Lao động Việt Nam: Nhóm 20-24 tuổi thất nghiệp nhiều nhất

07/07/2015 02:04 AM


Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam được Bộ Nội vụ phối hợp công bố ngày 29/6 nêu rõ, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị cao hơn nhiều ở nông thôn, đặc biệt ở Hà Nội và TPHCM tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức cao nhất so với các vùng còn lại.

Vấn đề thất nghiệp và thiếu việc làm trong thanh niên đang trở thành một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay. Đại diện nhóm nghiên cứu, TS Nguyễn Hoàng Lan chỉ rõ, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên từ 16 - 19 tuổi, 20 - 24 tuổi, và 25 - 30 tuổi lần lượt là 5,4%, 6,6% và 2,6%. Trong ba nhóm tuổi trên, nhóm từ 20 - 24 tuổi có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất. Ở khu vực thành thị, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao hơn đáng kể so với ở nông thôn và tỷ lệ nữ thanh niên thất nghiệp cao hơn nam thanh niên. Bà Ritsu Nacken, quyền Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cũng đưa ra cảnh báo, nếu không đầu tư cho giới trẻ ngay từ bây giờ thì sẽ tạo ra một xã hội không có sự tham gia của người trẻ tuổi.

TS Trần Văn Miều, người đã nghiên cứu gần 30 năm về thanh niên cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng thiếu việc làm ở thanh niên hiện nay chủ yếu do khâu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng thấp, dẫn tới năng suất lao động gần như thấp nhất trong khu vực. Nếu không tháo gỡ bài toán này, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực, thậm chí còn tụt hậu hơn cả những nước đang kém mình. “Việt Nam đang trong giai đoạn giữa của “dân số vàng”, nhưng nếu không biết phát huy thế mạnh đó thì sẽ trở thành cản trở, vì dân số càng trẻ mà không được đào tạo sẽ lãng phí nguồn nhân lực rất lớn”, TS Miều phân tích.

“Trong khi hàng nghìn kỹ sư, cử nhân thất nghiệp, không tìm được việc làm thì doanh nghiệp (DN) tìm đỏ mắt không ra thợ lành nghề, dù trả lương tính bằng nghìn USD. Đó là một sự lãng phí khủng khiếp! Các em phải hiểu rằng, một người thợ giỏi, sống tốt với nghề sẽ tốt hơn một anh kỹ sư tồi, xin việc ở đâu cũng khó” - ông Đào Trung Kiên, Giám đốc Cty Minh Việt (Vũng Tàu), chia sẻ. Cty Minh Việt hoạt động trong lĩnh vực cung ứng nhân lực, có lúc Cty có nhu cầu tuyển vài trăm thợ hàn, gia công cơ khí như thợ lắp ống, thợ lắp kết cấu, thợ giàn giáo… nhưng không tuyển được. Ông Kiên giải thích: “Chúng tôi rất khó khăn khi tìm kiếm thợ hàn thông thường chứ chưa nói đến là tìm kiếm thợ hàn chuyên về một loại vật liệu như nhôm, đồng hay là làm việc với quy trình hàn tự động. Sắp tới, chúng tôi cần 3.000 thợ hàn thì không biết tìm đâu. Cái DN cần là các em được đào tạo nghề chuyên sâu, từng ngành nghề cụ thể”. Theo ông Kiên, chỗ vướng hiện nay trong đào tạo nghề cho sinh viên chính là thay vì dạy để các em làm được nghề thì các trường lại dạy nhiều môn học mà cấp quản lý mới cần học!Ông Trần Việt Cường - Giám đốc Cty TNHH DV giao nhận Song Song - cho rằng: “Xã hội, gia đình và học sinh thường không xem trọng việc học nghề. Một trong những suy nghĩ sai lầm đó là học đại học còn thất nghiệp thì học nghề còn lâu mới kiếm được việc; nhưng quên rằng, DN cần một người thợ lành nghề chứ không ai cần một tấm bằng kỹ sư”. Về phía nhà đào tạo, theo ông Trần Văn Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Hàng hải TPHCM - lâu nay công tác dạy nghề và người tốt nghiệp trường nghề chưa được xã hội đánh giá đúng. “Khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, các em tốt nghiệp từ trường đào tạo nghề được gọi là Cử nhân thực hành, sẽ phần nào phá bỏ cái nhìn chưa đúng của xã hội, gia đình, học sinh về trường nghề, người học nghề”.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) Nguyễn Hồng Minh, để nâng cao nhận thức của xã hội về công tác đào tạo nghề, tốt nhất vẫn là phải đảm bảo đầu ra, công việc cho người học: “Mình nói tốt, nhưng học xong ra trường không tìm được việc thì không ai thừa nhận hết”. Để tạo đầu ra cho sinh viên, Tổng cục Dạy nghề đã có những nỗ lực để kết nối nhà trường, học viên học nghề và DN. Đặc biệt, trong công tác hướng nghiệp, tuyển sinh và giải quyết nhu cầu việc làm sau khi tốt nghiệp cho các học viên từ các trường dạy nghề. Hội chợ việc làm là một trong những kế hoạch được thực hiện trong dự án Tăng cường kỹ năng nghề đầu tư vào 15 trường cao đẳng nghề, 15 nghề trọng điểm. Dạy nghề gắn với nhu cầu DN, gắn kết DN với trường nghề là giải pháp quan trọng để tạo đầu ra cho học viên. Theo khảo sát từ dự án Tăng cường kỹ năng nghề do Ngân hàng Châu Á (ADB) tài trợ, trong 223 DN được khảo sát, trên 50% số DN cho biết, sẵn sàng hợp tác với các cơ sở dạy nghề, để đào tạo và tìm kiếm nguồn nhân lực. Đó là tín hiệu tốt” - ông Minh chia sẻ. Cũng theo ông Minh, với điều kiện hiện nay, cơ sở trường nghề còn yếu, trong khi kỹ thuật, máy móc thay đổi liên tục, nếu các em được thực tập ở DN là cơ hội để các em rèn nghề, ra trường làm được việc ngay.

Theo TPO