Bấp bênh cuộc sống lao động xa nhà

09/07/2015 03:19 AM


Những bức ảnh do chính NLĐ chụp, trưng bày tại triển lãm Thu nhập thấp, điều kiện sống không đảm bảo, đời sống tinh thần nghèo nàn… là những chia sẻ của chính những người lao động (NLĐ) khắp cả nước qua những bức ảnh tại triển lãm ảnh “Lao động xa nhà: Cuộc sống của tôi - Câu chuyện của tôi” do Trung tâm Phát triển cùng hội nhập (CDI) và Trung tâm Nghiên cứu - Tư vấn công tác xã hội và Phát triển cộng đồng tổ chức vừa qua tại TPHCM.

Nhìn lại cuộc đời của chính mình

Đoạt giải nhất của cuộc thi là bức ảnh kể về câu chuyện của hai bà cháu đang nhặt phế liệu. Anh công nhân (CN) Châu Mai Sang (TPHCM) kể lại khoảnh khắc anh chụp bức ảnh: “Hình ảnh đứa cháu nhỏ hơn 5 tuổi giữ xe cho bà gom nhặt giấy bìa trong thùng rác khiến tôi thật sự không kìm được cảm xúc. Bố mẹ đi làm công nhân ở xa, để cháu cho bà chăm sóc. Hằng ngày, cháu nhỏ cứ rong ruổi theo bà mưu sinh khắp các đường phố. May mắn hôm nào kiếm được nhiều chai lọ, giấy báo cũ thì coi như cũng dư ra được vài ba chục phụ giúp phần nào cho việc chăm lo cho đứa cháu nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn của bà”.

Những lao động xa nhà khi đến xem triển lãm ảnh như nhìn thấy cuộc đời của chính mình qua từng góc nhìn của các tác giả, những người có hoàn cảnh giống mình. Chị Ngọc - CN may Tân Phú, TPHCM - xúc động khi xem bức ảnh về những đứa trẻ nằm lăn lóc trên sàn, trong một nhà trẻ tự phát với hai bảo mẫu. Chị tâm sự: “Những nhà trẻ ấy, mọi người vẫn bảo là không đạt chuẩn, rồi hàng ngày báo chí vẫn đăng tin chỗ này, chỗ kia có bảo mẫu đánh trẻ… Nhưng những CN như chúng tôi biết làm sao được, không có hộ khẩu, gửi con ở nhà trẻ công thì không ai đón vì phải tăng ca nên CN vẫn trông chờ vào những nhà trẻ tự phát. Chỉ mong rằng, các cô chăm sóc con mình cẩn thận, không té ngã, u đầu, trầy xước là mừng rồi”.

Nhiều năm tiếp xúc và nghiên cứu về cuộc sống của lao động nhập cư, bà Ngô Thị Minh Hương - Giám đốc CDI - nhận định, so với lao động là dân địa phương thì lao động nhập cư bị thiệt thòi hơn. Chẳng hạn như giá điện, nước. CN và NLĐ nhập cư ở nhiều khu nhà trọ vẫn phải chịu giá điện, giá nước cao gấp đôi, gấp ba so với quy định. “Tôi mong muốn chính quyền địa phương có những giải pháp hỗ trợ cụ thể hơn để người thuê trọ không phải chịu thiệt thòi như thế”, bà Hương nói.

Thiệt thòi nhưng vẫn cười để sống

Anh Đỗ Văn Hùng - CN Cty xây dựng số 7, Đồng Nai - chia sẻ, thu nhập của CN hiện nay quá thấp, lương cơ bản chỉ khoảng 3,1 triệu đồng vừa bằng lương tối thiểu vùng, đóng các khoản BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thì chỉ còn lại hơn 2 triệu đồng. Trong khi đó, tiền nhà trọ, tiền xăng, tiền điện… liên tục tăng giá khiến CN chỉ còn con đường duy nhất là “cày” bằng cách tăng ca mới đảm bảo cuộc sống. Nhưng nếu cả 2 vợ chồng cùng tăng ca thì con cái gửi nhà trẻ đến giờ không có người đón, chính vì thế anh phải thuê thêm người đón con mỗi buổi. Nên thành thử ra tiền tăng ca cũng thành “của thiên trả địa”, thu nhập đã thấp lại còn thấp thêm.

Anh Phan Đức Gia Định - CN Cty QuaTest 3, Đồng Nai - bộc bạch: Áp lực gạo tiền đã khiến NLĐ không còn thời gian nghỉ ngơi, giải trí. CN còn không có nơi để vui chơi. Vào công viên ngồi xuống ghế đá đã bị yêu cầu phải gọi nước uống nên nơi giải trí hiện nay của CN chỉ là những quán càphê, quán nhậu… “Ai chịu được nỗi nhớ con thì gửi về quê, còn không thì để lại TP. Nhưng gửi con, nuôi con, chăm sóc con là cả vấn đề, đơn giản đưa con đi chơi cũng đã khó”, anh Định nói.

Anh Tuấn - bán rau củ dạo trên các tuyến đường TPHCM - nhìn bức ảnh một gia đình CN đang bế con (của tác giả Lê Minh Hải) chia sẻ: “Ở xóm trọ của tôi, ngày nghỉ bố mẹ ở nhà chăm sóc con cái bởi họ đi làm cả tuần, con cái hoặc được gửi về quê, hoặc phải nhờ bà nội, bà ngoại lên trông. Ai cũng mong đến ngày cuối tuần, gia đình quây quần bên nhau. Hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản như thế!”. Theo anh, dù mình có chút thiệt thòi nhưng than vãn cũng không được gì, vậy hãy lạc quan và mỉm cười để sống tốt hơn.

Ông Đặng Quang Điều - Trưởng Ban Chính sách - Kinh tế - Xã hội và Thi đua Khen thưởng Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho rằng, việc làm, thu nhập, chỗ ở và nơi học hành cho con cái là những khó khăn mà lao động nhập cư đối diện, trong đó khó nhất là tiền lương. San sẻ khó khăn ấy, khi tham gia xây dựng chính sách về tiền lương, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất nhiều giải pháp để cải thiện thu nhập cho NLĐ bởi hiện nay, tiền lương vẫn chưa theo kịp mức sống tối thiểu.

Theo TTOL