầu lao động tăng mạnh nhất ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Quý II/2015 và 6 tháng cuối năm, tương đương 26,5% và 35,3% và doanh nghiệp sẽ giữ ổn định lao động.

Luật Việc làm có hiệu lực cùng với việc đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và có tính đột phá của Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ tạo khung pháp lý để thị trường lao động hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN cuối năm 2015 sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm. Trước mắt, có 8 nghề mà lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm: Kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kĩ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên du lịch. Bên cạnh đó, nhân lực trình độ cao (chuyên gia, thợ lành nghề) thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, có cơ hội di chuyển tự do hơn. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức khi phải cạnh tranh ở chính thị trường Việt Nam với lao động đến từ các nước trong khu vực.

Quý I/2015, cả nước có 52,43 triệu người có việc làm, giảm 1.013 nghìn người so với quý IV.2014 và giảm 99.000 người so với quý I.2014. Quý I.2015, khu vực thành thị có 16,39 triệu người có việc làm, tăng 908.000 người so với quý I.2014. Khu vực nông thôn có 36,04 triệu người có việc làm, giảm 1.007 nghìn người so với quý I.20144. Cơ cấu việc làm chuyển dịch tích cực trong 12 tháng qua, việc làm khu vực thành thị tăng từ 29,5% lên 31,3% tổng việc làm.

Nguồn: Báo Lao động