CHÚ TRỌNG CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI ĐỐI VỚI NGƯỜI DI CƯ
09/06/2015 02:48 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Có tới 91% người lao động di cư (bán hàng rong) chưa từng biết đến các quy định Bộ luật Lao động 2012; 91,45% chưa từng biết đến Luật BHXH và 93,3% chưa từng biết đến Luật BHYT.
Đó là thông tin do Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) và Trung tâm Giới, gia đình và phát triển cộng đồng vừa công bố khảo sát về mức độ tiếp cận an sinh xã hội của nhóm lao động di cư bán hàng rong và đồng nát, vào ngày 3/6, tại Hà Nội.
Khảo sát được tiến hành tại phường Chương Dương và Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) - địa bàn cư trú của nhiều lao động di cư bán hàng rong và đồng nát dựa trên phỏng vấn bằng bảng hỏi với 210 người lao động.
Ít tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội
Kết quả khảo sát cho thấy người lao động di cư có nhu cầu được tiếp cận với ASXH. Có 69% cho rằng Tư vấn và đăng ký tạm trú là cần thiết nhất đối với họ; tiếp theo là dịch vụ và khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe (SKSS) (55,2%), Tư vấn và mua BHYT tự nguyện (48,1%), và Dịch vụ Tư vấn pháp luật, chính sách (40,5%), thấp nhất là dịch vụ tư vấn, mua BHXH (25,5%). Tuy nhiên, có tới 91% cho biết họ chưa từng biết đến các quy định Bộ luật Lao động 2012; 91,45% chưa từng biết đến Luật BHXH và 93,3% chưa từng biết đến Luật BHYT. Trong khi đó đây đều là những quy định pháp luật cơ bản nhất liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ lao động và ASXH trợ giúp người lao động.
Dịch vụ được sử dụng nhiều nhất trong số các dịch vụ xã hội hiện có là đăng ký tạm trú, với 72,9% số người trả lời lựa chọn; 22,4% lao động di cư đã từng đi khám, chữa bệnh, 11,9% đã từng được tư vấn mua BHYT tự nguyện. 2 loại hình dịch vụ dường như còn xa lạ, liên quan tới công việc của người lao động di cư là tư vấn và mua BHXH (2,9%) và tư vấn pháp luật (9%) được rất ít người trả lời là đã từng sử dụng.
Theo kết quả khảo sát số lượng lao động di cư có thẻ BHYT tỷ lệ rất thấp. 13.1% người trả lời có thẻ BHYT dành cho hộ nghèo, 1.9% có thẻ BHYT dành cho gia đình chính sách, 17% lao động di cư có thẻ BHYT tự nguyện. Đối với người lao động di cư thì BHYT có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều này cho thấy, tỷ lệ người lao động di cư chưa có thẻ BHYT cao cho thấy họ sẽ phải đối mặt với những nguy cơ ảnh hưởng tới tài chính và sức khỏe, khả năng lao động khi gặp tai nạn, rủi ro.
Nguồn cung cấp thông tin gần gũi nhất đối với người lao động di cư là chủ nhà trọ với 40,4% người trả lời lựa chọn; 22.4% người trả lời lựa chọn tổ dân phố (cán bộ tổ dân phố); 11.5% là cán bộ ủy ban nhân dân phường, có tỷ lệ lựa chọn thấp hơn là các đại diện khác như cán bộ hội phụ nữ, hội nông dân, lao động – thương binh và xã hội, công an phường.
Cần lưới đỡ an sinh
So với các loại hình lao động khác, lao động di cư là nhóm có nguy cơ tổn thương cao; đặc biệt đối với lao động di cư bán hàng rong và đồng nát thì những khó khăn vất vả thường gặp nhiều hơn nữa. Do vậy, các dịch vụ an sinh xã hội (ASXH) vô cùng cần thiết và là nhu cầu chính đáng của lao động di cư – bán hàng rong.
Theo bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới gia đình và phát triển cộng đồng, cùng với việc thiếu thông tin thì vấn đề kinh tế cũng là một trong những trở ngại đối với lao động di cư khi tiếp cận chính sách BHYT. Đa số lao động di cư bán hàng rong và đồng nát làm việc trên 10 giờ mỗi ngày chiếm tỷ lệ cao nhất 44,8%, số người làm việc từ 8 giờ đến 10 giờ là 33,8%. Như vậy, thời gian lao động của lao động di cư bán hàng rong và đồng nát nhiều hơn rất nhiều so với thời gian lao động trung bình mỗi ngày theo Luật Lao động là 8 giờ/ngày. Chính vì vậy việc bỏ ra một khoản chi phí để mua BHYT với lao động di cư là vô cùng khó khăn - bà Ngọc Anh dẫn chứng.
Bị đau, ốm là điều mà bộ phận lao động này lo lắng. Nếu ốm, đau không những bản thân người lao động bị mất đi thu nhập, mà còn bỏ ra khoản tiền không hề nhỏ so với thu nhập để chi trả dịch vụ khám, chữa bệnh. Tuy nhiên do hạn chế về nhận thức trong chăm sóc sức khỏe cùng với điều kiện kinh tế khó khăn nhiều lao động di cư bán hàng rong và đồng nát còn không có khả năng khám, chữa bệnh ngay cả khi biết mình mắc bệnh. Mặc dù bản thân họ có nhu cầu được mua BHYT nhưng với thu nhập của họ, họ vẫn không xem BHYT là yếu tố đáng được ưu tiên.
Mục tiêu của chính sách ASXH của Việt Nam đến năm 2020 là tăng nhanh tỷ lệ dân số có BHYT để tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân. Hết năm 2015, phấn đấu có khoảng 75% người tham gia BHYT. Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, bà Ngô Thị Ngọc Anh cho rằng, cần phải có những chính sách "mở” để hỗ trợ cho những đối tượng này. Trong đó phải có những cuộc khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu trên diện rộng để tìm ra những rào cản của lao động di cư để từ đó có những chính sách hỗ trợ kịp thời để lao động di cư tiếp cận được với chính sách BHYT cũng như an sinh xã hội.
Nguồn: Trang tin Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT