Khủng hoảng Hy Lạp đẩy dân nghèo vào cảnh khốn cùng
14/07/2015 08:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hàng chục ngàn người dân Hy Lạp vô gia cư, sống lang thang trên đường phố Athens. Các tổ chức từ thiện lo lắng sẽ không đủ lương thực để cứu trợ.
Tình trạng nghèo đói ở Hy Lạp đã trở nên trầm trọng hơn khi khủng hoảng kinh tế bắt đầu 5 năm trước. Giờ đây, các nhóm cứu trợ và chính quyền địa phương đã bắt đầu cảm nhận được hệ quả của việc ngân hàng đóng cửa, khi Hy Lạp gồng mình cứu vãn hệ thống tài chính và cố thoát khỏi thời kỳ khó khăn đã kéo dài nhiều năm. Maria Karra, người sáng lập ra Tổ chức từ thiện Emfasis, đã không thể tin vào mắt mình. Hằng ngày, cô nhìn thấy vô số người vô gia cư trên đường phố Athens khiến cô liên tưởng về những thành phố nghèo khác trên thế giới: “Tôi đã từng làm điều này ở những nước đang phát triển ở Đông Nam Á và có vẻ như phải làm một việc tương tự ở Hy Lạp. Tập trung huy động, kêu gọi quyên góp thực phẩm như mỳ, gạo, sữa và đậu”.
Karra sáng lập ra tổ chức Emfasis với người bạn học của mình, Tassos Smetopoulos, vào năm 2013. Khủng hoảng kinh tế tại Hy Lạp cách đây 5 năm đã làm số lượng dân nghèo cần được giúp đỡ tại đây tăng lên một cách chóng mặt. Kể từ đó, mọi thứ dần trở nên tồi tệ. Hiện “đất-nước-của-các-vị-thần” đang có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong Liên minh châu Âu. Karra và Smetopoulos cho biết số lượng người vô gia cư và đang sinh sống trên đường phố ở Athens tăng lên 40% chỉ trong vòng 3 tháng. Chính phủ Hy Lạp cũng ước tính có khoảng 20.000 người vô gia cư tại Athens. Trong khi, tổng số dân Hy Lạp là 660.000 người. “Chúng tôi thấy có rất nhiều người trẻ tuổi đang sống lang thang trên các đường phố” - Karra cho hay - "Hầu hết những người nằm trong độ tuổi từ 26 đến 40 đều là những người vô gia cư. Độ tuổi của những người này đáng lẽ ra phải là lao động sản xuất chính, mang lại hiệu quả kinh tế cho đất nước, nhưng, họ lại đang sống vật vờ trên phố”.
Bà G., người phụ nữ nhỏ nhắn trong chiếc đầm hồng tươi sáng. Bà đã mất toàn bộ nhà cửa chỉ sau một năm thất nghiệp. Không thể kiếm được việc mới để chi trả cho tiền thuê nhà, đó là lý do vì sao bà phải sống lang thang trên đường phố. Tương tự với Nicolas, người luôn ngủ trong một quảng trường trung tâm trong suốt một tuần vừa qua. Ông từng là một nhân viên bảo vệ nhưng sau đó thì bị mất việc. Không thể trả tiền thuê nhà, không có họ hàng, gia đình để giúp đỡ, cưu mang, không còn cách nào khác, ông đành phải sống lang thang ngoài đường phố. Smetopoulos đổ lỗi cho gói cứu trợ đầu tiên của Hy Lạp năm 2010 đã khiến tình trạng kinh tế trở nên khủng hoảng, người vô gia cư gia tăng và làn sóng sa thải trên quy mô lớn tại đất nước này. Tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2004 là 10,6% tăng vọt lên 26,5% trong năm 2014.
Không những vậy, khi nền kinh tế sụp đổ, chính phủ Hy Lạp lại liên tiếp cắt giảm các dịch vụ xã hội của đất nước. Các trạm y tế, dịch vụ chăm sóc cộng đồng đóng hoàn toàn. Số lượng nhân viên xã hội bị cắt giảm mạnh.
“Thường chúng ta có thể đưa họ về các trung tâm xã hội để chăm sóc, nhưng bây giờ, việc có thể làm là thể hiện sự quan tâm lẫn nhau” - Smetopoulos nói - "Cuộc khủng hoảng bây giờ cũng chỉ là mới bắt đầu". Hiện tổ chức từ thiện Emfasis của Karra và Smetopoulos đang phân phối thực phẩm xuyên đêm cho các người vô gia cư vòng quanh Athens. Phần ăn gồm một cốc sữa và một bánh sandwich hoặc phần ăn từ thịt gà hoặc bò được tặng bởi các siêu thị và quán cà phê. Karra và Smetopoulos đã phân phối hơn 70 phần ăn chỉ trong hai giờ. Bên cạnh đó, căn bếp từ thiện của linh mục Ignatios Moschos vẫn cung cấp thức ăn cho người dân. Nhưng nhu cầu đang tăng nhanh đến nỗi bây giờ, để nhận được thức ăn, người dân cần xuất trình giấy chứng nhận về tiền lương, tình trạng thất nghiệp hay không có khả năng trả tiền nhà. Moschos lo lắng bởi ông sẽ không còn đủ thức ăn để giúp đỡ người nghèo, nếu nền kinh tế cứ tiếp tục tê liệt: "Khoảng thời gian tới sẽ rất khó khăn và đen tối, sẽ rất khó để nhận đủ thức ăn". Phần lớn người dân Hy Lạp vẫn là nạn nhân của tình trạng thất nghiệp tăng cao, phúc lợi xã hội và trợ cấp bị cắt giảm và tình trạng bất bình đẳng thu nhập.
Dân Athens bới rác kiếm cơm canh thừa
Khi Hy Lạp chuẩn bị bỏ phiếu quyết định ra đi hay ở lại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trên đường phố thủ đô Athens, một số người đã tìm đến các thùng rác kiếm thực phẩm để ăn, cũng như tìm phế liệu để bán. Chất đầy rác trong cái nóng mùa hè, thùng rác R21 nằm trên đường Sofokleous của thủ đô Athens trông không giống một kho báu chút nào. Nhưng đối với đội quân những người bới rác ngày càng tăng tại Hy Lạp, nó lại vô cùng đáng chú ý, khi chứa vô số những thực phẩm thừa từ các cửa hiệu và hàng rau củ gần đó. "Thỉnh thoảng tôi tìm phế liệu để bán và nếu tôi tìm thấy cái gì đó có thể ăn được, tôi sẽ lấy nó" - Nikos Polonos (55 tuổi) cho biết, khi đang lục tung thùng rác R21.
Một lý do khác để R21 trở nên phổ biến, là vì nó nằm không xa nhà bếp của một nhà thờ, nơi những người nghèo và vô gia cư xếp hàng để nhận ba bữa ăn miễn phí một ngày. Tuy nhiên, hiện rất nhiều trong số những người kiếm thức ăn trong thùng rác như thế này từng có việc làm trước khi kinh tế Hy Lạp sa sút và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên tới 25%. Ông Polonos là điển hình của tầng lớp nghèo túng mới. Ông từng là một công nhân xây dựng và thất nghiệp cách đây ba năm khi ngành xây dựng của Hy Lạp chững lại. Và trong bối cảnh hiện tại, ông không thể tìm một công việc để nuôi sống bản thân. Polonos ăn mặc khá chỉn chu với áo sơ mi và quần thô. Ông không muốn bản thân giống những người lang thang: "Tôi không bao giờ tin mình sẽ kết thúc như vậy. Hy Lạp đang trong tình cảnh khó khăn này, không ai cần tới kỹ năng xây dựng của tôi. Nhiều bạn bè của tôi cũng đang làm như tôi và một số người tôi biết còn khổ hơn. Họ dính vào ma túy và không còn hy vọng nào".
Rất khó ước tính số người sống nhờ lục lọi các thùng rác ở Athens, vì nhiều người chỉ hoạt động ban đêm để tránh gặp bạn bè, hàng xóm. Tuy nhiên theo Panos Karamanlikis, một tình nguyện viên tại bếp ăn nhà thờ, con số này đã tăng hai hoặc ba lần kể từ năm 2011. "Nhiều người trong số họ là những người bình thường và tới từ các gia đình bình thường" - Karamanlikis, người thất nghiệp vào năm 2006, cho hay - "Họ sẽ ra ngoài và tìm kiếm một vài hộp thiếc hay vỏ bao thuốc lá trên đường để bán phế liệu". Stephen Graham, một nhà hoạt động chống chương trình thắt lưng buộc bụng tới từ Anh, đã có ba tháng đi khắp Hy Lạp để nghiên cứu về các vấn đề kinh tế của quốc gia này, cho biết không khó gì để bắt gặp hình ảnh những người dân ở ngoại ô Athens bới thùng rác: "Đó là những người vẫn mắc kẹt trong cuộc sống cũ của họ. Họ vẫn phải có quần áo để mặc đi làm và điện thoại thông minh để liên lạc. Họ đi tới những khu dân cư khác, để bới thức ăn và tránh bị người quen bắt gặp". Polonos đã dành 8 tiếng một ngày để lăn lộn trên các con phố và mỗi ngày ông có thể kiếm được 5-10 Euro nhờ tiền bán đồng nát.
Theo Tài chính
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT