Đa số lao động di cư tự do không biết đến chính sách BHXH, BHYT

30/06/2015 08:10 AM


Ở Việt Nam, lao động di cư chiếm 7,7% dân số, cứ 03 hộ gia đình thì có 02 người đi di cư, số tiền họ gửi về chiếm 20% tổng thu nhập gia đình. Tuy nhiên, đa số người di cư tự do hiện nay không tiếp cận được với các chính sách an sinh xã hội về y tế, BHXH do thu nhập thấp, không ổn định, thậm chí nhiều NLĐ không hề biết đến các quy định về Bộ Luật Lao động, BHXH, BHYT.

NLD 300615.jpg
(Ảnh minh họa)

Đây là nhận được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ thông tin về an sinh xã hội với lao động di cư khu vực phi chính thức do Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) tổ chức ngày 29/6, tại Hà Nội.

Theo khảo sát của Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng thực hiện tại phường Chương Dương và Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ tháng 11/2014 đến tháng 2/2015 thì có tới 91% NLĐ di cư tự do chưa từng biết đến các quy định Bộ luật Lao động 2012, 91,45% chưa từng biết đến Luật BHXH và 93,3% chưa từng biết đến Luật BHYT.

Khảo sát được tiến hành tại địa bàn cư trú của nhiều lao động di cư bán hàng rong và đồng nát cho thấy NLĐ di cư có nhu cầu lớn về các chính sách an sinh xã hội. 69% NLĐ cho rằng tư vấn và đăng ký tạm trú là cần thiết nhất đối với họ, tiếp đến lần lượt là dịch vụ và khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản (55,2%), tư vấn và mua BHYT (48,1%), dịch vụ tư vấn pháp luật, chính sách (40,5%), thấp nhất là dịch vụ tư vấn, mua BHXH tự nguyện (25,5%).

Trong tất cả các nhu cầu được khảo sát, các chính sách về Luật BHXH là nội dung ít NLĐ được tiếp cận thông tin, chỉ 8,6% biết đến BHXH và 2,9% đã được tư vấn mua BHXH. Luật BHYT cũng chỉ có 16,4% NLĐ di cư biết đến và 11,9% đã được tư vấn mua BHYT.

Theo bác sỹ Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng, thực tế, tỷ lệ NLĐ di cư có thẻ BHYT được khảo sát cũng rất thấp: chỉ 13,1% có thẻ BHYT dành cho hộ nghèo, 1,9% có thẻ BHYT dành cho gia đình chính sách, 17% lao động di cư có thẻ BHYT tự nguyện. Như vậy, NLĐ sẽ phải đối mặt với những nguy cơ ảnh hưởng tới tài chính và sức khỏe, khả năng lao động khi gặp tai nạn, rủi ro.

Trong thời gian tới, bác sỹ Nguyễn Thu Giang cho rằng đối với các chính sách hỗ trợ NLĐ tham gia BHXH, BHYT đang được xây dựng và hoàn thiện cần đảm bảo phù hợp với điều kiện của lao động di cư tự do để không bỏ sót nhóm đối tượng này trong các chính sách hỗ trợ./.

Tại các nước châu Á, lao động phi chính thức chiếm đến 40% tổng số lao động, thu nhập từ khu vực phi chính thức chiếm 30-60% tổng thu nhập quốc gia.

Ở Việt Nam có 37 triệu người làm việc ở khu vực phi chính thức (chiếm 71% lực lượng lao động) bao gồm nông nghiệp, lao động thời vụ, cơ sở sản xuất nhỏ, người giúp việc, bán hàng rong...

Theo vietnamplus.vn