Coi thường bệnh viện vệ tinh, bệnh nhân tự làm khổ mình?
15/06/2015 04:03 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Dù đã có nhiều bệnh viện, phòng khám vệ tinh của mình nhưng các bệnh viện vẫn luôn trong tình trạng quá tải Kỳ vọng của ngành y tế về bệnh viện vệ tinh, phòng khám vệ tinh sẽ là nơi “ rước bệnh" cho những bệnh viện vốn đang quá tải. Nhưng, dở khóc dở cười là, những bệnh viện vệ tinh, phòng khám vệ tinh lại bị bệnh nhân cho rằng, “hàng giả”, không muốn đến. Câu hỏi đặt ra lúc này, liệu chúng ta có lãng phí, khi thành lập những bệnh viện, phòng khám vệ tinh?
Những bệnh viện đang được xem là quá tải hiện nay ở TP.HCM như Nhi đồng 1, Ung Bướu, Chấn thương Chỉnh hình, Nhi đồng 2… đều có bệnh viện vệ tinh, phòng khám vệ tinh tại các bệnh viện tuyến dưới. Hiện Bệnh viện Nhi Đồng 1 triển khai 150 giường nhi tại Bệnh viện quận Bình Tân, 70 giường tại Bệnh viện quận Tân Phú và triển khai phòng khám vệ tinh tại Bệnh viện huyện Củ Chi, Bệnh viện quận 6; Bệnh viện Nhi Đồng 2 triển khai 50 giường nhi tại Bệnh viện quận 2 và phòng khám vệ tinh tại Bệnh quận 9, Bệnh viện huyện Cần Giờ; Bệnh viện Ung bướu triển khai 150 giường tại Bệnh quận 2 và phòng khám vệ tinh tại Bệnh viện quận Bình Thạnh; Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình triển khai 150 giường bệnh, đặt 2 bàn khám tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn và đặt 100 giường tại Bệnh viện An Bình…
Tất cả những việc làm trên với mục đích giảm lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại những bệnh viện nói trên. Tuy nhiên, bây giờ nhiều bệnh viện đã phải giật mình khi biết rằng, các bệnh nhân cứ nghĩ nơi đây là “ hàng giả” nên từ chối đến khám, điều trị tại phòng khám, bệnh viện vệ tinh của chính mình. Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM đặt tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn từ đầu tháng 10.2014 với hy vọng sẽ giải quyết được tình quá tải, do khuôn viên chật hẹp, số lượng giường bệnh còn hạn chế, nhưng bệnh nhân có nhu cầu khám, điều trị quá đông. Thế nhưng từ ngày khai trương bệnh viện vệ tinh tại đây, với 150 giường bệnh, 2 bàn khám, nhưng mỗi ngày chỉ khám được 20, 30 bệnh nhân; không có một bệnh nhân nào chịu nằm điều trị tại đây. Như vậy đến giờ 150 giường bệnh tại đây vẫn nằm trơ trọi, mòn mỏi chờ đón bệnh nhân. Riêng 100 giường bệnh đặt tại Bệnh viện An Bình của bệnh viện này chỉ để đưa những bệnh nhân sau khi điều trị ổn định tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình về đây để nghỉ dưỡng, không ảnh hưởng gì đến việc giúp bệnh viện này giảm tải.
Bác sĩ Phan Quang Trí, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM cho biết, bệnh viện cũng đã giải thích với bệnh nhân đến đây khám rất rõ, đây là nơi vệ tinh của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, bác sĩ khám và điều trị đều là bác sĩ của bệnh viện, chứ không phải bệnh viện nào khác. Bệnh nhân khám và điều trị tại đây cũng giống như khám và điều trị tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình; nhưng bệnh nhân vẫn cứ nghĩ đây là “hàng giả”, vẫn muốn đến “hàng thật” (Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP) để khám và điều trị. “Có những bệnh nhân đến đây khám, chúng tôi chỉ định phải ở lại để mổ, nhưng bệnh nhân vẫn cứ khăng khăng đi về để đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình để mổ. Mặc dù chúng tôi đã giải thích rất nhiều lần, các bác sĩ mổ là bác sĩ của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình; nhưng bệnh nhân vẫn cứ từ chối. Thực tế hiện nay để thuyết phục bệnh nhân về điều này là rất khó, cần phải có thời gian lâu dài, “mưa dầm thấm lâu” mới hy vọng bệnh nhân chịu đến khám, điều trị tại những phòng khám, bệnh viện vệ tinh” - bác sĩ Trí chia sẻ. Mặc dù Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình đang trong tình trạng quá tải, bệnh nhân vẫn ùn kéo đến, chấp nhận chờ; còn phòng khám, bệnh viện vệ tinh của bệnh viện này luôn vắng hoe người đến khám và điều trị.
Trong khi đó, dù đã thực hiện nhiều phòng khám, bệnh viện vệ tinh nhưng đến nay Bệnh viện Nhi đồng 1 vẫn không giảm được tình trạng quá tải. TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Các biện pháp giảm tải mà bệnh viện thực như: kê thêm giường bệnh, lập các phòng khám vệ tinh, bệnh viện vệ tinh nhưng vẫn không ăn thua gì. Giờ đây, chúng tôi chỉ biết cố gắng thực hiện nhanh gọn các quy trình khám, chữa bệnh để rút ngắn thời gian khám bệnh, giảm tải cho bệnh viện”. Đây chính là một trong những nguyên nhân lý giải tại sao, rất nhiều bệnh viện thành lập phòng khám, bệnh viện vệ tinh của mình nhưng vẫn không hề giảm tải, thậm chí quá tải còn tăng lên. Bác sĩ Phan Quang Trí cho rằng, trước tình hình dân số cơ học tăng cao ở TP.HCM khiến cho việc dự đoán cũng như các biện pháp phòng, chống quá tải hiện nay không hiệu quả. Để giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện hiện nay, theo bác sĩ Trí, phải thực hiện một cách đồng bộ, dự đoán được tốc độ gia tăng dân số, nhu cầu khám bệnh của người dân. Đối với các bệnh viện ở TP.HCM, thì ngoài người dân TP, còn có cả người dân của các tỉnh, thành phía Nam. Do đó, phải dự đoán được nhu cầu khám, chữa bệnh ở cả TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Theo 24h.com.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT