Nhìn lại 09 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng về dân số, kế hoạch hóa gia đình
22/05/2015 07:26 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 21/05, Vụ Các vấn đề xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu đánh giá 09 năm thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 22/03/2005 “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình”. Tham dự hội nghị có GS.TS. Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ các Vấn đề xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương); Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Lê Cảnh Nhạc và đại diện các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể; Ban Tuyên giáo một số tỉnh, thành phố; đại diện Quỹ dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam…
Báo cáo tổng quan kết quả nghiên cứu 09 năm thực hiện Nghị quyết 47- NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 22/03/2005 “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình” do Vụ các vấn đề xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) tiến hành nhằm đánh giá, phân tích sự phù hợp, tính khả thi và mức độ đạt được của các chỉ tiêu xác định trong Nghị quyết số 47- NQ/TW; phân tích các yếu tố ảnh hưởng, bài học kinh nghiệm, nguyên nhân của những hạn chế, bất cập và đề xuất giải pháp khả thi nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc đẩy mạnh chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) ở nước ta trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS.Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ các Vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Qua 09 năm triển khai Nghị quyết số 47 ngày 22/03/2005 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình”, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình đã được nhiều thành công và góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập bình quân đầu người hàng năm, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống của nhân dân. Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, coi đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước nên thời gian qua, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng như: tốc độ gia tăng dân số ngày càng giảm, mức sinh giảm mạnh và đạt được mức sinh thay thế với số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,05 con vào năm 2012, ít hơn 03 lần so với cách đây 50 năm. Tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 40 tuổi (năm 1960) lên 73 tuổi (năm 2012), sức khỏe của bà mẹ và trẻ em được cải thiện… Trong tình hình hiện nay, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội của đất nước, quá trình dịch chuyển nhân khẩu học đặt ra những thách thức mới cho công tác dân số. Mức sinh hiện nay tuy đã duy trì ở mức sinh thay thế nhưng không ổn định và không đồng đều giữa các địa phương. Tình trạng mất cân bằng giới tính có chiều hướng gia tăng với mức đáng báo động, vấn đề già hóa dân số là một trong những thách thức lớn đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở nước ta trong thời gian sắp tới. Do đó, việc nghiên cứu đánh giá các kết quả của quá trình triển khai Nghị quyết 47 nhằm đúc kết các bài học kinh nghiệm và tìm hiểu nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, đề xuất các giải pháp phù hợp, trên cơ sở đó có kiến nghị để tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác này là rất cần thiết.
GS.TS Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ các Vấn đề xã hội khẳng định: Hội thảo lần này có ý nghĩa quan trọng, kết quả nghiên cứu và những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ tham mưu, cung cấp những thực tiễn sinh động phục vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW, ngày 22/03/2005 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình” vào năm 2015.
Báo cáo kết quả nghiên cứu 09 năm thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW của Bộ Chính trị, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) Vũ Thị Minh Hạnh cho biết: Địa bàn nghiên cứu được tiến hành gửi biểu mẫu thống kê tới 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, tập trung khảo sát thực tế tại 03 tỉnh, thành phố là (Bắc Ninh, Quảng Trị và Thành phố Hồ Chí Minh). Kết quả cho thấy việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 47-NQ/TW và đưa ra mục tiêu “nhanh chóng đạt mức sinh thay thế (trung bình mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có hai con)” vào năm 2005 nhằm đối phó kịp thời với nguy cơ mức sinh có thể tăng trở lại là chủ trương đúng; giúp cải thiện, nâng cao chất lượng dân số. Qua đó, tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tăng cao qua các năm, nếu như năm 2005 tỷ lệ phụ nữ khám thai trên 03 lần trong 03 thời kỳ là 84,3%, thì đến năm 2013 tỷ lệ này đạt 89,4%. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng dân số cũng được cải thiện như tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám sang lọc trước sinh, sơ sinh tăng trong những năm qua; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 05 tuổi năm 2005 từ 25,2% giảm xuống còn 15,3% năm 2013; năm 2005 tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 72,0 tuổi, thì đã tăng lên 73,1 tuổi vào năm 2013. Trong gần 10 năm qua, dân số nước ta hiện đạt 90,6 triệu. Với số dân cư tăng thêm hàng năm như hiện nay, theo dự báo năm 2015 dân số Việt nam không quá 93 triệu, 2020 không quá 98 triệu... Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) Vũ Thị Minh Hạnh chỉ rõ những khó khăn, bất cập trong thực hiện Nghị quyết 47 như: chất lượng cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình – sức khỏe sinh sản chưa như mong đợi do chưa đa dạng, chưa phù hợp với nhu cầu trong thực tiễn; có sự khác biệt lớn về tỷ lệ tử vong mẹ giữa các vùng miền, khu vực miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ tử vong mẹ còn khá cao… Vì vậy, chính sách dân số của Việt Nam cần phải chuyển hướng từ chỗ chỉ tập trung giảm sinh, sang định hướng chính sách dân số toàn diện (dân số và phát triển); tập trung nguồn lực đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và tránh thái, xây dựng hệ thống An sinh xã hội, chuẩn bị cho một xã hội già hóa; tận dụng cơ hội lực lượng lao động đông đảo để tạo ra tích lũy cho xã hội và cho người dân để chuẩn bị cho tuổi già của chính mình; đa dạng hóa loại hình cung cấp dịch vụ, phương thức chi trả và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình nhất là tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục tăng cường cam kết chính trị thông qua khẳng định vai trò của cấp ủy Đảng, cơ quan trong thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình tại địa phương…
Tại hội thảo, các đại biểu đã góp ý vào đánh giá quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình qua các nội dung về hoạt động truyền thông, vận động và giáo dục công tác dân số; mô hình tổ chức và nhân lực; chính sách và đầu tư về nguồn lực, cơ sở vật chất; mở rộng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình; vấn đề già hóa dân số và bảo trợ xã hội cho người cao tuổi; mất cân bằng giới tính… phân tích các yếu tố ảnh hưởng; bài học kinh nghiệm, những khó khăn bất cập trong tổ chức triển khai thực hiện; đề xuất giải pháp và kiến nghị về chủ trương, chính sách trong thời gian sắp tới./.
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT