Quy định mới tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động

07/04/2015 01:39 AM


Vừa qua, tại Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM), công nhân đã đình công để yêu cầu được hưởng trợ cấp BHXH một lần theo Luật BHXH năm 2006, không áp dụng theo Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016). Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Cao Văn Sang- Giám đốc BHXH TP. HCM về vấn đề này.

Quy định mới tạo điều kiện tốt hơn cho người lao độngÔng Cao Văn Sang- Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh

* PV: Xin ông cho biết nội dung những thay đổi liên quan đến chế độ BHXH một lần mà NLĐ hiện đang quan tâm?

- Ông Cao Văn Sang: Thời gian đóng BHXH được ghi nhận trong sổ BHXH. Theo quy định hiện hành, sau 1 năm nghỉ việc mà không có việc làm mới nếu muốn nhận trợ cấp BHXH một lần sẽ được giải quyết theo Điều 55, Luật BHXH 2006.

Tuy nhiên, năm 2014 Quốc hội ban hành Luật BHXH (sửa đổi) với những quy định có lợi hơn cho NLĐ. Cụ thể, là tại Điều 60 của Luật sẽ giúp NLĐ nhiều quyền lợi hơn so với quy định hưởng BHXH một lần ở Luật BHXH 2006. Về nguyên tắc, quy định này nhằm khuyến khích NLĐ bảo lưu, tích lũy thời gian đã đóng BHXH, thay vì nhận BHXH một lần. Khi NLĐ trở lại làm việc thuộc diện đóng BHXH bắt buộc thì được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu sau này. Trong thời gian mất việc tạm thời, NLĐ được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm...

* Vậy trường hợp NLĐ không đủ thời gian đóng, hoặc không thuộc diện đóng BHXH bắt buộc thì có ảnh hưởng tới quyền lợi của họ khi tới tuổi nghỉ hưu, thưa ông?

- Trường hợp NLĐ không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc thì có thể tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Luật BHXH 2014 cũng có quy định: “Bổ sung phương thức đóng một lần cho nhiều năm còn thiếu để được hưởng lương hưu ngay khi hết tuổi lao động hoặc hạ mức sàn thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện để phù hợp với khả năng tài chính của nhiều NLĐ; thời gian đóng BHXH trước đây vẫn được bảo lưu và cộng dồn với thời gian tham gia BHXH tự nguyện”. Đặc biệt một điểm rất có lợi theo Luật BHXH 2014 đó là NLĐ đang đóng BHXH mà nghỉ việc thì Nhà nước cũng có cơ chế hỗ trợ họ một phần để đóng BHXH tự nguyện (tới đây sẽ có Nghị định, Thông tư hướng dẫn việc này)…

* Vừa qua, nhiều lao động băn khoăn là trong thời gian bảo lưu thời gian đóng BHXH nếu từ trần thì gia đình họ có quyền lợi gì? Thân nhân NLĐ sẽ được hưởng chế độ tử tuất như thế nào?

- Theo Luật BHXH 2014, NLĐ trong thời gian bảo lưu thời gian đóng BHXH thì thân nhân NLĐ sẽ vẫn được hưởng chế độ tử tuất như đối với người đang đóng BHXH. Cụ thể: Trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm người đó chết (Điều 66); nếu đóng đủ 15 năm trở lên mà chưa hưởng BHXH một lần thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng (Điều 67); nếu chưa đủ 15 năm đóng thì thân nhân được nhận trợ cấp tuất một lần bằng mức trợ cấp BHXH một lần. Ngoài ra, khi NLĐ được hưởng lương hưu hằng tháng thì Quỹ BHXH đóng BHYT cho NLĐ (Khoản 4, Điều 18, Khoản 2, Điều 84 và Điều 12, Điều 13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT).

Đối với trường hợp NLĐ không đủ tuổi nghỉ hưu và không có khả năng đóng tiếp BHXH tự nguyện thì theo ý kiến của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phát biểu tại cuộc trao đổi với báo chí ngày 28/3 tại TP.HCM thì sẽ có “những thiết kế riêng” để xử lý.

* Ông có thể giải thích rõ hơn về mục đích, về ý nghĩa nhân văn của Luật BHXH 2014 dành cho NLĐ?

- Thực tế cho thấy, nhiều NLĐ sau khi đã nhận BHXH một lần lại tiếp tục đi làm các công việc khác. Nhiều NLĐ trong số đó muốn có tiếp thời gian đóng BHXH, muốn “giữ lại” thời gian tham gia BHXH trước đó bằng cách trả lại tiền BHXH một lần đã nhận. Nhưng các quy định trước đây không cho phép. Vì vậy, Luật BHXH năm 2014 tuy thu hẹp diện đối tượng hưởng BHXH một lần nhưng lại tạo cơ hội cho NLĐ có mong muốn tiếp tục tham gia BHXH, tiếp tục tích lũy thời gian để hưởng lương hưu hằng tháng.

Thực tế cho thấy, tại TP.HCM, NLĐ đã dần nhận thức được quyền lợi lâu dài nên tình trạng nhận BHXH một lần đã giảm rất nhiều. Cụ thể, trước đây bình quân mỗi năm có tới 120.000 người làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH một lần. Tuy nhiên, đến năm 2013, số NLĐ nhận trợ cấp một lần đã giảm hẳn xuống còn 70.000 người, và năm 2014 chỉ còn hơn 63.000 người.

* Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội