Giữ chân lao động thời hội nhập

15/06/2015 04:14 AM


Việc chuẩn bị được một nguồn nhân lực có đủ trình độ để hội nhập là điều các DN không thể chậm trễ hơn nữa trong bối cảnh hiện nay.

Lo thiếu nhân lực

Nhìn vào thực tế có thể thấy, từ trước đến nay, những vấn đề gây khó cho các DN ngành dệt may thường không đến từ thị trường, từ khách hàng hay đối tác mà thường đến từ lực lượng lao động. Hầu hết các DN không lo thiếu đơn hàng mà luôn thiếu nhân lực để thực hiện các đơn hàng đó. Và nỗi lo này đang lớn hơn bao giờ hết khi hiện nay hàng loạt DN ngoại đang không ngừng đầu tư vào VN và ra sức lôi kéo những lao động có tay nghề. Điều này đã khiến các DN đứng trước những thách thức rất lớn cũng như phải áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để “giữ chân” người lao động của mình.

Tại TCty Phong Phú ngoài thực hiện lương, thưởng theo đúng quy định, đơn vị này còn thường xuyên tổ chức các phong trào thể thao, văn hóa văn nghệ để nâng cao đời sống đời sống văn hóa tinh thần của người lao động. Ngoài ra Cty còn thực hiện giấc mơ an cư cho công nhân bằng việc xây dựng khu chung cư 11 tầng, gồm 194 căn với ba loại diện tích để công nhân dễ chọn lựa và bán cho họ với giá ưu đãi. Còn tại TCty May 10 bên cạnh việc quan tâm chăm lo hơn tới đời sống của người lao động, để họ có thể an tâm gắn bó với công việc thì đơn vị này cũng có những giải pháp khác để chủ động hơn trong vấn đề sử dụng lao động. Mới đây, TCty May 10 đã áp dụng công nghệ đào tạo chỉ từ 1-3 tháng đã có thể chuyển một người may được với khối lượng công việc như một công nhân, tương đối đảm bảo được năng suất lao động và trình độ tay nghề. Như vậy, với May 10 nếu có biến động lao động giảm thì cũng ảnh hưởng không nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ứng phó với nguy cơ mất nhân sự

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng làm được điều này mà hiện có nhiều DN vẫn đang loay hoay tìm lối thoát trong việc giữ chân những lao động của mình như tại một DN dệt may với quy mô 300 công nhân trong chương trình CKTC – CEO với chủ đề: “Nhân sự thời hội nhập – Nguy cơ mất người hàng loạt” phát sóng vào 10h Chủ nhật, ngày 07/06/2015 vừa rồi. Trước đây với những chế độ lương, thưởng, chính sách đãi ngộ của mình, DN này luôn tạo ra sự ổn định về mặt nhân sự. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, khi có sự xuất hiện của ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh thì những chính sách đó không còn phát huy tác dụng. Hàng loạt lao động của DN đã nghỉ việc để chuyển sang Cty đối thủ và giờ đây gần 100 công nhân tay nghề bậc trung cũng làm đơn đồng loạt đòi tăng lương, nếu không họ sẽ chuyển sang Cty khác.

Để giải quyết tình trạng này, CEO và hai đại diện người lao động đã ngồi lại với nhau để cùng bàn giải pháp nhưng không đi đến kết quả cuối cùng. Chính vì vậy chương trình đã mời tới trường quay hai vị chuyên gia giàu kinh nghiệm là TS Lê Thẩm Dương – Trưởng khoa Tài chính – Trường ĐH Ngân hàng TP HCM và bà Phạm Thị Hồng Yến – Giám đốc Nhân sự Cty TNHH DATALOGIC để tư vấn cho CEO. Theo Bà Hồng Yến: “Trong tình huống này trước mắt bắt buộc CEO phải bỏ ra 1 khoản chi phí để người lao động có thể tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên ở đây không phải tăng lương cơ bản mà là tăng thu nhập cho họ. Ngoài ra phải làm cho người lao động hiểu rằng nếu muốn có thu nhập cao họ phải chấp nhận tăng năng suất lao động. Đây cũng chính là giải pháp dung hòa giữa người lao động và Cty”.

Còn theo TS Lê Thẩm Dương, thì “sự cố DN gặp phải rất nghiêm trọng nên CEO cần lập ngay một hoạt động đối thoại. Tuy nhiên khi đối thoại CEO phải thể hiện sự chân thành của mình, lắng nghe người lao động và hứa sẽ giải quyết. TS Doanh lưu ý CEO “khi giải quyết với đại diện của người lao động thì phải thống nhất được với họ bốn vấn đề: Tuyệt đối tuân thủ luật pháp, đưa ra tiêu chí tăng lương trên nền đối thoại, không thể tăng cho cả 100 hoặc 300 người cùng lúc và thống nhất một mức tăng lương cụ thể. Về lâu dài, CEO phải có những quy định, ràng buộc về mặt luật pháp với người lao động. Ngoài ra nên xây dựng cho mình một căn cứ trả lương rõ ràng thông qua bảng mô tả công việc và có những chiêu để cạnh tranh nhân sự.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp