Giải pháp bù đắp thiếu hụt kinh phí trong điều trị HIV/AIDS
24/05/2015 07:10 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Một trong những giải pháp hàng đầu hiện nay là thuyết phục người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế.
Từ năm 2004, những người nhiễm HIV/AIDS đầu tiên ở Việt Nam đã được điều trị bằng thuốc ARV. Đây là loại thuốc có thể giảm tử vong ở người nhiễm HIV; giảm lây nhiễm qua đường tình dục, lây truyền từ mẹ sang con… Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đều được điều trị bằng thuốc ARV.
Theo ông Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cụ phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện cả nước có 227 nghìn người nhiễm HIV nhưng vẫn còn 58% số người này chưa được điều trị bằng ARV. Hiện, kinh phí trong nước dành cho việc điều trị bệnh nhân bằng thuốc ARV rất thấp, chỉ chiếm 5%, còn lại 95% từ nguồn tài trợ của Quỹ Toàn cầu. Trong khi đó, nguồn kinh phí tài trợ này đang bị cắt giảm xuống mức thấp khiến việc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS gặp khó khăn. Theo cảnh báo của Quỹ Toàn cầu, có thể sau năm 2017, các nhà tài trợ sẽ rút hết viện trợ và việc này sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc, gián đoạn điều trị, làm tăng nguy cơ HIV kháng thuốc dẫn đến thất bại trong điều trị. Nếu không có các thuốc ARV thay thế, sẽ làm tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở người nhiễm HIV và gia tăng số người nhiễm HIV mới trong cộng đồng.
Khi các dự án viện trợ cho Việt Nam rút dần, rất có thể người nhiễm HIV sẽ phải chi trả phần lớn chi phí điều trị. Trong khi đó, hầu hết bệnh nhân nhiễm HIV là người có thu nhập thấp hoặc rất thấp do không có việc làm ổn định hoặc có tiền sử nghiện ma túy, mại dâm… Do đó, chi phí điều trị trở thành gánh nặng lớn với những bệnh nhân HIV, bởi điều trị HIV phải dùng thuốc liên tục, suốt đời.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 (là phấn đấu đến năm 2020 có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định). Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải duy trì những kết quả đã đạt được. Một trong những giải pháp hàng đầu hiện nay, là thuyết phục người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế. Bởi, Luật phòng, chống HIV/AIDS đã quy định: Người tham gia Bảo hiểm y tế bị nhiễm HIV được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra, hiện nay, các loại thuốc trong phác đồ điều trị cho người nhiễm HIV đều có trong danh mục thuốc Bảo hiểm y tế do Bộ Y tế quy định (gồm cả thuốc ARV). Với việc tham gia vào bảo hiểm y tế, bệnh nhân HIV/AIDS sẽ giảm được tới 80% chi phí khám, chữa bệnh ở các bệnh viện đúng tuyến. Ngoài ra, cần có những chính sách khuyến khích tạo việc làm cho các bệnh nhân nhiễm HIV, để họ có thể đảm bảo cuộc sống và duy trì điều trị lâu dài, góp phần phòng tránh lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Bà Trương Thị Mai khẳng định: “Đây là nguồn lực rất quan trọng. Tôi đang tính tới việc đề xuất là đối với bảo hiểm y tế thì những ai là người nghèo mà bị nhiễm HIV, nhà nước sẽ mua cho họ, những người có điều kiện, có thu nhập thì họ sẽ tự bỏ tiền để mua bảo hiểm y tế. Một năm mua vài trăm nghìn thẻ bảo hiểm y tế nhưng mức độ được điều trị lớn hơn. Đây là giải pháp quan trọng cho những người nhiễm HIV/AIDS trong thời gian tới. Ngoài ra, chúng ta tiếp tục vận động, kêu gọi sự tài trợ của các tổ chức cho Việt Nam trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS”.
Việt Nam đang nỗ lực tìm các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS, hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Song, nếu nguồn kinh phí trong nước không đủ bù đắp thì khó có thể thực hiện mục tiêu đã đề ra và nguy cơ số người nhiễm HIV mới và trẻ hóa sẽ gia tăng là thực tế khó tránh khỏi./.
Theo VOV
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT