Lao động - việc làm: Đối mặt nhiều thách thức

07/05/2015 03:05 AM


Tuy đã đạt được những kết quả đáng kể về giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, song hiện tại vấn đề lao động - việc làm, thất nghiệp ở Việt Nam vẫn đặt ra nhiều thách thức, cần được giải quyết căn cơ.

Thiếu việc làm, thất nghiệp

Đến thời điểm 31/12/2014, dân số cả nước là 90,7 triệu người. Số người từ 15 tuổi trở lên 70,06 triệu (chiếm 78% tổng dân số), trong đó có 54,4 triệu người thuộc lực lượng lao động. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế 53,4 triệu người, tăng 1,56% so với năm 2013, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 46,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng 21,4%; khu vực dịch vụ 32%. Mặc dù tiến trình đô thị hóa ở Việt Nam đã và đang diễn ra nhưng đến nay lao động nông thôn vẫn được xem là đông đảo, chiếm gần 70% lực lượng lao động. Đặc biệt, vẫn còn khác biệt về mức độ tham gia hoạt động kinh tế giữa khu vực thành thị và nông thôn, khoảng 11,2 điểm phần trăm (70,5% và 81,7%). Bên cạnh đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ là 73,6%, thấp hơn 9 điểm phần trăm so với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nam (82,6%).

Hết năm 2014, cả nước đã có khoảng 1,2 triệu lao động thiếu việc làm (chiếm tỷ lệ 2,45%, trong đó khu vực thành thị 1,18% và nông thôn 3,01%) và gần 1 triệu lao động thất nghiệp, chiếm 2,08%, trong đó khu vực thành thị 3,43% và nông thôn 1,47%. Tỷ lệ thất nghiệp chung theo điều tra ở mức rất thấp (1,81%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp thanh niên trong độ tuổi 15-24 chiếm 45,5% trong tổng số lao động thất nghiệp cả nước. Tỷ trọng này ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (40,7% và 50%). Trong khi đó, lao động thanh niên thiếu việc làm chỉ chiếm 18,7% tổng số lao động thiếu việc làm. Năng suất lao động xã hội năm 2014 theo giá hiện hành của toàn nền kinh tế ước tính đạt 3.515USD/lao động, trong đó năng suất lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bằng 38,9% mức năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng gấp 1,8 lần và khu vực dịch vụ gấp 1,36 lần.

Nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tới năng suất lao động của nước ta đạt thấp so với các nước trong khu vực bao gồm:(1) Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực nhưng tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn ở mức cao;(2) Chất lượng nguồn lao động thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, hiệu quả sử dụng qua đào tạo chưa cao;(3) Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu với tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ thấp và trung bình trong toàn ngành chế biến, chế tạo;(4) Trình độ tổ chức quản lý, quản trị doanh nghiệp còn yếu cùng với hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp. Ngoài ra, tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong các ngành sản xuất và dịch vụ vẫn còn ở mức thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực. Điều này cho thấy thị trường lao động Việt Nam thiếu ổn định, việc làm chưa đầy đủ và bền vững, với năng suất lao động thấp.

Hệ lụy xã hội

Hiện nay, quy mô lực lượng lao động có xu hướng tăng chậm làm giảm áp lực việc làm, trong khi nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn khôi phục nên tỷ lệ thất nghiệp biến động không nhiều (tuy nhiên, các số liệu về lao động, đặc biệt số liệu về thất nghiệp ở Việt Nam thường không có độ tin cậy cao do những bất cập trong thống kê). Trong khi lao động thiếu việc làm ở mức cao khoảng 1,2 triệu người, vấn đề đáng lưu ý đối với thị trường lao động Việt Nam là năng suất lao động thấp và tiền lương, tiền công không cao. Tình trạng thiếu việc làm, thu nhập giảm sút của người lao động kéo theo nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng, nếu không có những giải pháp đối phó hiệu quả sẽ  tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội. Đặc biệt, hiện nay khu vực nông nghiệp, nông thôn không còn là “bà đỡ” có thể hấp thụ được số lượng người mất việc làm ở thành phố trở về nên nguy cơ bất ổn xã hội càng hiện hữu. Điều này, phần nào được giải thích bởi Việt Nam là nước nông nghiệp, do kinh tế phát triển còn thấp nên mức sống của người dân chưa cao và an sinh xã hội chưa đầy đủ. Vì vậy người lao động thường chấp nhận làm bất cứ loại công việc gì, kể cả những công việc có mức thu nhập thấp, bấp bênh, điều kiện làm việc không đảm bảo (việc làm không bền vững) nhằm nuôi sống bản thân và gia đình hơn là thất nghiệp dài để chờ đợi công việc tốt hơn. Đây là thực trạng cần sớm được giải quyết.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Nguồn nhân lực nước ta yếu về chất lượng, thiếu năng động và sáng tạo, tác phong lao động công nghiệp... Trong tổng số hơn 53,4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế có khoảng 49% qua đào tạo, trong đó qua đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên chỉ chiếm 19%. Khoảng cách khác biệt về tỷ lệ này giữa khu vực thành thị và nông thôn khá cao (ở khu vực thành thị, tỷ lệ có trình độ chuyên môn kỹ thuật 20,4%, trong khi ở khu vực nông thôn 8,6%). Như vậy, tuy về trình độ văn hóa được đánh giá là khá nhưng trình độ nghề của lao động Việt Nam còn rất thấp. Điều này là thách thức lớn, đặt ra nhiệm vụ nặng nề trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Năng suất lao động của Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua, bình quân đạt 3,7%/năm trong giai đoạn 2005-2014, góp phần thu hẹp dần khoảng cách so với năng suất lao động của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore; bằng 1/6 của Malaysia; bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc.

Theo NLĐO