Thực hiện BH thất nghiệp theo Luật Việc làm: Khẩn trương gỡ vướng
20/03/2015 08:02 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 17/3, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có buổi làm việc với đại diện Bộ LĐ- TB&XH, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện những quy định về BH thất nghiệp trong Luật Việc làm.
Chậm hướng dẫn thi hành Luật
Luật Việc làm có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Những quy định về BH thất nghiệp trong Luật BHXH 2006 đã được chuyển sang Luật Việc làm. Tuy nhiên, hơn 2 tháng qua, việc thực hiện BH thất nghiệp theo Luật đã có nhiều vướng mắc.
Báo cáo tình hình triển khai thi hành Luật Việc làm, ông Nguyễn Thanh Hòa- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Bộ được giao dự thảo 3 Nghị định, 1 Quyết định để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành; đồng thời Bộ cũng ban hành 1 Thông tư. Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Việc làm về BH thất nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định quy định mức hỗ trợ học nghề đối với NLĐ tham gia BH thất nghiệp. Còn Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đang được thẩm định để ban hành. Bên cạnh đó, Thông tư hướng dẫn việc thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 4/2015.
Dưới góc độ cơ quan thực hiện, ông Đỗ Văn Sinh- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Trong khi chưa có Nghị định và Thông tư hướng dẫn, BHXH Việt Nam đã ban hành 2 văn bản hướng dẫn tạm thời công tác thu và chi trả trợ cấp thất nghiệp (TCTN), hỗ trợ học nghề. Qua 2 tháng thực hiện BH thất nghiệp theo Luật Việc làm, số người tham gia BH thất nghiệp mới là 261.882 người; số thu trên 1.307 tỷ đồng; chi trả TCTN cho 90.457 lượt người, thanh toán chi phí học nghề cho 2.442 lượt người và cấp thẻ BHYT cho 120.447 người hưởng TCTN với tổng chi phí 754,2 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2014.
Cơ quan thực hiện bị động
Cũng theo Phó Tổng giám đốc Đỗ Văn Sinh, việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã khiến cơ quan BHXH bị động, lúng túng trong giải quyết chi trả trợ cấp cho NLĐ tại thời điểm giao thời giữa chính sách cũ và mới. Trong khi đó, NLĐ thường chỉ quan tâm đến hưởng TCTN, số người tham gia các khóa học nghề chiếm tỉ lệ rất thấp (2,1%); việc thu hồi tiền TCTN do NLĐ hưởng sai quy định chưa quy rõ trách nhiệm cho cơ quan nào. Tình hình nợ đóng BH thất nghiệp còn lớn (tính hết tháng 2/2015 số nợ BH thất nghiệp 661,7 tỷ đồng, trong đó đơn vị SDLĐ nợ 500,3 tỷ đồng, chiếm 75,6% tổng số nợ).
Bên cạnh đó, tình trạng trục lợi BH thất nghiệp diễn ra khá phổ biến như vừa đi làm vừa hưởng BH thất nghiệp; quay trở lại DN cũ để làm việc; nâng cao mức đóng BH thất nghiệp trước khi nghỉ việc. Đặc biệt, thời gian gần đây đang xuất hiện nhiều trường hợp gần đến tuổi nghỉ hưu nhưng xin nghỉ việc để hưởng TCTN, sau đó hưởng lương hưu.
Đáng chú ý, kiểm toán việc giải quyết chế độ BH thất nghiệp năm 2013 tại 32 TTGTVL tại một số tỉnh, thành cho thấy có 23 TTGTVL xảy ra sai sót với nhiều dạng như: Chi TCTN không đúng (đề nghị thu hồi 15 tỷ đồng); chi TCTN một lần không đúng (đề nghị thu hồi 3 tỷ đồng); hỗ trợ học nghề giảm 251 triệu đồng. “Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu quy định rõ trách nhiệm, quy trình thực hiện việc thu hồi TCTN đối với trường hợp hưởng sai quy định. Đồng thời qua công tác kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị nên xem xét giao ngành BHXH thực hiện tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hưởng BH thất nghiệp gắn với công tác thu, chi trả trợ cấp, cấp thẻ BHYT, tránh tình trạng hưởng song trùng hoặc vừa hưởng TCTN vừa hưởng tiền lương ở DN”- ông Đỗ Văn Sinh kiến nghị.
Chi phí quản lý như thế nào?
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hằng- Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), vướng nhất hiện nay là việc xác định chi phí quản lý cho BH thất nghiệp. Trong khi đó, các TTGTVL không trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH, cũng không trực thuộc BHXH Việt Nam. Do vậy, toàn bộ khâu lập hồ sơ, theo dõi hồ sơ…, ngành BHXH sẽ phải chuyển chi phí về cho Bộ LĐ-TB&XH; chi phí chi trả TCTN thuộc ngành BHXH.
Trong khi Bộ Nội vụ không giao số biên chế ở các TTGTVL, vì các Trung tâm này thuộc địa phương, nhưng, Sở Nội vụ lại không giao vì cho rằng đây là việc của Trung ương. Hiện nay, Bộ Tài chính trình Thủ tướng chi phí quản lý vẫn tạm thời chấp nhận biên chế đã giao từ năm 2010 cho các TTGTVL. Ngoài ra, Luật Việc làm giao Chính phủ quy định việc tổ chức hoạt động của các TTGTVL, nhưng trước đó Chính phủ đã có Nghị định số 96 quy định thành lập 5 TT GTVL khu vực thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Vậy phải xử lý vấn đề này như thế nào?.
Kết luận buổi làm việc, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị BHXH Việt Nam chủ trì báo cáo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính chuẩn bị nguyên tắc, phương pháp, cách tính chi phí quản lý, trong đó phải giải quyết vấn đề biên chế quản lý của các TTGTVL. Ngoài ra, đề nghị Văn phòng Chính phủ tham mưu đẩy nhanh việc ban hành 2 Nghị định chưa được ban hành.
Theo: Báo BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT