Nhiều thành tựu quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân

21/07/2015 01:49 AM


Sáng ngày 20/7, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xin ý kiến hoàn thiện Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 46- NQ/TW (ngày 23/2/2005) của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

BYT 210715.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Đạt được nhiều thành tựu quan trọng

Theo đánh giá của Bộ Y tế, trong 10 năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tình trạng sức khỏe nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình năm 2005 năm đầu thực hiện Nghị quyết 46 là 70 tuổi, mục tiêu đến 2010 là 72,0 tuổi, kết quả đạt được năm 2010 là 72,8 tuổi, năm 2014 tăng lên 73,2 tuổi, tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm ngày càng giảm, nhiều bệnh dịch nguy hiểm trước đây đến nay đã được khống chế và đẩy lùi, đã đạt được nhiều mục tiêu Thiên niên kỷ giai đoạn từ 1990 đến 2015 liên quan đến lĩnh vực y tế. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm từ 44,4‰ năm 1990 xuống còn 15,8‰ vào năm 2010 (mục tiêu Nghị quyết là

Trong thời gian qua, hệ thống y tế Việt Nam tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện, phát triển đồng thời y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, y tế công lập và ngoài công lập, trong đó y tế công lập giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo các nhiệm vụ, các lĩnh vực mà tư nhân không hoặc ít có điều kiện tham gia như y tế dự phòng, y tế công cộng, điều trị các bệnh xã hội, hiểm nghèo, phục vụ đại trà mọi đối tượng, bảo đảm ở vùng núi, vùng sâu, vùng khó khăn đều có cơ sở y tế để phục vụ người dân. Mạng lưới y tế công lập hiện nay được triển khai rộng khắp từ thôn/bản, xã/phường, huyện (mạng lưới y tế cơ sở) đến tuyến tỉnh và trung ương. Các cơ sở y tế đã và đang được củng cố, hoàn thiện và phát triển, được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong ít nước có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, rộng khắp, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Chú trọng phát triển BHYT

Nhận thức rõ quan điểm phải phát triển BHYT để bảo đảm công bằng, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ thể chế hóa quan điểm này thông qua việc trình Chính phủ ban hành Điều lệ BHYT năm 2005, trình Quốc hội ban hành Luật BHYT năm 2008, trình Thủ tướng ban hành đang thực hiện có hiệu quả Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH và BHYT giai đoạn 2012-2020. Đặc biệt, đã trình và được Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, được quốc tế đánh giá mang tính hội nhập cao, có những điểm hết sức quan trọng như: bắt buộc tham gia BHYT, tham gia theo hộ gia đình, mở rộng quyền lợi cho người bệnh, người có công, người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, người sống ở vùng KTXH khó khăn, huyện/xã đảo, mở tuyến điều trị theo lộ trình, quy định cụ thể việc sử dụng kết dư quỹ BHYT.

Tỷ lệ người tham gia BHYT tăng nhanh, từ trên 28% năm 2005 mà chủ yếu là người làm công ăn lương, người nghèo được nhà nước hỗ trợ mua thẻ, đến hết năm 2014, số người tham gia BHYT đã đạt 71,6% dân số, tổng số thu BHYT ước đạt hơn 53.000 tỷ đồng, tổng số chi ước đạt hơn 45.500 tỷ đồng. Chính phủ đã quyết định nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ 100% mệnh giá thẻ bảo hiểm cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, hỗ trợ người cận nghèo 70% mệnh giá thẻ, khuyến khích các địa phương sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp để hỗ trợ thêm cho người cận nghèo tham gia BHYT.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, việc đổi mới chính sách tài chính y tế theo tinh thần Nghị quyết 46 đã được thực hiện hiệu quả với các nội dung cụ thể: Tăng tỷ trọng nguồn tài chính công, thực hiện chính sách tự chủ tài chính, chính sách xã hội hóa, chính sách BHYT, đổi mới cơ chế giá dịch vụ, đặc biệt là định hướng chuyển dần ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT, gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

Cụ thể, chi phí KCB từ nguồn tài chính công (NSNN và BHYT) đang tăng dần tỉ trọng trong tỉ lệ chi chăm sóc sức khỏe so với chi từ tiền túi hộ gia đình. Tỉ lệ chi từ tiền túi hộ gia đình cho chăm sóc sức khoẻ của Việt Nam giảm từ 57,31% năm 2006 xuống còn 48,83% năm 2012; phấn đấu giảm xuống còn dưới 45% năm 2015 và dưới 40% vào năm 2020. Nguồn thu từ BHYT cũng đã trở thành nguồn thu chính tại các cơ sở KCB. Thống kê cho thấy, số thu viện phí và BHYT thanh toán giai đoạn 2006-2010 ước khoảng 76.559,2 tỷ đồng, bằng 4,2 lần giai đoạn 2001-2005 (ước 18.231 tỷ đồng) và có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây do mở rộng các dịch vụ cung cấp cho người bệnh, đáp ứng được khoảng gần 60% tổng số chi của các bệnh viện.

Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp

Để phù hợp với tình hình mới và khắc phục những tồn tại, bất cập trong những năm qua, Bộ Y tế đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Nghị quyết 46 trong thời gian tới: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; Tiếp tục đổi mới hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản có chất lượng; Quan tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu, ưu tiên đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tăng cường phòng chống bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao sức khỏe người dân;  Phát triển y học cổ truyền và kết hợp đông tây y; Đổi mới, đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế và tăng cường hợp tác quốc tế; Đẩy mạnh phát triển ngành dược và trang thiết bị y tế; Đổi mới cơ chế tài chính trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; Cải cách chính sách tiền lương, tăng cường trách nhiệm xã hội đối với thầy thuốc, nâng cao y đức, đổi mới phong cách, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế; Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động y tế; Tiếp tục thực hiện quản lý chuyên môn y tế theo ngành tại địa phương; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và công tác truyền thông giáo dục nâng cao sức khỏe…/.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn