Hướng tới bảo đảm ASXH cho người dân thông qua việc triển khai thi hành Luật BHXH

13/03/2015 03:58 AM


Đó là tiêu đề của cuộc Hội thảo do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 12/3 tại Hà Nội. Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, cần tăng tỷ lệ người tham gia BHXH để Nhà nước bớt đi gánh nặng phải lo an sinh xã hội cho quá nhiều người không có thu nhập trong tương lai.

Hoi thao 130315 01.JPG

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Trương Thị Mai- Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Hiện cả nước mới có hơn 11 triệu người trên tổng số trên 50 triệu người lao động tham gia BHXH. Tỷ lệ người tham gia BHXH còn quá thấp, mới chiếm hơn 20% tổng lực lượng lao động. Điều này có nghĩa trong tương lai, đất nước sẽ phải đối mặt với hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu không có thu nhập từ lương hưu, gánh nặng này sẽ thuộc về Nhà nước, đó là phải trợ cấp xã hội cho hàng triệu người để lo cuộc sống cho họ. Đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thông qua việc bổ sung, điều chỉnh chính sách để mở rộng nhanh diện bao phủ BHXH đồng thời Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện để hướng tới năm 2012 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH là mục tiêu cần hướng tới.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi thì để đạt được số người tham gia BHXH là 29 triệu người vào năm 2015 là điều không dễ. Theo đó, dù quy định đối tượng đóng BHXH bắt buộc nhưng đến nay mới chỉ có 60-70% tham gia. Việc triển khai thi hành Luật cần bám sát 2 mục tiêu, đó là: Đảm bảo ASXH cho người dân; đảm bảo an toàn, cân đối quỹ. Để thực hiện được điều đó, Nhà nước phải tạo cơ chế khuyến khích người dân tự nguyện tham gia BHXH: bố trí NSNN hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng tham gia; tăng cường thông tin tuyên truyền; tăng cường tính tuân thủ pháp luật, cải cách công tác quản lý BHXH….

Luật BHXH vừa được Quốc hội kỳ họp thứ 8, khóa XIII thông qua vào cuối năm 2014 và hiện đang trong quá trình chuẩn bị triển khai thực hiện. Là một trong những luật có tỉ lệ biểu quyết thông qua chưa cao bởi đây là lĩnh vực khó, liên quan đến đời sống của tất cả người lao động và có tính chất phức tạp. Cùng với việc mở rộng diện bao phủ, vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chính sách an sinh cũng là thách thức và là mục tiêu trọng tâm của việc hoạch định chính sách trong thời gian tới.

Đề cập đến các mục tiêu thực hiện, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân cho rằng, việc thực hiện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, khó nhất, theo ông Huân là mở rộng đối tượng bảo hiểm tự nguyện. Phải có sự thay đổi lớn trong cách làm thì người dân mới tham gia bởi nhiều năm qua, tỉ lệ tăng đối tượng này trong quy mô đóng bảo hiểm là rất thấp. Còn đối với bảo hiểm bắt buộc, công thức tính lương hưu chưa hoàn chỉnh, đối tượng tác động lớn nhất là doanh nghiệp. Và một khó khăn lớn khác là huy động lực lượng thanh tra BHXH vào cuộc nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng của doanh  nghiệp: “Xây dựng luật đã khó, nhưng tổ chức thực hiện còn khó hơn. Do đó, để thực hiện được mục tiêu đề ra, nhất là trong việc mở rộng đối tượng thì chính sách phải rõ ràng; cần phải tăng cường thanh tra, sửa đổi hệ thống chế tài; đẩy mạnh tuyên truyền; đặc biệt là cả hệ thống chính trị - xã hội phải cùng vào cuộc với quyết tâm cao”. Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đang tích cực cùng các ngành liên quan, trong đó có BHXH Việt Nam chuẩn bị cho việc triển khai Luật.

Về các vướng mắc này, ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị Bộ LĐTBXH sớm triển khai bằng các văn bản, theo đó bám sát tinh thần các tổ biên soạn nghị định, tránh tình trạng khi ban hành văn bản rồi vẫn phải giải thích lại việc thực hiện. Ông Lợi khẳng định: Phải tăng số người tham gia BHXH mới có nguồn để lo cho an sinh, tuy nhiên có tăng diện bao phủ của BHXH trong thời gian sắp tới hay không tùy thuộc rất lớn vào nỗ lực của ngành bảo hiểm.

Hoi thao 130315 02.jpg

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh cho biết, ngành BHXH đang nỗ lực tìm mọi kênh thông tin, phương tiện và tối giản thủ tục hành chính để mở rộng đối tượng tham gia BH tự nguyện, hiện đại hóa quản lý BHXH. Theo đó, đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH trong phạm vi cả nước. Cụ thể, BHXH Việt Nam hiện đang rất tích cực đẩy mạnh cải cách TTHC và ứng dụng CNTT vào trong quản lý, điều hành. Ngay từ năm 2006, BHXH Việt Nam đã tự rà soát các TTHC, cái gì cơ quan BHXH làm được thì không yêu cầu đơn vị SDLĐ và người dân làm. Dựa trên những quy định của Luật, BHXH Việt Nam đã chủ động hướng dẫn BHXH các địa phương thực hiện một số việc liên quan đến công tác thu, sổ- thẻ, CNTT".

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn