Bloomberg: Việt Nam chịu cạnh tranh khốc liệt về chi phí nhân công

06/04/2015 04:18 AM


Việt Nam đang gặp phải cạnh tranh khốc liệt về chi phí nhân công sản xuất với các quốc gia láng giềng trong khu vực.

Indonesia đang cố gắng thúc đẩy những lợi thế trong ngành sản xuất nhằm gia tăng cạnh tranh với các quốc gia láng giềng trong khu vực, bao gồm Việt Nam và Philippine. Những nước này đang cố gắng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như là một lựa chọn thay thế cho thị trường Trung Quốc đắt đỏ. Tuy nhiên, chính phủ Indonesia cũng đang đối mặt với áp lực tăng lương. Hàng nghìn người lao động đã biểu tình tại thủ đô Jalarta tháng 12/2014 như là một phần trong phong trào đình công trên toàn quốc. Tình trạng này diễn ra sau khi Tổng thống Joko Widodo tăng giá nhiên liệu. Dân số trẻ tại Indonesia, Việt Nam và Philippine có thể tạo ra mức trần tăng lương tại các quốc gia này, qua đó xây dựng lợi thế cạnh tranh cho các thị trường trên trong khu vực.

Theo Economist Intelligence Unit (EIU), chi phí lao động sản xuất tại Trung Quốc đã cao hơn các nước như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Sự chênh lệch này sẽ được mở rộng hơn nữa trong những năm tiếp theo do đà tăng lương bị kìm hãm bởi tăng trưởng cung lao động. Đây có thể là một tin tức tốt cho Indonesia cũng như các nước láng giềng, nếu những người công nhân tại đây vẫn “hài lòng” với điều đó. Báo cáo của EIU cho thấy các công nhân tại Mỹ sẽ được trả lương gấp 56 lần so với các đồng nghiệp tại Indonesia trong 5 năm tới, thấp hơn so với mức 76 lần hiện nay. Mức lương tính theo giờ sản xuất tại Mỹ sẽ tăng 12% lên 42,82 USD vào năm 2019, trong khi Indonesia lại tăng nhanh hơn với mức 48% nhưng chỉ đạt 74 cent/giờ. Con số này thấp hơn nhiều so với 4,79 USD tại Trung Quốc và 3,16 USD tại Việt Nam cũng như 3,15 USD tại Philippines.

Trong khi đó, báo cáo mới công bố của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) Việt Nam dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 có khả năng đạt mức 6,5%, cao hơn so với mục tiêu 6,2%. Tăng trưởng tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong quý I/2015 với GDP tăng 6,03% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý có mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Phân tích yếu tố chu kỳ của tăng trưởng cũng cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ. Theo UBGSTCQG, tăng trưởng GDP cả năm 2015 cũng sẽ tích cực hơn năm 2014 do cải thiện về cả tổng cầu lẫn tổng cung. Cụ thể, tổng mức hàng hóa bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2015 sau khi loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% so cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,1% của cùng kỳ năm 2014. Cầu đầu tư cũng cải thiện khi dư nợ tín dụng ba tháng đầu năm tăng nhanh hơn cùng kỳ. Tính đến ngày 20.3.2015, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 1,25% (cao hơn nhiều so với mức giảm 0,57% của cùng kỳ năm 2014). Tình hình tín dụng cải thiện một phần do mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm. Tính đến ngày 18.3, lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng ở mức 5,8%, giảm 0,2 điểm % so với đầu năm. Ngoài ra, theo UBGSTCQG, tổng cung cũng cải thiện nhờ chi phí đầu vào giảm.

Với những yếu tố tích cực nêu trên, chưa tính đến khả năng giá dầu thế giới giảm xuống dưới 40USD/thùng, UBGSTCQG dự báo "tăng trưởng GDP năm 2015 có khả năng đạt mức 6,5%, cao hơn so với mục tiêu 6,2%". Về mục tiêu lạm phát năm 2015, UBGSTCQG cho rằng phụ thuộc chủ yếu vào việc điều chỉnh giá hàng hóa cơ bản. Báo cáo cho biết, lạm phát tiếp tục duy trì ở mức thấp. CPI tháng 3.2015 mặc dù tăng 0,15% so với tháng trước nhưng chỉ tăng 0,93% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản mặc dù tăng nhẹ lên mức 2,48% trong tháng 3.2015 nhưng vẫn duy trì ở mức dưới 3% từ tháng 11.2014. Dựa trên phân tích tổng cầu, UBGSTCQG dự báo lạm phát cơ bản năm 2015 khoảng 3,5%. Lạm phát thấp tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho rằng từ nay đến cuối năm, lãi suất có thể sẽ chịu áp lực từ gia tăng phát hành TPCP, nhất là khi trong năm 2015 việc phát hành TPCP sẽ chỉ thực hiện đối với kỳ hạn từ 5 năm trở lên.

Theo kế hoạch năm 2015 sẽ phát hành 232.000 tỉ đồng TPCP, tăng 7,7% so với năm 2014. Trên thực tế, lợi suất TPCP đã có dấu hiệu tăng lên trong tháng 3.2015. Ngoài ra, trong điều kiện USD lên giá so với các đồng tiền và xuất khẩu tăng chậm, lãi suất có thể phải duy trì để ổn định tâm lý thị trường. Thanh khoản hệ thống được duy trì tốt khi lãi suất VND và USD trên thị trường liên ngân hàng được duy trì ổn định. Xu hướng cắt giảm lãi suất huy động đã không ảnh hưởng đến tiền gửi nội tệ của khách hàng. Nguyên nhân là tỉ lệ lạm phát đã giảm 1,5 điểm, giúp duy trì lãi suất thực. Xu hướng sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng diễn ra mạnh mẽ. Các thương vụ sáp nhập thời gian tới kỳ vọng sẽ nhiều điểm mới, kịch tính hơn, sẽ làm thay đổi thứ hạng và thị phần trên thị trường ngân hàng.

Theo VN Economy, Đầu tư