Hỗ trợ và tạo mọi thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
14/07/2015 09:48 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tính đến ngày 31.5, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2014, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT lên 71,4% dân số. Để đạt mục tiêu đến hết năm 2015, ít nhất 75% dân số tham gia BHYT theo Nghị quyết 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, nhiều chuyên gia cho rằng, cần hỗ trợ và tạo mọi thuận lợi cho người tham gia BHYT.
Gần 50% địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT đạt dưới 70%
Tính đến ngày 31.5, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 71,4% dân số, song theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chính là do việc thực hiện chính sách BHYT còn nhiều bất cập. Cụ thể, một số địa phương chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật; chưa xác định tỷ lệ bao phủ BHYT như là một chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội; chưa giao chỉ tiêu cụ thể, chưa hướng dẫn cụ thể việc kê khai lập danh sách đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình. Tổng giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cũng thừa nhận hiện nay, mạng lưới cung cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân cũng chưa thực sự thuận tiện, thủ tục kê khai vẫn còn một số khâu rườm rà, nhất là xác nhận về nhân thân, quan hệ, hộ khẩu tại địa phương.
Bên cạnh đó, chất lượng khám chữa bệnh BHYT thực tế cũng chưa hấp dẫn người tham gia BHYT, khả năng đáp ứng dịch vụ y tế còn hạn chế, nhất là y tế tuyến cơ sở. Trong khi, giá dịch vụ y tế chưa tính đúng tính đủ (mới tính 3/7 yếu tố) gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và người dân vẫn phải chi tiền túi nhiều mặc dù đã tham gia BHYT. Ngoài ra, phải kể đến việc chưa đạt tỷ lệ tham gia BHYT ở các nhóm đối tượng chính sách xã hội, như: người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số... và nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề; tình trạng các doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHYT vẫn diễn ra khá phổ biến và kéo dài qua nhiều năm. Theo thống kê, cả nước có khoảng 40% doanh nghiệp có biểu hiện nợ đóng, trốn đóng BHYT cho người lao động.
Hệ quả, đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT các địa phương không đồng đều, nhiều tỉnh thành phố có tỷ lệ tham gia thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Tính đến hết tháng 5, có đến 31 địa phương trên cả nước có tỷ lệ bao phủ BHYT đạt dưới 70% dân số, trong đó, có 15 tỉnh, thành phố mới bao phủ được dưới 60% dân số. Đặc biệt, có 8 địa phương, gồm: An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long mới chỉ đạt bao phủ BHYT trên 50% dân số tỉnh.
Tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHYT
Theo Nghị quyết 68/2013/QH13 của QH về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, đến năm 2015, phải có ít nhất 75% dân số tham gia BHYT. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu này, từ nay đến cuối năm, phải có thêm 3,6% dân số tham gia BHYT, tương đương với khoảng 3,2 triệu người. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có cơ chế tăng cường hỗ trợ và tạo mọi thuận lợi cho người tham gia BHYT thì mục tiêu này rất khó đạt được. Bởi vì, thời gian thực hiện mục tiêu chỉ còn khoảng gần 6 tháng là không nhiều. Giải pháp được các chuyên gia đưa ra đó là, trước mắt, đẩy mạnh chỉ đạo, kiểm tra các tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT thấp dưới 60%, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT đối với một số nhóm đối tượng.
Với đối tượng là hộ gia đình, BHXH Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT; không bắt buộc người tham gia BHYT theo hình thức này phải xuất trình các giấy tạm vắng, giấy xác nhận ly hôn hoặc các giấy tờ khác thuộc trách nhiệm quản lý của UBND cấp xã. Đối với nhóm người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, UBND các tỉnh, thành phố cần huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; đẩy nhanh việc xác định và lập danh sách hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2014 - 2015 để có căn cứ bán thẻ BHYT cho các đối tượng này.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn, tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT phù hợp với vùng miền, nhóm đối tượng. Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám chữa bệnh BHYT, quản lý và sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả...
Hiện nay, trên cả nước mới có 21 tỉnh đã dành ngân sách địa phương để hỗ trợ 30% mức đóng còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT, 2 tỉnh hỗ trợ 20%, 1 tỉnh hỗ trợ 25%, 11 tỉnh hỗ trợ từ 5 - 15%.
Theo Báo ĐBND
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT