Chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ

06/07/2015 02:57 AM


Chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ được Bộ Quốc phòng đề xuất rõ tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật dân quân tự vệ về tổ chức, chế độ, chính sách.

 

Dự thảo nêu rõ, dân quân tự vệ trong thời gian làm nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quyết định điều động của cấp có thẩm quyền được hưởng các chế độ, chính sách. Cụ thể, đối với tự vệ được trả nguyên lương, các khoản phụ cấp hiện hưởng và được hưởng thêm 50% lương ngạch bậc tính theo ngày thực tế huy động; được hưởng tiêu chuẩn tiền ăn mỗi người mỗi ngày bằng 0,1 mức lương cơ sở. Đối với dân quân được trợ cấp ngày công lao động, mức trợ cấp bằng hệ số 0,3 mức lương cơ sở; được hưởng tiêu chuẩn tiền ăn mỗi người mỗi ngày bằng 0,1 mức lương cơ sở. Đối với thuyền trưởng, máy trưởng được trợ cấp thêm một khoản phụ cấp trách nhiệm mỗi người mỗi ngày bằng 0,1 mức lương cơ sở. Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ làm nhiệm vụ quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 8 Luật dân quân tự vệ theo quyết định điều động của cấp có thẩm quyền nếu bị thương được xét hưởng chính sách nh­ư thư­ơng binh; nếu bị hy sinh được xét công nhận là liệt sỹ.

Chế độ phụ cấp đối với cán bộ, chỉ huy

Theo dự thảo, mức phụ cấp trách nhiệm quản lý, chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ được tính và chi trả theo tháng, bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số quy định cụ thể như sau: Tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng: 0,1; trung đội trưởng, thôn đội trưởng: 0,12; đại đội phó, chính trị viên phó đại đội, hải đội phó, chính trị viên phó hải đội: 0,15; đại đội trưởng, chính trị viên đại đội, hải đội trưởng, chính trị viên hải đội, trung đội trưởng dân quân cơ động: 0,2; tiểu đoàn phó, chính trị viên phó tiểu đoàn, hải đoàn phó, chính trị viên phó hải đoàn: 0,21; tiểu đoàn trưởng, chính trị viên tiểu đoàn, hải đoàn trưởng, chính trị viên hải đoàn, chỉ huy phó, chính trị viên phó ban chỉ huy quân sự cấp xã, chỉ huy phó, chính trị viên phó ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở: 0,22; chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự cấp xã, chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, chỉ huy phó, chính trị viên phó ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương: 0,24; chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự bộ, ngành trung ương: 0,25. Cán bộ ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên. Phụ cấp thâm niên tính theo năm công tác, mỗi năm bằng 1% lương và phụ cấp hiện hưởng, được chi trả theo tháng. Cán bộ ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác liên tục ở lĩnh vực khác có thâm niên được cộng thời gian để tính phụ cấp thâm niên.

Quản lý công dân thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ

Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật dân quân tự vệ về tổ chức, chế độ, chính sách, Bộ Quốc phòng đã đề xuất quy định về đăng ký, quản lý công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ. Cụ thể, công dân trong độ tuổi quy định tại Điều 9 của Luật dân quân tự vệ đăng ký thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ tại xã, phường, thị trấn (cấp xã) hoặc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trực tiếp quản lý công dân. Trình tự, trách nhiệm đăng ký, quản lý công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ như sau: Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức đăng ký lần đầu và đăng ký bổ sung cho công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ vào tháng 4 hằng năm. Ban chỉ huy quân sự cấp xã, ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, chỉ huy đơn vị tự vệ (nơi không có ban chỉ huy quân sự) giúp Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đăng ký, quản lý, tuyển chọn công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện); Cơ quan quân sự địa phương cấp huyện, tỉnh tổng hợp kết quả đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ báo cáo UBND cùng cấp và cơ quan quân sự cấp trên trực tiếp.

Theo quy định tại Luật dân quân tự vệ, độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình như sau: Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; nếu tình nguyện tham gia dân quân tự vệ thì có thể đến 50 tuổi đối với nam, đến 45 tuổi đối với nữ. Bộ Tư lệnh quân khu tổng hợp kết quả đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ báo cáo Bộ Tổng Tham mưu. Doanh nghiệp có tổ chức Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức tự vệ theo quy định của pháp luật về dân quân tự vệ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khi có đủ các điều kiện sau: 1- Đã hoạt động từ đủ 12 tháng trở lên; 2- Có ít nhất 50 lao động hợp đồng có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên trong độ tuổi, đủ tiêu chuẩn thực hiện nghĩa vụ tham gia tự vệ theo quy định của Luật dân quân tự vệ. Trường hợp doanh nghiệp có dưới 50 lao động được tổ chức tự vệ khi có văn bản đề nghị của người quản lý doanh nghiệp.

Bên cạnh các điều kiện trên, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam không có tổ chức Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức tự vệ theo quy định của pháp luật về dân quân tự vệ, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan còn phải bảo đảm nguyên tắc, điều kiện sau: 1- Tự vệ của doanh nghiệp phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cụm công nghiệp (gọi chung là khu công nghiệp); chịu sự lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, hướng dẫn của đảng ủy quân sự, cơ quan quân sự địa phương có thẩm quyền, ban chỉ huy quân sự khu công nghiệp; sự quản lý của người quản lý doanh nghiệp; 2- Chỉ tổ chức trong thời bình; tổ chức, huấn luyện, hoạt động, bảo đảm thực hiện theo quy chế thống nhất giữa cấp có thẩm quyền thành lập và người quản lý doanh nghiệp; 3- Người quản lý doanh nghiệp có văn bản đề nghị, kế hoạch tổ chức tự vệ.

Doanh nghiệp có dưới 50 lao động hợp đồng có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên trong độ tuổi, đủ tiêu chuẩn thực hiện nghĩa vụ tham gia tự vệ theo quy định của Luật dân quân tự vệ mà chưa tổ chức tự vệ thì phải tổ chức cho người lao động thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân ở địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động. Người quản lý doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp danh sách người lao động trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi doanh nghiệp hoạt động; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã xét tuyển, tổ chức, huấn luyện, hoạt động, bảo đảm cho người lao động thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân ở địa phương theo quy định của pháp luật về dân quân tự vệ.

Theo Chinhphu.vn