Bảo hiểm y tế giúp người bệnh không rơi vào bẫy nghèo...

01/06/2015 07:07 AM


Nhờ có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mà nhiều người bệnh, nhất là những người bệnh nghèo không may mắc trọng bệnh đã được cứu chữa để chất lượng sống tốt hơn. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là “phao cứu sinh” thẻ BHYT đã làm cho họ và gia đình họ không bị rơi vào cảnh cùng cực vì có bệnh, bởi Quỹ BHYT đã chi trả phần lớn kinh phí trong quá trình điều trị cho những người bệnh có thẻ BHYT.

BHYT 010615.jpg

Không có thẻ BHYT thì chúng tôi lấy đâu tiền chữa bệnh...

Trò chuyện với chúng tôi, người thân của bà T. T. H. (58 tuổi, ở Tiền Hải, Thái Bình) đang điều trị bệnh ung thư tụy ở Hà Nội cho biết, nếu không có thẻ BHYT thì chắc gia đình bà H. đã kiệt quệ chỉ vì 5 tháng nay, bà chuyển từ Thái Bình lên khắp các bệnh viện của Hà Nội để chữa bệnh ung thư. Sở dĩ bà phải chuyển nhiều bệnh viện vì căn bệnh ung thư của bà đã di căn và liên quan đến nhiều chuyên khoa khác nhau. “May mà có thẻ BHYT nên số tiền gia đình em phải bỏ ra chi phí cho mẹ nằm viện không quá lớn, chứ không chúng em phải bán đất, bán trâu bò để có tiền cho mẹ đi viện”- con trai bà H. chia sẻ.

Tại BV K, anh L.V.S. bảo rằng, cảm giác đầu tiên khi anh nghe bác sĩ thông báo bị mắc bệnh ung thư hạch cổ và phải điều trị nhiều lần, lâu dài mới có khả năng khỏi đã khiến anh dường như tuyệt vọng, bởi ý nghĩ lấy đâu ra tiền để về tận Hà Nội chữa bệnh, trong khi ở nhà, anh đang là lao động chính mà cuộc sống cũng đã quá chật vật rồi. Nhưng các bác sĩ của BVĐK tỉnh Sơn La đã động viên S. cứ yên tâm đi chữa bệnh vì anh đã có thẻ BHYT dành cho người nghèo. Tính đến nay đã gần 1 năm anh S. là bệnh nhân của Khoa Xạ - Đầu cổ BV K, căn bệnh hạch hodgkin mà anh S. mắc liên tiếp phải điều trị bằng hoá chất và thuốc đắt tiền, nhưng nhờ có thẻ BHYT nên anh chỉ phải lo tiền ăn và đi lại trong những lần từ Sơn La về Hà Nội chữa bệnh. Chia sẻ với chúng tôi, anh S. bảo rằng, nếu không có BHYT thì anh cũng mặc kệ căn bệnh này đến đâu thì đến vì với gia đình nghèo như anh “tiền ăn còn phải chạy từng bữa thì lấy đâu ra tiền để chữa bệnh”.

Tuy nhiên, không chỉ riêng gia đình bà H. hay gia đình anh S. mà khi trò chuyện với nhiều người bệnh, nhất là người bệnh nghèo mới thấy hết được giá trị của chính sách BHYT, thể hiện ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc...

Người nghèo được lợi…

Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, kể từ ngày 1/1/2015, hàng loạt nhóm đối tượng tham gia BHYT sẽ được nâng mức hưởng BHYT. Cụ thể, thân nhân người có công với cách mạng là cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng hoặc người có công nuôi dưỡng hay con của liệt sĩ được hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB); các thân nhân khác của người có công với cách mạng được nâng mức hưởng từ 80% lên 95%.

Nhóm tiếp theo là người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và đối tượng bảo trợ được nâng từ 95% lên 100%; nhóm thuộc hộ cận nghèo được nâng từ 80% lên 95%.

Quỹ BHYT cũng sẽ thanh toán 100% chi phí KCB khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp KCB vượt tuyến, trái tuyến, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn, thuốc ngoài danh mục).

Theo Luật BHYT sửa đổi mới ban hành thì chúng ta sẽ mở thông tuyến huyện. Có nghĩa là khi người tham gia BHYT có đăng ký KCB ban đầu ở một trạm y tế xã hoặc một phòng khám đa khoa hoặc một bệnh viện huyện thì họ được quyền đi KCB ở các cơ sở khám chữa bệnh trong cùng huyện đó hoặc trong phạm vi một tỉnh, có nghĩa là họ không bị giới hạn bởi một cơ sở KCB ban đầu, như vậy họ vẫn được thanh toán theo quy định.

Trước kia, tại bệnh viện tuyến huyện, trong trường hợp người dân đi khám không đúng tuyến theo quy định thì quỹ BHYT sẽ thanh toán 70% chi phi KCB. Theo Luật BHYT sửa đổi, bắt đầu từ ngày 1/1/2016 quỹ sẽ thanh toán 100% chi phí KCB đối với những đối tượng KCB trong cùng địa bàn tỉnh. Như vậy, tất cả các đối tượng trước kia chỉ được thanh toán 70%, nhưng nếu như trong cùng địa bàn tỉnh thì họ sẽ được thanh toán 100%.

Theo SK&ĐS