Khi toàn dân tham gia BHYT, người dân được hưởng lợi nhiều hơn
01/07/2015 09:45 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chính phủ đã có Nghị quyết và có chỉ tiêu rõ ràng về tỷ lệ bao phủ BHYT cho từng giai đoạn cụ thể, trong đó, phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt tỷ lệ bao phủ 75% dân số, đến năm 2020 phấn đấu đạt tỷ lệ 80% dân số. Lộ trình BHYT toàn dân đã và đang có tác động như thế nào đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân? Cơ quan BHXH Việt Nam đang có các hoạt động gì để thúc đẩy lộ trình này là nội dung trao đổi của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo trong Chương trình Đối thoại cuối tuần ngày 27/6/2015 trên Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp VOV1 với chủ đề “BHYT toàn dân và mục tiêu chăm lo sức khỏe”.
PV: Thực hiện BHYT toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Cho đến thời điểm này, cả nước đã có hơn 70% người dân tham gia BHYT. Thưa Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo, con số này có ý nghĩa thế nào trong lộ trình tiến tới BHYT toàn dân?
Phó TGĐ BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo: Chính sách BHYT ở Việt Nam được thực hiện từ năm 1992. Sau 15 năm, đến năm 2008 chúng ta có 39,7 triệu người tham gia, chiếm tỷ lệ 46,7% dân số. Sau 6 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, năm 2014 số người tham gia BHYT đã lên tới 64,6 triệu người, chiếm tỷ lệ 71,6% dân số.
Điều này khẳng định hướng đi đúng, tiến tới mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân và trước mắt là chặng đường đầu tiên phải đạt được mục tiêu đặt ra là năm 2015, có 75% dân số tham gia BHYT, đến năm 2020, đạt được tỷ lệ trên 80% dân số để giúp cho việc bao phủ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
PV: Thưa Phó Tổng Giám đốc, rất nhiều người dân đã gọi điện tới Chương trình để hỏi: BHYT toàn dân để làm gì? Người dân có quyền lợi gì hơn khi tham gia BHYT hay không?Ông có thể cho thính giả của chương trình rõ hơn về điều này?
Phó TGĐ BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo: BHYT toàn dân là mục tiêu quan trọng, được Đảng, Chính phủ và người dân rất quan tâm. Khi người dân không may bị bệnh thì sẽ được BHYT thanh toán. Chúng ta cũng biết, hiện nay cơ cấu bệnh tật ngày càng phức tạp. Ở Việt Nam hiện nay, có rất nhiều loại bệnh mang đặc trưng của cả các nước đang phát triển cũng như các nước phát triển như: ung thư, các bệnh chuyển hóa, các bệnh mạn tính,… Nước ta có nền y tế phát triển, ứng dụng kỹ thuật mới nhiều nên khả năng cứu sống người bệnh, chữa bệnh tốt hơn,… Nhưng đi kèm theo đó là các chi phí cũng rất lớn. Do vậy, nếu không có BHYT thì người dân sẽ rất lo khi không may bị mắc bệnh. Thực hiện BHYT toàn dân để mở rộng phạm vi bao phủ của BHYT về tỷ lệ dân số tham gia BHYT, về phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng và giảm tỷ lệ chi trả từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế; bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT; góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững.
PV: BHYT ngày càng khẳng định là chính sách nhân đạo để cộng đồng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Dù có nhiều ưu việt, nhưng đến nay tỷ lệ tham gia của một số nhóm còn thấp, nhất là người cận nghèo (mới tham gia 40%, khoảng 2,5 triệu người), tiếp đó là nhóm lao động tự do, nhóm hộ gia đình nông lâm ngư nghiệp có mức sống dưới trung bình;… đều tham gia với tỷ lệ thấp. Thưa Phó Tổng Giám đốc, chúng ta có cách nào để nâng cao mức bao phủ BHYT ở các nhóm đối tượng này?
Phó TGĐ BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo: Những nhóm đối này đều được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tham gia. Cụ thể là người cận nghèo được hỗ trợ 70%; hộ gia đình có mức sống trung bình được hỗ trợ 50%; học sinh, sinh viên được hỗ trợ 30%. Tuy nhiên, hộ cận nghèo hiện có 40% số người tham gia, học sinh sinh viên đạt gần 90%, các hộ gia đình tự do mới đạt 34%.
Để khắc phục được điều này, chúng tôi đã và đang triển khai một số giải pháp: Thứ nhất, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền vận động, giải thích về chính sách với nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Chúng tôi đang tiếp tục cải cách thủ tục hành chính khi đăng ký tham gia BHYT theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; Thứ hai, đề nghị các cấp chính quyền cùng vào cuộc, có các giải pháp hỗ trợ thêm với người dân để bớt đi khó khăn khi tham gia BHYT; Thứ ba, đề nghị Bộ tế cũng chỉ đạo nâng cao chất lượng y tế cơ sở để tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế.
PV: Thưa ông Nguyễn Minh Thảo, ông có ý kiến ra sao về việc điều chỉnh viện phí gắn với BHYT toàn dân? Với lộ trình này, đến khi nào sẽ phải điều chỉnh mức đóng BHYT?
Phó TGĐ BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo: Việc điều chỉnh viện phí, giá dịch vụ y tế và thực hiện BHYT toàn dân gắn bó chặt chẽ với nhau. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm tài chính để nâng cao chất lượng y tế, đảm bảo quyền lợi của người bệnh. Từ đó, chi phí y tế tăng lên, người dân sẽ tích cực tham gia BHYT nhằm giảm gánh nặng về tài chính…
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cần phải được thực hiện có lộ trình. Năm 2013 đã tính 3/7 yếu tố; năm 2015, tính 5/7 yếu tố, đến năm 2018 mới tính đủ 7/7 yếu tố chi phí vào giá dịch vụ y tế.
Lộ trình điều chỉnh giá viện phí gắn với BHYT toàn dân, chúng tôi đang cố gắng cân đối tài chính để không điều chỉnh mức phí BHYT trong năm 2015, 2016. Đến năm 2017 chúng tôi sẽ xem xét mệnh giá của BHYT, nếu cần thiết sẽ điều chỉnh cho phù hợp.
PV: Thưa Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Thảo, về lâu dài, khi người dân tham gia BHYT thì lợi ích của BHYT thể hiện ở điểm gì?
Phó TGĐ BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo: Các lợi ích chung của BHYT, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân chúng ta đã trao đổi trong phần đầu của chương trình. Về lâu dài chúng ta tham gia BHYT có rất nhiều lợi ích.
Khi tham gia BHYT liên tục từ 5 năm trở lên, ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng theo đúng quy định, người tham gia BHYT không phải cùng chi trả trong năm khi chi phí đồng chi trả của các lần KCB đúng quy định trong năm vượt quá 6 tháng lương cơ sở (hiện nay là 6,9 triệu đồng). Quy định này đã giảm gánh nặng cho người bệnh và khuyến khích người dân tham gia BHYT liên tục.
Bên cạnh đó, việc tham gia BHYT liên tục từ khi còn trẻ, ít ốm đau sẽ góp phần tạo nguồn tài chính bền vững để chăm sóc sức khỏe khi về già.
PV: Thưa ông, để tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2020, chúng ta cần vượt qua những trở ngại gì?
Phó TGĐ BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo: Hiện nay, số người tham gia BHYT đã trên 70%. Tuy nhiên, chủ yếu tập trung vào các đối tượng người lao động trong các cơ quan nhà nước; đối tượng được quỹ BHXH đóng và ngân sách nhà nước đóng. Các đối tượng người lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần và đối tượng tự đóng chiếm tỷ lệ thấp.
Vì vậy, để bao phủ BHYT đối với 30% dân số còn lại là thách thức đối với các cấp, các ngành và cơ quan BHXH. Chúng ta cần phải tăng cường nhận thức chung của người dân về lợi ích của BHYT toàn dân, đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chính sách BHYT đầy nhân văn này./.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT