Triển khai BHYT hộ gia đình: Cần sự linh hoạt
17/03/2015 03:46 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trước một số vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, nhất là việc thực hiện BHYT theo hộ gia đình, đoàn công tác của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu vừa qua đã khảo sát tình hình thực tế tại Tp.Hồ Chí Minh.
Linh họat thực hiện
Tại phường 14, quận Bình Thạnh, bà Nguyễn Thị Thủy- Chủ tịch UBND phường cho biết: phường hiện có 2.320 hộ gồm 14.022 nhân khẩu, tỉ lệ dân số tham gia BHYT là 70%. Sau hơn 2 tháng triển khai bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình, phường có 318 hộ gia đình tham gia BHYT. Nguyên nhân tỉ lệ hộ gia đình tham gia BHYT còn quá ít là do mới triển khai vận động bán BHYT bắt buộc theo hộ gia đình nên nhiều người dân chưa nắm rõ quy định mới. Ngoài ra, còn có những khó khăn do thủ tục, người dân muốn tham gia BHYT nhưng không thể chứng minh tình trạng tham gia BHYT của tất cả các thành viên trong gia đình nên ảnh hưởng đến việc tham gia BHYT.
Báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Mai Văn Hoài- Phó Giám đốc BHXH quận Bình Thạnh cho biết: khó khăn trong triển khai BHYT hộ gia đình là quy định phải xác minh tình trạng tham gia BHYT của tất cả thành viên trong gia đình. Trên thực tế, nhiều hộ gia đình có người thân đã đi làm ăn ở địa phương khác hoặc đi ra nước ngoài thì việc xác minh quá khó khăn. Nhất là với những trường hợp không có nhu cầu mua thẻ BHYT tại nơi cư trú nhưng không có cơ sở loại trừ khỏi diện tham gia BHYT theo hộ gia đình do cơ quan công an không xác nhận tạm vắng.
Trước thực tế này, BHXH quận Bình Thạnh đã linh động yêu cầu đại lý bán BHYT cho người dân theo tinh thần chỉ đạo của BHXH TP. Đó là, cấp thẻ BHYT có giá trị 3 tháng, để người dân tự khai về tình trạng tham gia BHYT của những người trong gia đình và tự chịu trách nhiệm. Sau đó, gia đình mua tiếp BHYT sẽ chứng minh tình trạng tham gia BHYT.
Bà Lưu Thị Thanh Huyền- Phó Giám đốc BHXH TP cũng xác nhận nhiều hộ gia đình có người thân đi nơi này nơi khác thì việc xác minh còn gặp nhiều nhiêu khê thủ tục. Tuy nhiên, việc xác minh hộ gia đình có bao nhiêu người, thuộc đối tượng tham gia BHYT nào phải là trách nhiệm của UBND phường, xã địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hoan nghênh tinh thần sáng tạo, xử lý tình huống của BHXH TP. Việc cho “nợ thủ tục” là sáng kiến của cơ quan BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi được KCB BHYT của người dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, việc thực hiện BHYT toàn dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, hướng đến người bệnh được KCB được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất. Quy định bắt buộc mua BHYT hộ gia đình thực chất là để khắc phục tình trạng “lựa chọn ngược” (chỉ những người có bệnh mới mua BHYT- PV) mà người khỏe mạnh cũng phải có trách nhiệm tham gia; đồng thời, đẩy mạnh việc tham gia BHYT trong toàn dân chứ không phải là để hạn chế việc tham gia BHYT của người dân. Nhằm hỗ trợ tham gia BHYT theo hộ gia đình, luật có cơ chế khuyến khích theo hướng giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, những khó khăn trong thời điểm giao thời thực hiện quy định mới là khó tránh khỏi, song nếu chúng ta không linh động, mềm mỏng, không đặt quyền lợi người dân lên trên thì không thể thực hiện BHYT theo hộ gia đình. Từ đó cũng không thể nào thực hiện được BHYT toàn dân.
Đẩy mạnh tuyên truyền tham gia BHYT
Đánh giá về tình hình thực hiện BHYT trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo cho biết, Tp.Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế- xã hội của cả nước, song hiện nay vẫn đang là địa phương có độ phủ BHYT thấp hơn mức trung bình cả nước. Đến hết năm 2014, tỉ lệ bao phủ BHYT cả nước là 71,6%, trong khi Tp.Hồ Chí Minh chỉ đạt 69,2% dân số. Do đó, trong năm 2015, để đạt chỉ tiêu chung của cả nước là 75% dân số có BHYT, thì TP phải tăng ít nhất 500.000 người tham gia BHYT. Để thực hiện được điều này, Tp.Hồ Chí Minh cần chủ động tháo gỡ những vướng mắc; đẩy mạnh triển khai KCB BHYT đến tận trạm y tế phường, xã; phải nâng cao chất lượng phục vụ, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để người dân sẵn sàng tham gia BHYT.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, tỉ lệ tham gia BHYT còn thấp một phần là do công tác tuyên truyền, vận động chưa đến với người dân. “Qua facebook, fanpage có nhiều người dân vào hỏi tôi rằng cần mua BHYT thì mua ở đâu. Nhu cầu là rất lớn nhưng do chúng ta tuyên truyền chưa đến nơi, đến chốn. Ngay cả ở UBND phường 14 (quận Bình Thạnh) tôi cũng không thấy có bảng hướng dẫn mua BHYT thì làm sao người dân biết nơi mua. Do đó, cần thông báo rộng rãi và khuyến khích mở thêm đại lý, điểm bán BHYT ở nhiều nơi và để dân tiếp cận mua BHYT một cách dễ dàng”- bà Tiến nói.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, do việc bố trí kinh phí tuyên truyền quá ít cũng làm hạn chế nhiều đến công tác tuyên truyền. Trong năm 2014, kinh phí tuyên truyền ngành BHXH thực hiện ở các địa phương trong cả nước chỉ là 47 tỷ đồng. Con số này là quá ít, nhất là trong bối cảnh phải tập trung tuyên truyền Luật BHYT 2014 và những chính sách an sinh xã hội khác có tác động đến toàn dân. Do đó, cần phải bố trí kinh phí tuyên truyền phù hợp để thực hiện có chiều rộng và chiều sâu để đến với người dân.
Đồng quan điểm, ông Tất Thành Cang- Phó Chủ tịch UBND TP cũng cho rằng công tác truyền thông của các cấp, các ngành còn chưa sâu. Chuẩn cận nghèo của TP.HCM cao hơn mức chung của cả nước, người cận nghèo thành phố có mức thu nhập từ 16-21 triệu đồng/năm. Trong khi đó, người cận nghèo đã được hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT, chỉ phải đóng 200.000 đồng/năm, nhưng toàn Thành phố chỉ có 2/3 trong tổng số 56.000 hộ nghèo tham gia BHYT. Nếu được vận động, tuyên truyền đầy đủ về lợi ích khi tham gia BHYT thì người dân sẵn sàng mua BHYT vì số tiền bỏ ra là quá nhỏ so với lợi ích mang lại, nhất là khi họ gặp ốm bệnh hiểm nghèo.
Ông Tất Thành Cang yêu cầu các sở, ngành liên quan của TP nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc cho người tham gia BHYT; cắt giảm các thủ tục không cần thiết để người dân được mua BHYT theo hộ gia đình; xác định rõ danh sách những hộ nghèo, cận nghèo để hỗ trợ BHYT... Qua đó, TP phấn đấu năm 2015 phải đạt tỉ lệ 76% dân số có thẻ BHYT.
Đoàn công tác của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng vừa làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về tình hình triển khai thực hiện Luật BHYT 2014 trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Nam, tính đến hết quý I/2015, toàn tỉnh có hơn 1.138.000 người tham gia BHYT, chiếm 78,7% dân số. Ngân sách tỉnh đã hỗ trợ người cận nghèo 30% kinh phí còn lại để cấp thẻ BHYT. Năm 2014, Quỹ BHYT của tỉnh bội chi hơn 69 tỷ đồng (giảm 50% so với năm 2013), tập trung vào nhóm đối tượng cán bộ hưu trí, người có công cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, nhóm tham gia BHYT tự nguyện, nhóm nghèo và cận nghèo.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đề nghị tỉnh Quang Nam tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức về trách nhiệm, quyền lợi trong việc thực hiện chính sách BHYT và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Theo: Báo BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT