Chú trọng hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung
10/03/2015 03:53 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Luật BHYT sửa đổi, bổ sung) được kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 13/6/2014 và có hiệu lực từ 01/01/2015. Luật BHYT sửa đổi được dư luận xã hội quan tâm vì có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến cơ chế tài chính cho chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội. Với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam đã tích cực tham gia vào công tác triển khai, đưa Luật BHYT sửa đổi, bổ sung vào cuộc sống, trong đó đặc biệt chú trọng hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện Luật này.
Người bệnh đăng ký KCB BHYT. (Nguồn: Internet)
Ngay sau khi Luật BHYT sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo trình Chính phủ và các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện kịp thời, đồng bộ và có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung.
BHXH Việt Nam đã ban hành 03 quyết định quy định về mẫu thẻ BHYT, mã số ghi trên thẻ BHYT và quy định về tổ chức thực hiện BHYT trong khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn một số nội dung về quản lý thu như: thực hiện việc xác định, quản lý, lập danh sách đối tượng tham gia BHYT do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý,… và cấp thẻ BHYT theo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung.
BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Y tế và các Ban, ngành chức năng của địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật BHYT sửa đổi, bổ sung theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 01/2015/CĐ-TTg ngày 01/01/2015 và Công văn số 9302/BYT-BH ngày 22/12/2014 của Bộ Y tế, trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố ban hành để đảm bảo thực hiện đồng bộ, thống nhất trên cả nước. Tính đến hết tháng 2 năm 2015, đã có 45/63 tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành kế hoạch hoặc văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, 19 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện của UBND cấp tỉnh; 26 tỉnh, thành phố ban hành Công văn chỉ đạo triển khai thực hiện của UBND tỉnh và BHXH tỉnh; Sở Y tế và BHXH tỉnh của 18 địa phương đã chủ động phối hợp tổ chức triển khai các nội dung của Luật BHYT đến các cơ sở KCB trong tỉnh và BHXH các huyện cũng như các tổ chức có liên quan, bao gồm cả hệ thống đại lý BHYT.
Do phối hợp tốt giữa BHXH địa phương với các sở, ban ngành nên nội dung công văn chỉ đạo của các UBND tỉnh đã bám sát và triển khai một cách toàn diện việc thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung như: Xây dựng các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện tại địa phương; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung mới; Thực hiện lộ trình BHYT toàn dân; Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thực hiện pháp luật về BHYT; Đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT; Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện Luật BHYT. UBND các địa phương đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành trên địa bàn, đặc biệt là Sở Y tế và BHXH tỉnh, đảm bảo nguồn kinh phí tổ chức thực hiện BHYT.
Một số địa phương đã tích cực triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi như: Hà Nội và Thừa Thiên Huế đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Luật BHYT; UBND thành phố Hải Phòng có công điện khẩn cho các Sở, ngành, UBND cấp huyện, xã để chỉ đạo thực hiện Luật BHYT, một số tỉnh đã chủ động bố trí nguồn kinh phí mua thẻ BHYT cho các đối tượng.
Trên tinh thần phối hợp triển khai Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, các Bộ ngành cũng vào cuộc rất tích cực. Bộ Giao thông vận tải có công văn chỉ đạo việc triển khai thi hành Luật BHYT sửa đổi đến các đơn vị trực thuộc Bộ và chỉ đạo Vụ Y tế giao thông vận tải về việc tổ chức tốt công tác KCB đối với các cơ sở KCB trực thuộc Bộ, đồng thời phối hợp với cơ quan BHXH giải quyết vướng mắc cho người bệnh.
Bên cạnh việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung thì công tác tuyên truyền cũng được đặc biệt chú trọng. BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Tập huấn về Luật BHYT sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn thực hiện tại TP. Hà Nội và Hồ chí Minh cho các địa phương thuộc hai khu vực miền Bắc và miền Nam; Xây dựng Chương trình Công tác tuyên truyền năm 2015, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức Chính trị - Xã hội để phối hợp vận động, tuyên truyền người dân tham gia BHYT. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền năm 2015 và chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tuyên truyền, phổ biến các nội dung mới của Luật BHYT sửa đổi thông qua nhiều hình thức: Hội nghị phổ biến, tập huấn, phóng sự, tọa đàm, trả lời đường dây nóng,…
Đổ tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung ngay từ những ngày đầu tiên khi Luật có hiệu lực thi hành, BHXH Việt Nam đã thành lập Tổ thường trực tại BHXH Việt Nam và chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Tổ thường trực, thông báo đường dây nóng, bố trí giám định viên thường trực 100% tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên để hướng dẫn, giải thích và giải quyết các vướng mắc phát sinh cho người bệnh BHYT, cơ sở KCB và các tổ chức, cá nhân khác. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống các bệnh viện tại khu vực Hà Nội để phối hợp cùng giám định viên thường trực tại bệnh viện giải quyết các vướng mắc, phát sinh nếu có ngay tại bệnh viện.
Ngay sau khi Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, công tác khám chữa bệnh BHYT đã được triển khai thực hiện đúng quy định. Việc thực hiện tốt Luật BHYT sửa đổi, bổ sung sẽ góp phần bảo đảm an sinh xã hội trong sự phát triển ổn định bền vững, tiến tới BHYT toàn dân như mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện ngày 19/12/2014, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phải nghiên cứu kỹ, thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT một cách hiệu quả nhất. Thường xuyên báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố, tăng cường phối hợp thực hiện trong công tác phát triển mở rộng đối tượng, đẩy mạnh tuyên truyền… từng bước thực hiện BHYT toàn dân. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, BHXH các tỉnh, thành phố cũng phải chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nói chung, đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách BHYT, giám định BHYT nói riêng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, bảo đảm quyền lợi BHYT cho người dân, khẳng định hiệu quả chính sách BHYT trong thực tiễn.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT