Giảm đói nhưng chưa xóa đói
08/07/2015 07:10 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Mục tiêu giảm số người bị đói, thiếu ăn đã hoàn thành, nhưng con đường xóa bỏ nạn đói còn chông chênh.
Theo bản báo cáo thường niên của Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), số lượng người bị đói trên thế giới đã giảm xuống mức dưới 800 triệu. Liên Hiệp Quốc tính toán rằng, tỷ lệ suy dinh dưỡng đã giảm từ 18,6% dân số thế giới trong 1990 - 1992 còn 10,9% hiện nay. Hơn một nửa các nước đang phát triển (72/129) đã đạt mục tiêu đề ra ở New York vào năm 2000, đó là giảm một nửa số người bị đói, thiếu ăn trong 15 năm. Trước kết quả trên, Liên Hiệp Quốc tỏ ra lạc quan "việc xóa đói đang ở trong tầm tay". Nhưng nhóm các nước G7 đang lo lắng về những thập niên tới.
Dân số thế giới sẽ vượt quá 9 tỷ người vào năm 2050, với phần lớn sự tăng trưởng trong các nước đang phát triển. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, số lượng người có nguy cơ bị đói ("không an toàn thực phẩm") ở vùng cận Sahara châu Phi sẽ tăng lên khoảng 30%. FAO tính toán rằng sản lượng lương thực sẽ cần phải tăng lên 70%. Vấn đề là năng suất cây trồng hiện không tăng. Bên cạnh đó, nhiều xu hướng tiêu cực vẫn tăng, như bệnh cây trồng mới, đô thị hóa, sa mạc hóa, xâm nhập mặn và xói mòn đất... Năng suất nông nghiệp thấp là một trong những vấn đề được quan tâm nhất. Một nghiên cứu của Viện Kỹ sư cơ khí của Anh ước tính 550 tỷ lít nước đang bị lãng phí hằng năm trong sản xuất cây trồng.
Nếu thay đổi kỹ thuật tưới, có thể tăng sản lượng lương thực 60% hoặc nhiều hơn. Hay phốt pho (một nguồn tài nguyên hữu hạn, không giống như nước) cũng bị lãng phí: chỉ có 1/5 hợp chất này được khai thác hiệu quả trong sản xuất lương thực. Ngoài ra, thay đổi giống cây trồng cũng là một giải pháp đáng quan tâm. Chẳng hạn, cây trồng GM (như lúa chịu hạn, ngô chịu nhiệt hoặc lúa mì chịu bệnh bạc lá) có tiềm năng rất lớn. Nhưng công nghệ chỉ là một phần của giải pháp. Các chuỗi thực phẩm còn bị tác động bởi nhiều yếu tố khác và có thể bị gián đoạn bất cứ lúc nào, từ xung đột chính trị, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, đến nỗi sợ hãi của người tiêu dùng. Nestlé phải hủy 27.000 tấn mì ăn liền ở Ấn Độ, trong bối cảnh liên tiếp về ô nhiễm chì. Một báo cáo mới của Công ty bảo hiểm Lloyds, nhấn mạnh sự cần thiết giúp nông dân và các nhà sản xuất thực phẩm đối phó với thời tiết bất lợi và rủi ro tiềm ẩn khác.
Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức vào đầu tháng 6 vừa qua đặt ra mục tiêu giảm nửa tỷ người bị đói vào năm 2030. Sự chú ý hiện nay chuyển sang một hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc tại New York vào tháng 9 tới, các quốc gia sẽ thảo luận không chỉ đơn thuần là giảm đói, mà là xóa hoàn toàn nạn đói. Mục tiêu lớn đầu tiên đã được đáp ứng nhưng mục tiêu tiếp theo sẽ còn khó khăn hơn. Các chuyên gia cảnh báo, muốn duy trì kết quả phải bảo vệ nông thôn, giúp nông dân sản xuất tốt hơn, nâng cao năng suất, tạo điều kiện để họ tiếp cận được thị trường tốt hơn. 80% nông sản tiêu thụ ở các nước đang phát triển là do nông dân cá thể làm ra trong các nông trại nhỏ, nhưng họ đều thiếu điều kiện. Cải thiện điều kiện sinh hoạt của họ tốn đến 3.000 tỷ USD.
Theo DNSG
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT