Người lao động di cư Indonesia: Giấc mơ và nước mắt

19/03/2015 02:32 AM


Các lao động làm việc trên cánh đồng lúa ở Indramyu Mỗi năm, người Indonesia đổ xô ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội thay đổi. Tuy nhiên, đối với nhiều người, thực tế rất khắc nghiệt.

6,5 triệu người di cư

Làm việc trong nắng chiều, Aneda, nông dân 24 tuổi đến từ Indonesia, khéo léo cắt lúa. "Công việc rất vất vả nhưng chúng tôi không được trả nhiều tiền", Aneda, người làm việc cùng mẹ trên cánh đồng lúa cho biết.  Cảnh tương tự đang diễn ra trên khắp Indramyu, khu vực với những ngôi làng nằm rải rác và những cánh đồng lúa trải dài vô tận. Khu vực này sản xuất 3% gạo cho Indonesia, số lượng đáng kể đối với một tỉnh nhỏ nằm trên mũi đất của đảo Java. Ngoài việc cung cấp lương thực cho đất nước, Indramayu còn thực hiện nhiệm vụ quan trọng: giải quyết việc làm cho lao động nhập cư. Aneda từng đến Singapore làm công nhân nhưng cố bị ép làm việc quá tải, lương thấp, và bị ngược đãi. 6 tháng sau khi đến đây, và mặc dù đang vướng khoản nợ khổng lồ khi đi Singapore, cô yêu cầu được trở về nước.

Hàng năm, hàng trăm người rời khỏi đất nước đến những nơi khác nhau như Kuwait, Hồng Kông và Singapore với mục đích thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, để được ra nước ngoài, nhiều người phải trả khoản tiền lớn cho việc tuyển dụng và đào tạo. Họ phải mất nhiều năm mới trả hết nợ và vô tình bị bóc lột. Đa số 6,5 triệu người di cư của Indonesia là phụ nữ và nhóm này đặc biệt dễ bị bóc lột. Người lao động nhập cư bị hạn chế về nơi cư trú, thường xuyên phải đối mặt với vấn đề bất đồng ngôn ngữ với chủ lao động và không được hưởng quyền của người lao động. Theo ILO, 80% công nhân nhập cư của Indonesia bị cô lập, bị trả lương thấp, làm việc nhiều giờ, cưỡng bức lao động, và bạo lực.

Biến mất

Aneda tiết lộ, cô không phải là người đầu tiên trong gia đình làm việc ở nước ngoài. 4 năm trước, chị gái cô biến mất ở Kuwait. Cho đến nay, chưa có cuộc điều tra chính thức nào được thực hiện. Những câu chuyện như thế này đã trở nên phổ biến. Năm 2011 và 2012, 7.000 khiếu nại được gửi tới BNP2TKI, cơ quan của chính phủ Indonesia bảo vệ người lao động di cư. Hầu hết các khiếu nại liên quan đến việc không thanh toán tiền lương, mất liên lạc, và sự khác biệt giữa điều kiện làm việc đã hứa và thực tế... Hơn một nửa các khiếu nại đến từ các lao động làm việc tại Saudi Arabia. Cuộc sống của một người lao động di cư giống như canh bạc và phụ thuộc nhiều vào luật pháp của nước sở tại và các nhà tuyển dụng. Nhiều người di cư trở về nước, có tiền xây dựng nhà mới và cho con đi học đại học. Trong năm 2012, 7,2 tỷ USD được gửi về nước. Trong một số thị trấn, thậm chí có những con đường được gọi là "đường di cư", những dãy nhà được xây dựng từ tiền gửi về từ nước ngoài. Nhưng đằng sau vẻ hùng vĩ đó, cuộc sống sự thật rất khó khăn, đặc biệt là đối với phụ nữ như Aneda. Với mỗi 5 kg gạo thu hoạch được, cô nhận được 1 kg. Indramayu là nơi an toàn nhưng không có nhiều cơ hội.

Vượt qua eo biển

Dòng chảy người di cư từ Indonesia đến Singapore là một trong những con đường di cư sầm uất nhất trong khu vực Đông Nam Á. Hiện tại có khoảng 220.000 công dân nhập cư tại Singapore, phần lớn là Indonesia. Với sự giàu có và vị thế quốc tế, Singapore là tấm gương của Châu Á về mô hình quan hệ lao động. Nhưng thực tế hoàn toàn khác. Không có mức lương tối thiểu, và công nhân không có đại diện công đoàn. Người lao động nhập cư cũng không được áp dụng Luật lao động. Theo ông Jolovan Wham, Giám đốc HOME, một nhóm các nhà vận động vì người di cư, pháp luật yếu là gốc rễ của nhiều vấn đề.

Nhưng vấn đề quan trọng xuất phát từ Indonesia. Các trung tâm đào tạo và cơ quan tuyển dụng tiếp tục vận động người di cư rời khỏi đất nước để thu phí môi giới. Các nhà môi giới này không có giấy phép và thường đến tuyển dụng ở các thị trấn và làng mạc nông thôn. Đôi khi, người di cư chưa đủ tuổi cũng được tuyển dụng. Theo ông Wahyu Susilo của Care Migrant, một tổ chức phi chính phủ ở Jakarta, những hoạt động này phát triển mạnh ở Indonesia vì sự giám sát của chính phủ và thực thi pháp luật yếu kém. Trong tình hình này, chính phủ cần khẩn trương xây dựng các chính sách mạnh mẽ hơn để bảo vệ người dân.

Theo CAĐN