Thế giới cứ 10 người có 7 người sống ở mức nghèo hoặc thu nhập thấp

15/07/2015 08:59 AM


71% dân số thế giới vẫn sống ở mức nghèo hoặc thu nhập thấp với chỉ 10 USD/ngày.

Theo báo cáo mới nhất của Pew Research Center, một tin tốt đó là tình trạng nghèo đói trên toàn cầu đã giảm một nửa trong vòng 1 thập kỷ qua. Tuy nhiên, tin xấu là 71% dân số thế giới vẫn sống ở mức nghèo hoặc thu nhập thấp với chỉ 10 USD thậm chí thấp hơn/ngày. Nghiên cứu thực hiện dựa trên dữ liệu thu thập được tại 111 quốc gia trên toàn thế giới từ năm 2001 – 2011. Không giống với Mỹ - nơi số lượng tầng lớp trung lưu tăng lên đỉnh điểm trong những năm gần đây, một vài nhà nghiên cứu cho rằng tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng tại những quốc gia đang phát triển đã giúp đẩy lùi nghèo đói và mở rộng tầng lớp trung lưu trên toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế là, tầng lớp trung lưu toàn cầu đã tăng gần gấp đôi trong vòng 1 thập kỷ vừa qua lên mức 13% vào năm 2011 nhưng vẫn chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng dân số toàn thế giới. “Thế giới đã tiến một bước dài trong việc giảm nghèo đói nhưng gần như mới chỉ bước thêm được 1 nấc trên thang kinh tế” - Rakesh Kochhar, Giám đốc Pew, nói.

Ấn Độ là một ví dụ. Quốc gia này cho thấy một sự sụt giảm tỷ lệ nghèo đói đáng kể tới 20% vào năm 2011 từ mức 35% trong 1 thập kỷ trước đó. Tuy nhiên, hầu hết trong số này chuyển sang đối tượng thu nhập thấp trong khi đó tầng lớp trung lưu vẫn rất hiếm. Tại châu Phi, tỷ lệ nghèo đói giảm 39% từ mức 49% nhưng hầu hết đều chuyển sang đối tượng thu nhập thấp. Nghiên cứu của Pew xác định người nghèo là những đối tượng đang sống với ít hơn 2 USD/ngày với gia đình 4 người trong khi đó những hộ gia đình thu nhập thấp sống giữa mức 2 – 10 USD mỗi ngày. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu sống ở mức từ 10 – 20 USD/ngày. Dù đây được xem là chuẩn thấp tại Mỹ nhưng các chuyên gia kinh tế đều đồng tình rằng đây là ngưỡng phân biệt có thể chấp nhận được. Tổng thể, phần lớn dân số trên toàn thế giới sống với khoảng 3 USD/ngày, Kochhar nói.

Trung Quốc là một trong những quốc gia cho thấy xu hướng này đang phát triển mạnh mẽ nhất. Tình hình phát triển kinh tế tại Trung Quốc cũng làm gia tăng tầng lớp trung lưu tại đây, chiếm 18% dân số toàn Trung Quốc trong năm 2011, tăng 3% so với thập kỷ trước đó. Trong khi đó, tỷ lệ dân số nghèo đói của nước này đã giảm 12%, từ mức 41%. Tuy nhiên, 2/3 tổng dân số cả nước vẫn thuộc nhóm đối tượng thu nhập thấp. Một vài nước thuộc khu vực Đông Âu bao gồm Belarus, Romania và một số quốc gia tại Nam Phi như Argentina và Brazil cũng cho thấy tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh. Việt Nam hiện nằm trong nhóm nước có thu nhập trung bình. Riêng tỷ lệ dân số giàu có vẫn xuất hiện tập trung tại châu Âu và Bắc Mỹ, chiếm 87% số lượng người giàu trên toàn thế giới. Họ sống với mức 50 USD hoặc hơn/ngày.

Argentina là quốc gia có tỷ lệ người nghèo thấp nhất Mỹ Latinh

Báo cáo của LHQ và Ngân hàng phát triển liên Mỹ (BID) cho biết Argentina và Uruguay là các quốc gia có tỷ lệ người nghèo thấp nhất Mỹ Latinh. Hai quốc gia này cũng là quốc gia có tỷ lệ bình đẳng xã hội hàng đầu Mỹ Latinh, nhờ các chính sách phân chia lại tài sản hiệu quả của chính phủ. Argentina là nước giảm số người nghèo nhiều nhất trong một thập kỷ qua ở khu vực với khoảng 12 triệu người thoát nghèo sau 10 năm. Tới cuối năm 2013, tỷ lệ người nghèo ở nền kinh tế thứ ba Mỹ Latinh hiện ở mức 4,7% và tỷ lệ người bần cùng vào khoảng 1,4%. Trong giai đoạn 2002-2013, 15 triệu người Argentina gia nhập tầng lớp trung lưu và 1 triệu người gia nhập tầng lớp thượng lưu. Còn tỷ lệ người nghèo ở Uruguay chiếm 11,5% sau Chile (7,8%), tuy nhiên tỷ lệ người bần cùng ở Uruguay lại chỉ ở mức 0,5% so với 2,5% ở Chile. Nếu tính theo tiêu chí sức mua của Ngân hàng thế giới, Argentina vẫn là quốc gia ít người nghèo nhất, với 10,8%, tiếp đến là Uruguay, 7,1% và Chile 7,5%.

Theo Tin tức, VNN