Quá trình ứng dụng công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam đang đi đúng hướng

24/03/2015 06:46 AM


Đó là đánh giá từ nhóm chuyên gia nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong Hội thảo tổng kết hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới về đánh giá hệ thống quy trình nghiệp vụ của BHXH Việt Nam, tổ chức tại Vĩnh Phúc, ngày 24/3/2015. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh, lãnh đạo một số Ban nghiệp vụ, lãnh đạo BHXH một số tỉnh, thành phố cùng nhóm chuyên gia của WB, đại diện Tổng cục Thuế, Hội tư vấn Thuế cùng tham dự và trao đổi tại hội thảo.

Nằm trong chương trình hỗ trợ kỹ thuật của WB với BHXH Việt Nam, từ tháng 12/2014, nhóm chuyên gia nghiên cứu, tư vấn của WB thực hiện khảo sát các quy trình thu, đăng ký, cấp sổ, thẻ tại các đơn vị thuộc BHXH 04 tỉnh, thành phố; bao gồm thành phố Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh. Quy trình khảo sát được thực hiện qua các bước: xây dựng sơ đồ quy trình nghiệp vụ dựa trên các quy định hiện hành; quan sát, phỏng vấn các cán bộ nghiệp vụ tại cơ quan BHXH các cấp, trên cơ sở đó hoàn chỉnh sơ đồ quy trình nghiệp vụ. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của WB thực hiện tham vấn với các Ban nghiệp vụ của BHXH Việt Nam, một số đơn vị sử dụng lao động, Hội tư vấn Thuế, tham khảo báo cáo đánh giá Môi trường kinh doanh 2015 (trong đó có thống kê số giờ giao dịch thực hiện các thủ tục BHXH, BHYT). Nhóm nghiên cứu của WB đánh giá các quy trình nghiệp vụ trên các tiêu chí: mức độ tự động hóa, nguồn lực, thời gian, chi phí thực hiện các quy trình nghiệp vụ.

Sau một khoảng thời gian thực hiện khảo sát, nhóm nghiên cứu của WB đã đưa ra những đánh giá ban đầu về các quy trình nghiệp vụ liên quan đến thu, đăng ký tham gia, cấp sổ, thẻ. Cụ thể, nghiên cứu bước đầu cho thấy, ít nhất 55% các tác nghiệp bao gồm các quy trình nghiệp vụ dành cho đăng ký, thu, cấp sổ, thẻ được thực hiện thủ công, ít có sự hỗ trợ từ ứng dụng công nghệ thông tin. Mức độ tự động hóa, hoàn thành bằng công nghệ thông tin giới hạn trong troảng 12-13%. 32-33% còn lại là các nghiệp vụ được thực hiện bán thủ công, với sự hỗ trợ từ việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Ngoài việc khảo sát, đánh giá quy trình nghiệp vụ, nhóm chuyên gia của WB cũng nghiên cứu chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin, quá trình cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm số giờ giao dịch BHXH, BHYT đang được BHXH Việt Nam triển khai. Nhóm nghiên cứu của WB đánh giá, chiến lược dài hạn cũng như những biện pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin đang được BHXH Việt Nam thực hiện cơ bản đúng hướng, phù hợp với định hướng mở rộng diện bao phủ BHXH, lộ trình BHYT toàn dân, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai. Sự thay đổi bước đầu được thể hiện qua việc BHXH Việt Nam ban hành và yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện Quyết định 1018/QĐ-BHXH trong tháng 10/2014, sửa đổi nội dung trong quy định về thu, quản lý chi BHXH, BHYT. Quy định về giao dịch điện tử do BHXH Việt Nam tham mưu, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai ngày 09/3/2015 và mục tiêu giảm số giờ thực hiện thủ tục BHXH, BHYT còn 49,5 giờ trong năm 2015, cho thấy quyết tâm thực hiện thay đổi hết sức mạnh mẽ.

Trên cơ sở những nghiên cứu đánh giá nói trên, nhóm chuyên gia nghiên cứu tư vấn đưa ra các khuyến nghị, hướng tới mục tiêu giúp BHXH Việt Nam nâng cao hiệu quả quản lý, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các quy trình nghiệp vụ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Các khuyến nghị của nhóm chuyên gia WB tập trung chủ yếu vào các vấn đề: xây dựng quy trình phối hợp với cơ quan Thuế, xây dựng mã định danh, tập trung dữ liệu đối tượng tham gia, kiểm soát thông tin, kê, khai thông tin BHXH, BHYT trực tuyến, cấp sổ, thẻ…

Với từng vấn đề, nhóm chuyên gia đều đưa ra các khuyến nghị cụ thể; trong đó, vấn đề xây dựng mã định danh, xây dựng dữ liệu tập trung, kê khai thông tin tham gia BHXH, BHYT điện tử được chú trọng.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng trao đổi, bình luận những đánh giá về các quy trình nghiệp vụ do nhóm nghiên cứu WB đưa ra; đánh giá về những thách thức khó khăn, tính khả thi trong quá trình thực hiện các khuyến nghị của WB. Các nội dung liên quan đến việc cải tiến quy trình nghiệp vụ như việc cấp mã định danh, xây dựng dữ liệu tập trung, liên thông dữ liệu với cơ quan thuế, vấn đề hạ tầng, nhân lực đáp ứng cho ứng dụng công nghệ thông tin... nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự hội thảo. Đa số các ý kiến thảo luận đều khẳng định tính cấp thiết của việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; trong đó việc cấp mã định danh, xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung, thực hiện giao dịch điện tử là rất quan trọng và phải sớm triển khai. Tuy nhiên, những khó khăn về nguồn lực thực hiện, cơ sở hạ tầng, máy móc, sự đồng bộ trong các quy định pháp lý, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan…cũng được phân tích rõ.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh phát biểu tại hội thảo

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh đánh giá cao những kết quả nghiên cứu, khuyến nghị của WB. Trong bối cảnh đối tượng tham gia BHXH, BHYT đang ngày càng tăng, yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với Ngành BHXH là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên việc thực hiện đòi hỏi nguồn lực, thời gian và phải nghiên kỹ cứu phương án triển khai, bảo đảm tính khả thi. BHXH Việt Nam cũng đã có những bước đi đầu tiên, thời gian tới đây sẽ triển khai từng bước việc cấp mã định danh cho người dân, đơn vị sử dụng lao động tham gia đóng BHXH, BHYT; chuẩn bị về hạ tầng, điều kiện kỹ thuật xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung; xây dựng phần mềm lõi, thực hiện giao dịch điện tử. Khẳng định những khuyến nghị của WB là rất hữu ích với BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh mong rằng, nhóm chuyên gia nghiên cứu của WB sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực hơn, có những tư vấn, khuyến nghị sâu hơn về kỹ thuật với quá trình ứng dụng công nghệ thông tin của Ngành BHXH. Thời gian tới đây, BHXH Việt Nam sẽ triển khai giao dịch điện tử theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhóm chuyên gia của WB có thể theo sát, có những phân tích, đánh giá kịp thời, qua đó giúp cho quá trình triển khai trên hệ thống toàn quốc đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp./.

Nguồn TC BHXH