Triển khai thực hiện Luật BHYT: Kết quả bước đầu
14/05/2015 08:39 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng ngày 12/5, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí để thông báo kết quả sau 4 tháng triển khai thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật BHYT).
Đồng tâm hiệp lực
Tại buổi gặp mặt báo chí, Phó vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm cho biết, sau 4 tháng triển khai thực hiện, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT đã đi vào cuộc sống; đồng thời đã huy động được cả hệ thống chính trị tham gia triển khai thi hành Luật và đạt được một số kết quả ban đầu.
Để đảm bảo triển khai kịp thời, thống nhất trong phạm vi toàn quốc, ngày 01/01/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 01/CĐ-TTg về triển khai thi hành Luật và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 02/4/2015 về tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Ngay sau khi Luật BHYT có hiệu lực, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật kịp thời, đồng bộ và có hiệu lực cùng thời điểm với Luật BHYT.
Hầu hết các địa phương đều có kế hoạch, chỉ đạo được ban hành bởi Tỉnh ủy, UBND tỉnh với mục tiêu, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, kế hoạch thực hiện và kiểm tra, giám sát. Một số tỉnh, thành phố đã đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và có các giải pháp để huy động các nguồn lực thực hiện chỉ tiêu này.
BHYT là một trong các chính sách quan trọng về an sinh xã hội nên cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và mỗi công dân. Vì vậy, sự quan tâm, chỉ đạo và xây dựng giải pháp cụ thể của các cấp ủy đảng, UBND cấp tỉnh, huyện, xã, các ngành liên quan là rất cần thiết, là yếu tố quyết định đến việc mở rộng bao phủ BHYT tại mỗi địa phương.
Nỗ lực đảm bảo quyền lợi người tham gia
Thời gian qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh chủ động tập huấn, phổ biến các quy định mới của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ y, bác sỹ và người lao động; giải thích và phổ biến các quy định này tới người bệnh và người nhà bệnh nhân. Đồng thời tiến hành hàng loạt các biện pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh. Đổi mới về mặt quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm; đổi mới về quản lý, đổi mới về cách làm và đổi mới về phương pháp kiểm tra, đánh giá các cơ sở khám chữa bệnh hàng năm.
Cụ thể, Bộ Y tế đã ban hành thí điểm Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện; Triển khai thực hiện Chương trình 517 về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh; Ban hành quy trình khám bệnh tại Khoa Khám bệnh của các bệnh viện; Rà soát các thủ tục KCB BHYT, bố trí hệ thống đăng ký và nơi khám bệnh một cách khoa học, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị; Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bệnh viện, quản lý BHYT; Công khai, minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh được chi trả hay được quỹ BHYT thanh toán;…
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng ban hành Chỉ thị số 06/CT-BYT về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống hành vi gian lận, trục lợi Quỹ BHYT tại các cơ sở KCB. Tiếp nhận 9.907 cuộc gọi đường dây nóng được tiếp nhận và xử lý với kết quả: nhắc nhở 6.807, kỷ luật 139, cắt thi đua 116 cán bộ, nhân viên y tế. Đẩy mạnh các giải pháp trong giảm tải bệnh viện,…Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện Luật tại 20 tỉnh, thành phố. Trong 4 tháng đầu năm, 7 đoàn liên ngành đã kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố (Phú Yên, TP Hà Nội, Quảng Nam, Thái Nguyên, Bến Tre, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Hải Phòng và Hòa Bình). Kết quả cho thấy: Có 8/10 tỉnh thành phố đã bố trí ngân sách hỗ trợ mức đóng BHYT cho người cận nghèo; 7/10 tỉnh đã đưa tỷ lệ bao phủ BHYT là chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, thành phố; 9/10 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật BHYT ... Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức lễ phát động “Chung tay vì sức khỏe phụ nữ Việt Nam" huy động ủng hộ tiền mua thẻ BHYT cho người cận nghèo.
Tháo gỡ khó khăn cho BHYT theo hộ gia đình
Trao đổi với các phóng viên tại buổi họp báo, ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam cho biết, trong năm 2014, cả nước có 64,67 triệu người tham gia BHYT, chiếm 71,6%. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm nay, số người tham gia BHYT đã giảm tới 1,2 triệu người. Trong đó, số đối tượng trong các hộ gia đình tham gia BHYT giảm tới 15%.
Theo ông Bằng, nguyên nhân của thực trạng này là do người dân chưa thực sự hiểu các quy định mới trong việc mua thẻ BHYT theo hộ gia đình; một số địa phương còn máy móc, gây phiền hà cho người mua thẻ. Luật BHYT (sửa đổi) quy định bắt buộc mua BHYT theo hộ gia đình từ ngày 1/1/2015, nhưng hiện nay, những gia đình có người công tác ở địa phương khác, thì xã, phường lại yêu cầu phải photo thẻ BHYT, hoặc giấy tạm trú tạm vắng của người đó, khi ấy những người khác trong gia đình mới được mua thẻ... Về vấn đề này ông Bằng cho biết: Hiện BHXH Việt Nam đang chỉ đạo cơ quan BHXH các địa phương dừng việc này. Khi đăng ký mua BHYT theo hộ gia đình, người dân sẽ tự kê khai những thành viên trong gia đình cần mua thẻ, những người đi công tác xa… Khi đó, địa phương sẽ có xác nhận để người dân mua thẻ BHYT mà không cần phải photo bất kỳ giấy tờ gì.
Đối với những người đi làm ăn xa, khi đăng ký tạm trú tạm vắng tại địa phương cũng sẽ có quyền tham gia BHYT tại địa phương đang công tác và được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định.
Một khó khăn khác được người dân phản ánh khi tham gia BHYT theo hộ gia đình là, trước đây khi mua BHYT 1 người, họ chỉ phải đóng 620.000 đồng/năm, nhưng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định cả gia đình cùng mua, nếu 5 người thì số tiền phải đóng gần 2 triệu đồng. Tuy mức này đã được giảm dần theo số lượng người đóng, nhưng đây vẫn là khoản tiền lớn, vì vậy, có ý kiến đề nghị, việc đóng BHYT theo hộ gia đình triển khai theo hình thức trả góp nhiều lần trong năm và thẻ BHYT đó vẫn có giá trị trong cả năm đó.
Về vấn đề này, ông Vũ Xuân Bằng cho biết, cơ quan BHXH Việt Nam đã và đang tiếp tục tìm phương án tối ưu nhất.
Để đạt được mục tiêu do Quốc hội đề ra đến cuối năm 2015 cả nước có 75% người dân tham gia BHYT, trong khi số người tham gia BHYT hiện nay lại đang giảm, ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, quyết tâm thực hiện của các địa phương là rất quan trọng, trong đó vai trò cũng như các chính sách an sinh xã hội của địa phương là vấn đề then chốt.
Trong cuộc họp mới đây của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, giải pháp hiện có nhằm tạo mọi thuận lợi trong thực hiện chủ trương về BHYT toàn dân; nghiêm túc thực hiện BHYT đối với các đối tượng bắt buộc; tiếp tục hỗ trợ, tuyên truyền, vận động để tăng dần tỷ lệ hộ cận nghèo có thẻ BHYT, đồng thời vận động, tập trung thực hiện BHYT đối với các đối tượng không thuộc hộ nghèo, cận nghèo …
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT